Tranh chấp đất ở Bát Tràng: UBND huyện Gia Lâm cương quyết 'né' báo chí

13/12/2017 00:00

(TN&MT) - Mặc dù "năm lần bảy lượt" PV Báo Tài nguyên và Môi trường tìm cách liên hệ làm việc với UBND huyện Gia Lâm, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện này...

(TN&MT) - Mặc dù "năm lần bảy lượt" PV Báo Tài nguyên và Môi trường tìm cách liên hệ làm việc với UBND huyện Gia Lâm, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện này để tìm hiểu những hồ sơ pháp lý liên quan đến vụ tranh chấp đất ở xã Bát Tràng đều bất thành.
 
Làm khó báo chí?
 
Liên quan đến vụ tranh chấp đất đai ở xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội giữa ông Phạm Vĩnh Phúc (trú ở Tây Sơn, Đống Đa) và bà Phạm Bích Thảo (là chị con nhà bác ông Phúc, thường trú ở Láng Hạ, Đống Đa), PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã rất nhiều lần cố gắng liên hệ gặp trực tiếp với đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm và Văn phòng UBND huyện để làm sáng tỏ một số hồ sơ pháp lý liên quan đến vụ việc nhưng đáp lại là thái độ thờ ơ của chính quyền huyện Gia Lâm.
 
Trụ sở UBND huyện Gia Lâm và Phòng Tài nguyên và Môi trường Gia Lâm.
Trụ sở UBND huyện Gia Lâm và Phòng Tài nguyên và Môi trường Gia Lâm.
 
Trước đó, sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường đăng bài viết: "Tranh chấp đất ở Bát Tràng: 'Dài cổ' chờ hồi âm của Phòng TN&MT Gia Lâm" thì ngày 04/12, ông Nguyễn Đỗ Cảnh - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm có liên hệ và đề nghị PV mang theo giấy giới thiệu của Báo sang Văn phòng huyện để đặt lại lịch làm việc.
 
Theo ông Cảnh, để làm việc được với phòng Tài nguyên và Môi trường thì phải có quy trình? Ông Cảnh đề nghị PV liên hệ với Văn phòng huyện và khi Văn phòng có chỉ đạo thì phòng Tài nguyên và Môi trường mới làm việc được. Khi PV đặt vấn đề đã liên hệ đặt lịch làm việc trước đó với Văn phòng huyện và muốn được làm việc luôn thì ông Cảnh nhất quyết đề nghị phải liên hệ với Văn phòng huyện.
 
Làm theo yêu cầu của ông Cảnh, PV cũng đã liên hệ với ông Hoàng Anh Tú - Chánh văn phòng UBND huyện Gia Lâm bằng cách gọi điện để đề nghị được làm việc. Tuy nhiên, chỉ duy nhất một lần ông Tú nghe máy nhưng từ chối trả lời với lý do là "bận họp". Kể từ đó, PV cũng đã nhiều lần gọi điện và nhắn tin nhưng cũng không nhận được bất cứ câu trả lời từ phía ông Tú.
 
Không liên lạc được với ông Tú, PV sau đó đã cố gắng liên hệ với ông Nam - Phó Chánh văn phòng UBND huyện Gia Lâm đề nghị ông Nam báo cáo lãnh đạo huyện yêu cầu phòng Tài nguyên và Môi trường sắp xếp buổi làm việc với PV về vụ việc tranh chấp đất đai giữa ông Phúc và bà Thảo. Bên cạnh đó, PV cũng đề nghị được trao đổi trực tiếp với lãnh đạo UBND huyện về những "mập mờ" trong việc thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tại thửa đất số 134, tờ bản đồ số 14 tại thôn Bát Tràng.
 
Khu đất xảy ra tranh chấp ở thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, TP. Hà Nội.
Khu đất xảy ra tranh chấp ở thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, TP. Hà Nội.
 
Sau nhiều lần gọi điện và nhắn tin, ông Nam cho biết đã báo cáo lãnh đạo để yêu cầu phòng Tài nguyên và Môi trường trả lời. Tuy nhiên, đến nay đã nhiều ngày trôi qua, PV vẫn không thấy động thái gì từ phía Văn phòng UBND huyện Gia Lâm cũng như phòng Tài nguyên và Môi trường huyện này. Phải chăng các đơn vị thuộc UBND huyện Gia Lâm có gì khuất tất nên né tránh báo chí?
 
Có điều gì bí mật?
 
Như thông tin đã đưa, Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được khiếu nại của bà Phạm Bích Thảo phản ánh về việc Chủ tịch xã Bát Tràng (Gia Lâm, TP. Hà Nội) là ông Phạm Văn May ra văn bản khó hiểu làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của công dân, khiến gia đình bà Thảo rơi vào cảnh kiện tụng tranh chấp đất đai với ông Phạm Vĩnh Phúc.
 
