Tranh luận "nóng' về lợi - hại của thủy điện

Lan Chi| 05/11/2020 23:07

(TN&MT) - Thời gian qua, dư luận xã hội có nhiều ý kiến rất khác nhau về câu chuyện thủy điện. Tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, cũng rất nóng chủ đề này. Những gì chúng ta đang hứng chịu từ sự cuồng nộ của thiên nhiên có liên quan như thế nào, có phải là hậu quả của việc con người tác động đến thiên nhiên như phá rừng, làm thủy điện hay không?

Vấn đề này đã được các chuyên gia, nhà khoa học tập trung thảo luận tại tọa đàm trực tuyến “Lũ lụt bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay nhân tai?” do Báo Đại đoàn kết tổ chức ngày 5/11 tại Hà Nội.

PGS.TS Vũ Thanh Ca - Giảng viên cao cấp, khoa Môi trường, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: Không có bất kỳ thông tin nào nói hồ chứa làm tăng lũ lụt

Năm 2010, một nhóm công tác của châu Âu có một nghiên cứu về đập và lũ lụt để giảm nhẹ lũ lụt của hồ chứa các nước châu Âu. Theo đó, đập thủy điện, thủy lợi giúp giảm nhẹ lũ lụt, tùy thuộc khả năng giảm nhẹ lũ lụt của từng hồ. Không có bất kỳ thông tin nào nói hồ chứa làm tăng lũ lụt.

Với nhiều năm nghiên cứu về tác động của các lưu vực sông tới vùng bờ biển, PGS.TS Vũ Thanh Ca khẳng định: Hầu hết các vấn đề liên quan đến bờ biển, thủy điện. Chẳng hạn, xói lở bờ biển thủy điện là thủ phạm chính gây xói lở bờ sông, nhưng không phải là nguyên nhân gây ra lũ lụt.

PGS.TS Vũ Thanh Ca

Theo quy trình thủy điện, khi mưa, hồ xả đón lũ, khi mưa lớn hồ dâng lên, nước quá lớn thì xả giảm lượng nước dâng trong hồ. Lượng nước trong hồ có thể tăng lên nhưng luôn thấp hơn lượng lũ về nên mực nước mới tăng lên. Khi mực nước tăng, hồ không thể giữ thêm nước nữa, vì khả năng vỡ đập cao, lưu lượng tới bao nhiêu xả bấy nhiêu. Như vậy, có hồ cũng như không có hồ. Hồ giữ được một phần nước, sau đó, xả như tự nhiên, như vậy, không có lý do hồ xả làm hạ du nhiều nước hơn.

Khi mưa xuống, cành cây, thân cây, thảm thực vật lưu giữ khoảng 50 mm nước, nhưng mặt hồ lưu giữ 4m nước, do đó, hồ vẫn giữ được rất nhiều nước để giảm lũ.

Ông Nguyễn Tài Sơn - Chuyên gia độc lập về thủy điện: Hồ chứa nước có ảnh hưởng tới môi trường nên cần xem xét kỹ lưỡng

Miền Trung thường xảy ra lũ lụt, từ năm 1952 đến nay, có hàng chục trận lũ. Gần nhất là năm 1999 có trận lũ lớn tương đồng với trận lũ năm nay, với 595 người chết.

Về lợi ích năng lượng, thủy điện chiếm 30 - 40% năng lượng điện, nếu bỏ thì phải thay thế. Thủy điện không tiêu hao nguồn nước và dòng chảy, đó là nguyên lý cơ bản. Các hình thức của thủy điện, có liên quan tới tác động môi trường, thủy điện có hồ điều tiết dài hạn như Hòa Bình, Sơn La. Loại thứ hai là có điều tiết ngắn hạn, trong 24 giờ. Loại thứ 3 là thủy điện không điều tiết, loại không có hồ.

Ông Nguyễn Tài Sơn 

Hồ chứa nước có ảnh hưởng tới môi trường nên cần xem xét kỹ lưỡng. Trước đây, chúng ta tranh luận gay gắt không nên làm thủy điện lớn nữa vì tác động rất lớn đến môi trường, chỉ làm thủy điện nhỏ, nhưng cho đến nay, nhiều người lại phản đối thủy điện nhỏ.

PGS.TS Trần Tân Văn – Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản: Phải tính toán cẩn thận tác động của việc điều tiết lũ

Thủy điện chuyển nước từ lưu vực này sang lưu vực kia, trong đó, có câu chuyện mất nước khiến người dân thay vì được hưởng nước tự nhiên thì lại không có nước để sử dụng. Chẳng hạn như thủy điện tại Gia Lai, Phú Yên, người dân phản ánh tình trạng mất nước tại sông Ba.

PGS.TS Trần Tân Văn

“Ngoài ra, khi tích nước hồ chứa vận hành hay không có tác động đến thủy văn, gây ra trượt lở lòng hồ, va đập, nguy cơ không ai có thể phủ nhận. Ví dụ trên thế giới vào năm 1963, thủy điện của Ý ngay khi được kích hoạt đã có một khối đất lớn trượt xuống hồ, đẩy nước tràn mặt, trượt ra khỏi lòng hồ, quét đi cả một thị trấn, làm chết gần 2.000 người. Tác động của việc điều tiết lũ, chúng ta phải tính cẩn thận, tránh việc trượt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng. Với các thiệt hại của người dân, chúng ta phải có đền bù”, PGS.TS Trần Tân Văn nhấn mạnh. 

Ông Phạm Trọng Thực - Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường, Bộ Công Thương: Bộ Công Thương không phê duyệt bất kỳ công trình thủy điện nào sử dụng một m2 rừng

Chúng ta đang thực hiện Luật Thủy lợi bằng Nghị định 114 của Chính phủ yêu cầu các chủ hồ điều chỉnh quy trình vận hành hồ được phân cấp rõ ràng. Khi vận hành các vùng nước ở thượng lưu xuống hạ lưu sẽ chuyển về cơ quan quản lý như sở Công Thương của tỉnh.

Chẳng hạn, điều hành nước ở Thủy điện Sông Tranh thì điều hành đến từng giờ, thông tin sẽ báo về Sở Công Thương, sau đó, Sở này sẽ tham mưu cho Chủ tịch tỉnh điều hành quy trình xả lũ. Nếu như không có cắt lũ 52% với một lượng lũ về 16.000mm, vượt quá khả năng của công trình thì phải cứu công trình. Khi điều hành, phải cứu công trình và không ảnh hưởng đến lũ, đây là cố gắng lớn của chủ hồ vừa qua.

Ông Phạm Trọng Thực

Quy trình do con người, qua đây, chúng tôi cũng xem xét lại quy trình vận hành để hợp lý hơn. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương không phê duyệt bất kỳ dự án thủy điện nào sử dụng một m2 rừng.

Trong khi cuộc tọa đàm trên diễn ra, bà con miền Trung vẫn đang phải oằn mình chống chọi với bão số 10. Thiết nghĩ, trong tình hình này, chúng ta cần tiếp tục các công việc tiếp theo để đưa ra giải pháp nhằm giảm thiệt hại về mưa lũ. Tọa đàm gợi mở câu chuyện về việc có nên để toàn dân giám sát quy trình xả lũ hay không, để qua đó, góp phần làm minh bạch, tránh nghi ngờ rằng thủy điện xả lũ gây thiệt hại cho dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh luận "nóng' về lợi - hại của thủy điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO