“Khai mỏ” trong đô thị
Sẽ rất lãng phí nếu không tận dụng lại số kim loại có trong rác thải điện tử. Trên thực tế, đã xuất hiện xu hướng Urban mining, tức "khai mỏ ngay trong đô thị", hay nói đúng hơn là đầu tư khai thác kim loại từ rác thải điện tử ở địa phương.
Cần nhìn nhận rác điện tử gây ô nhiễm với các chất có hàm lượng độc tố cao như: Chì, thủy ngân, Cadmium và một số chất hóa học độc hại khác. Không chỉ có vậy, những núi rác điện tử khi bị đốt để thiêu hủy, thường tác động nguy hiểm đối với môi trường và con người. Song bên cạnh những độc hại, rác thải này cũng được coi là nguồn “tài nguyên” nếu biết tận dụng.
“Mỏ vàng” có ngay trong rác điện tử |
Thế giới đã có những nghiên cứu đánh giá, mỗi tấn phế thải linh kiện chứa lượng vàng nhiều gấp 17 lần so với một tấn quặng kim loại quý này và 40 lần so với đồng. Mỗi năm, có 50 triệu thiết bị điện tử trở thành rác thải và cùng với chúng là một lượng lớn kim loại quý: Trong 41 chiếc điện thoại di động có một lượng vàng tương đương lượng vàng trong 1 tấn quặng vàng.
Tỉnh táo giữa lằn ranh “kho báu và cạm bẫy”
Theo thống kê của Viện Công nghệ Môi trường (Đại học Bách khoa Hà Nội), mỗi năm, Việt Nam thải ra khoảng 120.000 - 150.000 thiết bị điện và điện tử gia dụng: ti vi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa,… khoảng 200.000 - 300.000 chiếc máy tính. Đó là chưa kể đến số lượng điện thoại di động được thải. Đây là loại rác thải điện tử khá lớn ở Việt Nam vì vòng đời sử dụng ngắn chỉ 1 - 2 năm.
Vậy lượng thiết bị điện tử đó là nguồn tài nguyên dồi dào hay núi rác khổng lồ? Nếu không có cách thu hồi, các vật liệu quý kể trên cũng chỉ là tiềm năng, trong khi những tác động nghiêm trọng cho môi trường đất, nước, không khí và sức khỏe con người là sự thật hiện hữu.
Lằn ranh giữa “kho báu và cạm bẫy” là hai căn phòng kín liền nhau mà ở giữa có cánh cửa xoay rất nặng. Và chúng ta đang ở căn phòng của “hiểm họa”, mà chỉ sức mạnh của công nghệ mới có thể giúp chúng ta đẩy cánh cửa đó để kịp bước sang phía bên kia một cách an toàn.
Việt Nam hiện chưa thực sự có hoạt động tái chế rác thải điện tử. Khó nhất không phải nghiên cứu hay làm chủ công nghệ mà là điều kiện và môi trường chính sách, kinh doanh để công nghệ đó được áp dụng. Trong khi ngân sách còn hạn hẹp chưa đủ để đầu tư một cách toàn diện và đồng bộ, mô hình xã hội hóa còn nhiều hạn chế bởi các doanh nghiệp chưa nhìn thấy hết lợi ích đầu tư công nghệ hiện đại cho quy trình xử lý, tái chế rác thải điện tử thân thiện với môi trường.
Theo UNEP, mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 40 triệu tấn rác loại rác thải điện tử. Để khai thác kim loại, con người phải đầu tư, chi phí rất lớn, phải đào và thiết kế hầm lò ở độ sâu hàng nghìn mét, phải phá ủi cả một quả núi hay sàng lọc, đãi cát cực kỳ vất vả. Trong khi đó, người ta có thể khai thác tài nguyên kim loại quý hiếm từ rác điện tử ít vất vả tốn kém hơn nhiều.
Các văn bản hình thành khung chính sách đặc thù về chất thải điện tử đã được ban hành như Quyết định 50/2013 của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ; Thông tư 12/2011 của Bộ TN&MT quy định về quản lý chất thải nguy hại; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, quy định việc nhập khẩu, quá cảnh chất thải từ nước ngoài dưới mọi hình thức bị cấm. Nghị định 38 và Thông tư 36 năm 2015 của Bộ TN&MT quy định chi tiết hơn về quản lý chất thải nguy hại…
Tuy vậy, chừng đó chưa đủ để hình thành một hệ thống chính sách quản lý hiệu quả chất thải điện tử - từ phân loại đến thu gom, tái chế.