Trong đơn khiếu nại, bà Thảo cho biết, bà là con của cụ Phạm Văn Hổ ( SN 1912, đã mất) và kế mẫu là bà Phạm Thị Trà (SN 1914, đã mất). Ngoài bà Thảo, cụ Hổ cũng còn có 9 người con khác gồm: Chấn, Liên, Cường, Thịnh, Vinh, Hiển, Hậu, Định, Hùng. Trước khi mất, cụ Hổ và kế mẫu Phạm Thị Trà đã để lại toàn bộ tài sản gồm nhà, đất tại thửa 134 từ bản đồ số 14, xóm 3, thôn Bát Tràng và chia thành 2 thửa gồm 134 (1) và 134 (2).
 
Cụ thể, thửa 134 (1), tờ bản đồ số 14 có diện tích 133 m2 tại địa chỉ xóm 3, thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, TP. Hà Nội là đất ở nông thôn, sử dụng lâu dài và đã được UBND huyện Gia Lâm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số AD 856102; cấp ngày 02/12/2005 mang tên Phạm Văn Hổ và Phạm Thị Trà (thửa đất này gia đình cụ Hổ được UBND xã Bát Tràng cấp bán, có thu tiền năm 1992).
 
Văn bản số 444/TB-UBND ngày 22/12/2015 do ông Nguyễn Văn May ký thừa nhận thửa đất 134 là của ông Phạm Văn Hổ (bố bà Phạm Bích Thảo).
Văn bản số 444/TB-UBND ngày 22/12/2015 do ông Nguyễn Văn May ký thừa nhận thửa đất 134 là của ông Phạm Văn Hổ (bố bà Phạm Bích Thảo).
 
Còn thửa 134(2), tờ bản đồ số 14 có diện tích 176 m2 (trước là 180 m2) cũng tại địa chỉ xóm 3, thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, TP. Hà Nội. Theo bản đồ năm 1986, 1993-1994 và sổ mục đính kèm đều mang tên Phạm Văn Hổ và Phạm Thị Trà (đây là thửa đất được Nhà nước đền bù cho gia đình khi đào sông Bắc Hưng Hải năm 1958).
 
Tuy nhiên, vào năm 2016, các ông Phạm Vĩnh Phúc, Phạm Hà Bắc, Phạm Vĩnh Hưng là các em con chú, con cô ruột đã có đơn đề nghị tranh chấp các thửa đất trên với UBND xã Bát Tràng với lý do các thửa đất là của ông bà nội để lại (cụ Phạm Thanh Vân và vợ là cụ Trần Thị Sâm - người đẻ ra con trưởng là ông Hổ và con thứ là bố mẹ của các ông Phúc, Bắc, Hưng) nên cũng có quyền thừa kế.
 
Cũng theo bà Thảo, mãi đến sau này, sau nhiều lần hòa giải, phía bà Thảo cũng đã chấp thuận với các ông Phúc, Bắc, Hưng chia đều thừa đất 176 m2 ra làm bốn phần theo ý nguyện của cụ Hổ trước khi mất. Tuy nhiên, đến nay, những người trên lại đòi chia đều cả 4 người tổng thửa đất số 134 ( cả 2 thửa 133 m2 với 176 m2) với diện tích hơn 300 m2 dù thửa 133 m2 là của chính ông Hổ bỏ tiền ra mua, có đóng thuế đất hàng năm.
 
Đáng chú ý, trong các lần giải quyết tranh chấp, UBND xã Bát Tràng mà cụ thể là Chủ tịch xã Phạm Văn May đã ra nhiều văn bản thông báo về việc xác định nguồn gốc thửa đất 134, tờ bản đồ 14 thuộc thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội. Điều đáng nói, các văn bản thông báo do ông May ký lại "tiền hậu bất nhất".
 
Văn bản số 468/UBND-ĐCXD phủ nhận thửa đất của ông Phạm Văn Hổ.
Văn bản số 468/UBND-ĐCXD phủ nhận thửa đất của ông Phạm Văn Hổ.
 
Cụ thể, theo Văn bản số 444/TB-UBND ngày 22/12/2015 do ông Phạm Văn May ký, ngày 03/7/2015, UBND xã Bát Tràng đã tiến hành kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của gia đình bà Thảo (con ông Hổ). Kết quả kiểm tra cho thấy, mốc giới sử dụng ổn định, rõ ràng, không tranh chấp. Đồng thời văn bản cũng chỉ rõ hiện trạng thửa đất tách làm 2 thửa, trong đó thửa 134 (1) đã tách do có nguồn gốc xã cấp bán cho ông Hổ từ năm 1992 (có phiếu thu tiền) và cũng đã được huyện Gia Lâm cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất mang tên Phạm Thị Trà và Phạm Văn Hổ.
 
