(TN&MT) - Tại Việt Nam, đang xuất hiện ngày càng nhiều xung đột, tranh chấp về môi trường, điển hình nhất là các vụ tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại về người và tài sản do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây nên.
“Bất công” khi giải quyết tranh chấp!
Ở nhiều địa phương, tranh chấp môi trường tập trung chủ yếu ở việc đòi bồi thường thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi do ô nhiễm nguồn nước, trong đó người gây hại thường là các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trực tiếp xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, còn người bị hại là các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư sống trong khu vực bị ô nhiễm. Các phương án giải quyết loại vụ việc này thường là các bên thông qua chính quyền địa phương để thỏa thuận một mức bồi thường tượng trưng hoặc chuyển hóa thành một khoản tiền có tên gọi là tiền "hỗ trợ cải tạo môi trường". Tuy nhiên, tiền không phải là tất cả khi sức khỏe, tính mạng người dân đang bị đe dọa bởi những yếu tố độc hại từ môi trường, thế nên nhiều vụ việc xung đột nhiều năm vẫn chưa có hồi kết.
Xung đột giữa người dân và doanh nghiệp do hành vi xả thải gây ô nhiễm
Theo nghiên cứu được Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công nghiệp (IPSI) – Bộ Công Thương, thực hiện thời gian gần đây cho thấy, tại TP HCM, Đồng Nai, Thái Nguyên, Hưng Yên và Đà Nẵng, ô nhiễm về môi trường tại các khu công nghiệp chủ yếu do người dân phát hiện. Người dân không đánh giá ô nhiễm theo chỉ số BOD, COD mà họ nhìn nhận dưới góc độ mùi ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe của họ.
Tại TP HCM, 96% người dân cho rằng có ô nhiễm mùi rất báo động; ở Thái Nguyên khói bụi từ nhà máy kẽm điện phân làm vàng lá, ở Hưng Yên nước sông đã chuyển màu đen và có mùi hôi thối; hay như ở Đà Nẵng 56,63% người dân nói có bị ảnh hưởng của ô nhiễm mùi từ khu công nghiệp thủy sản. Mặc dù, người dân đã có nhiều phản ánh nhưng các phương thức giải quyết tranh chấp của các cơ quan quản lý hầu như đều không được người dân chấp nhận. Nguyên nhân cơ bản chính là tình trạng chưa minh bạch trong quá trình giải quyết tranh chấp, người dân không biết khiếu nại của mình đang ở giai đoạn nào trong khâu xử lý, chưa nói đến việc xử lý có thỏa đáng hay không.
Trong khi đó, không ít chính quyền nhiều địa phương còn "miễn cưỡng” xử phạt các công ty gây ô nhiễm, vì dường như chất lượng môi trường địa phương ít liên quan đến vị thế của họ, thì nhiều doanh nghiệp đều thấy rõ nộp tiền phạt sau khi gây ô nhiễm luôn rẻ hơn đầu tư vào hệ thống xử lý kiểm soát ô nhiễm, rủi ro bị đóng cửa do gây ô nhiễm cũng rất thấp. Đây cũng chính là kẽ hở, khiến không ít các doanh nghiệp trở lên “nhờn luật”.
Thiếu quy định
Nhìn nhận thực tế từ các vụ việc xung đột gần đây cho thấy, vướng mắc mà chính các bên đương sự cũng như các cơ quan có thẩm quyền phải đối mặt khi xử lý các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây nên một phần bắt nguồn từ đặc thù của các mâu thuẫn, xung đột trong lĩnh vực môi trường, nhưng lý do chính cần kể đến là sự thiếu các quy định của pháp luật về vấn đề này.
Có thể thấy, cơ chế hành chính đang tồn tại nghịch lý là xã không có chức năng giải quyết, gửi đơn thư lên huyện thì huyện không có trách nhiệm trả lời. Dân khiếu kiện vì bức xúc lại không có kiến thức chuyên môn, không được hỗ trợ pháp lý nên bức xúc càng lớn, có khuynh hướng họp nhau lại cùng đấu tranh, tạo sức ép với doanh nghiêp và cho rằng, phải kiện lên cấp cao nhất mới có kết quả. Người dân sau đó thường có các hành vi vi phạm như biểu tình, gây sức ép, phong tỏa hoạt động doanh nghiệp, phá hoại cây trồng, thả vật nuôi...
Hiện mới có các quy định chung về trách nhiệm của người làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại, các quy định mang tính nguyên tắc về quyền đòi bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường. Cũng đã có một số quy định về thủ tục tố tụng để giải quyết các vụ kiện dân sự đòi bồi thường thiệt hại nói chung, nhưng hiện còn có nhiều tranh cãi do chúng chưa thực sự phù hợp với các yêu cầu riêng của việc giải quyết đòi bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường. Mặt khác, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi gây thiệt hại xảy ra trong lĩnh vực môi trường khó xác định chính xác do các thiệt hại không xảy ra tức thời mà xảy ra từ từ trong khoảng thời gian khá dài.
Theo các chuyên gia, để chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi tác động xấu đến môi trường và những thiệt hại xảy ra thường phải thông qua các bước: Xác định mối quan hệ giữa hành vi vi phạm pháp luật môi trường với tình trạng ô nhiễm, suy thoái của môi trường, xác định mối quan hệ giữa ô nhiễm, suy thoái môi trường với những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của cá nhân, tổ chức.
Bên cạnh đó, một trong hàng loạt biện pháp quản lý xung đột môi trường là sự cần thiết phải giao lưu thông tin, khuyến khích những người cùng tham gia dự án trao đổi với nhau, chia sẻ thông tin, quyền lợi, giúp cho các bên tham gia hiểu nhau hơn, xác định được vị thế và quyền lợi của nhau. Nếu việc thông tin được đảm bảo một cách kịp thời, các vấn đề được các cấp có thẩm quyền giải quyết một cách nhanh chóng, các thủ tục hành chính bớt rườm rà và có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng với người dân thì có thể các xung đột trên đã không xảy ra.
Phương Anh