Tuy nhiên, sau đó chưa đến một năm, tức ngày 15/10/2016, cũng chính ông May đã ra ký Văn bản số 468/UBND-ĐCXD khẳng định thừa đất trên không phải là của ông Hổ mà đó là của cụ Trần Thị Sâm (mẹ ông Hổ) do được Nhà nước đền bù đào sông Bắc Hưng Hải. Không những vậy, tại Văn bản số 524/UBND.TB, Chủ tịch xã Bát Tràng không những phủ nhận thửa đất số 134, tờ bản đồ số 14 là của gia đình ông Phạm Văn Hổ mà còn đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Phạm Bích Thảo vào năm 2015 về giá trị pháp lý.
 
Ngày 8/11, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ UBND huyện Gia Lâm để tìm hiểu về vụ việc này. Theo đó, đại diện Văn phòng UBND huyện Gia Lâm cho biết, huyện đã nhận được đơn của ông Phạm Vĩnh Phúc về trường hợp tranh chấp đất của Phạm Bích Thảo.
 
"Huyện đã có văn bản giao Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2005 cho bà Phạm Thị Trà và ông Phạm Văn Hổ, sau đó báo UBND huyện trước ngày 20/10/2017. Đồng thời, huyện cũng đã giao Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Gia Lâm trả lời đơn của công dân liên quan đến việc giao dịch đối với thửa đất trên", vị này cho hay.
 
Văn bản UBND huyện Gia Lâm giao Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2005 cho bà Phạm Thị Trà và ông Phạm Văn Hổ.
Văn bản UBND huyện Gia Lâm giao Phòng Tài nguyên và Môi trường kiểm tra về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2005 cho bà Phạm Thị Trà và ông Phạm Văn Hổ.
 
Để làm rõ hơn, sau nhiều lần liên hệ gặp trực tiếp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm để xác minh thông tin, thu thập hồ sơ bất thành, ngày 10/11, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi qua điện thoại với đại diện phòng này.
 
Theo đó, trao đổi qua điện thoại, bà Vân Anh - cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm xác nhận, đơn vị này đã nhận được văn bản yêu cầu kiểm tra về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2005 cho bà Phạm Thị Trà và ông Phạm Văn Hổ theo đơn tố cáo của ông Phạm Vĩnh Phúc (người tố bà Phạm Bích Thảo tranh chấp đất) của UBND huyện Gia Lâm.
 
Tuy nhiên, theo bà Vân Anh, sau đó, ông Phạm Vĩnh Phúc đã xin rút đơn và chuyển hồ sơ vụ việc lên Tòa án huyện Gia Lâm để giải quyết nên Phòng Tài nguyên và Môi trường đã không tiến hành kiểm tra nữa. "Hiện nay ông Phúc đã rút đơn và không đề nghị huyện giải quyết nữa, đồng thời ông đã khởi kiện lên Tòa án huyện Gia Lâm. Một sự việc thì không thể 2 cơ quan giải quyết nên chúng tôi đã ngừng sự việc này lại", bà Vân Anh nói.
 
Khi PV đặt vấn đề là UBND huyện Gia Lâm đã giao cho phòng thì phòng phải có trách nhiệm báo cáo lại thì vị đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường Gia Lâm cho biết: "Khi UBND huyện yêu cầu phải báo cáo, chúng tôi phải làm việc với công dân thì mới có căn cứ để báo cáo nhưng công dân đã rút đơn. Hiện chúng tôi không có báo cáo mà chỉ ra công văn gửi UBND huyện về việc ông Phúc rút đơn và không đề nghị huyện giải quyết mà chuyển thẳng lên tòa", bà Vân Anh nói.
 
Điều đáng nói, khi PV đặt vấn đề xin công văn của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm gửi UBND huyện để lấy tư liệu viết bài thì vị này nói: "Xin công văn đấy để làm gì, công văn đó là nội bộ để báo cáo huyện chứ không phải cung cấp cho báo chí. Cung cấp cũng được thôi nhưng chị phải xin ý kiến lãnh đạo".
 
Ghi nhận trả lời của vị cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm, PV sau đó đã đề nghị được gặp trực tiếp vị này trong thời gian thích hợp để tiếp cận hồ sơ, kịp thời thông tin tới độc giả thì được trả lời là sẽ liên hệ lại sau. Tuy nhiên, đến nay sau nhiều ngày chờ đợi, PV Báo Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa nhận được hồi âm.
 
Như vậy, mặc dù PV đã rất cầu thị, muốn được trao đổi trực tiếp với đại diện UBND huyện Gia Lâm về sự việc tranh chấp đất đai giữa ông Phúc và bà Thảo nhưng đều không nhận được sự hợp tác tích cực. Đề nghị UBND TP. Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm sớm chỉ đạo các đơn vị liên quan hợp tác để Báo có căn cứ trả lời bạn đọc!
 
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
 
Doãn Hưng - Văn Huy
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh chấp đất ở Bát Tràng: UBND huyện Gia Lâm cương quyết 'né' báo chí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO