Tranh chấp đất ở Bát Tràng: Kỳ lạ một thửa đất, hai người nộp thuế

18/11/2017 00:00

(TN&MT) - Nhiều thông tin bất ngờ liên quan đến vụ việc tranh chấp đất đai ở xã Bát Tràng (Gia Lâm, TP. Hà Nội) sau cuộc làm việc giữa PV Báo Tài nguyên và Môi...

(TN&MT) - Nhiều thông tin bất ngờ liên quan đến vụ việc tranh chấp đất đai ở xã Bát Tràng (Gia Lâm, TP. Hà Nội) sau cuộc gặp gỡ giữa PV Báo Tài nguyên và Môi trường và ông Phạm Vĩnh Phúc (người tố cáo bà Phạm Bích Thảo tranh chấp đất) bắt đầu được hé lộ...
 
Người tố cáo ra mặt
 
Sau 3 bài báo viết về vụ việc tranh chấp đất đai xảy ra ở xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội), ngày 16/11, ông Phạm Vĩnh Phúc (trú ở Tây Sơn, Đống Đa, TP. Hà Nội), người tố bà Phạm Bích Thảo tranh chấp đất đã đến trụ sở tòa soạn Báo Tài nguyên và Môi trường để phản hồi lại thông tin bài viết cũng như cung cấp một số thông tin liên quan đến vụ việc.
 
Theo đó, tại buổi làm việc, ông Phạm Vĩnh Phúc ghi nhận những thông tin mà Báo đã đăng tải. Tuy nhiên, ông Phúc vẫn tiếp tục giữ quan điểm cho rằng bà Phạm Bích Thảo (là chị con nhà bác, thường trú ở Láng Hạ, Đống Đa, TP. Hà Nội) đã chiếm thửa đất số 134, tờ bản đồ số 14 của ông bà nội để lại chứ không phải đất của ông Phạm Văn Hổ và vợ là Phạm Thị Trà (bố đẻ và mẹ kế của bà Thảo), đồng thời nhận định việc ra văn bản "tiền hậu bất nhất" của ông Phạm Văn May - Chủ tịch xã Bát Tràng là đúng.
 
Ghi nhận những quan điểm của ông Phúc, PV đã đề nghị được cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến nguồn gốc thửa đất số 134, tờ bản đồ số 14 để chứng minh thửa đất trên là của ông bà nội (cụ Phạm Thanh Vận và vợ là cụ Trần Thị Sâm). Tuy nhiên, tại các hồ sơ pháp lý, tài liệu mà PV nhận được không có tài liệu nào chứng minh được những lời của ông Phúc là đúng.
 
Thông báo
Thông báo nộp thuế của Chi cục Thuế huyện Gia Lâm với ông Phạm Vĩnh Phúc.
 
Cụ thể, ông Phúc chỉ cung cấp được các tài liệu gồm: Đơn trình bày của trưởng tộc họ Phạm gửi huyện Gia Lâm về nguồn gốc đất, Giấy xác nhận đăng ký đất đai của Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội chi nhánh Gia Lâm, Thông báo nộp thuế đất của Chi cục Thuế huyện Gia Lâm gồm cả biên lai thu thuế đất các năm 2012-2017 (chỉ nộp trong một ngày), các hợp đồng ủy quyền, và tập đơn đề nghị của ông Phúc gửi đến các cơ quan chức năng. Các tài liệu, hồ sơ ông Phúc cung cấp không có giấy tờ nguồn gốc đất, giấy nộp thuế đất qua các năm...
 
Trong khi đó, phía bà Phạm Bích Thảo lại cung cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc đất chứng minh thửa đất số 134, tờ bản đồ số 14 là của ông Phạm Văn Hổ như: Phiếu thu mua đất của UBND xã Bát Tràng, biên lai thu thuế đất qua các năm, bản đồ địa chính, biên bản kiểm tra sử dụng đất từ những năm 1992; biên bản xác định mức đền bù đất đai đều có chữ ký của ông Hổ và con dấu của xã Bát Tràng...
 
Một thửa đất, hai người nộp thuế
 
Đáng chú ý nhất trong tập tài liệu ông Phúc cung cấp cho PV là tờ Thông báo nộp thuế lần 01 năm 2017 của Chi cục Thuế huyện Gia Lâm gửi cho ông Phúc và biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp từ năm 2012 đến năm 2017 có nhiều mâu thuẫn khó lý giải.
 
Biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của ông Phạm Vĩnh Phúc.
Biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của ông Phạm Vĩnh Phúc.
 
Cụ thể, tại biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp số: 0033239 và 0033240 ngày 17/8/2017 của UBND xã Bát Tràng cho thấy, ông Phạm Vĩnh Phúc đã nộp thuế một lúc 06 năm từ các năm 2012, 2013, 2014, 2015, 2016 và năm 2017 với tổng số tiền là 594.000 đồng, trong đó riêng năm 2017 là 135.000 đồng, các năm còn lại là 91.800 đồng/năm.
 
Nhưng theo tìm hiểu của PV, kể từ 01/01/2012 trở đi, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010 được áp dụng thì người sử dụng đất phải nộp thuế hàng năm, thời hạn chậm nhất là ngày 31/12 hàng năm (người sử dụng đất có thể lựa chọn nộp 01 lần hoặc 02 lần trong năm). Trường hợp trong chu kỳ ổn định 5 năm mà người nộp thuế đề nghị được nộp thuế một lần cho nhiều năm thì hạn nộp thuế chậm nhất
là ngày 31/12 của năm đề nghị.
 
Vấn đề đặt ra là vì sao ông Phạm Vĩnh Phúc đến tận thời điểm năm 2017 mới nộp thuế sử dụng đất của các năm trước, trong khi quy định chỉ cho phép thời hạn chậm nhất để nộp thuế sử dụng đất là ngày 31/12 hàng năm. Ngoài ra, ông Phạm Vĩnh Phúc lấy tư cách gì để nộp thuế sử dụng đất khi đất đó không phải của mình (không có GCNQSDĐ, không phải của bố mẹ để lại).
 
Biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của ông Phạm Bích Thảo.
Biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của ông Phạm Bích Thảo.
 
Điều bất ngờ nữa là việc một thửa đất có 2 người nộp thuế sử dụng đất bởi không chỉ ông Phúc nộp thuế mà cả bà Phạm Bích Thảo cũng nộp thuế sử dụng đất đối với thửa 134, tờ bản đồ số 14. Theo tài liệu của PV, bà Phạm Bích Thảo cũng đã nộp thuế sử dụng đất đối với thửa đất trên năm 2017 với số tiền là 132.000 đồng và 99.750 đồng tại biên lai thu thuế sử dụng đất số 0034632 và 0034633 của UBND xã Bát Tràng ngày 26/08/2017 (đóng thuế 1 lần).
 
Trước sự việc trên, dư luận thắc mắc tại sao lại xảy ra chuyện một thửa đất nhưng có tới 2 cá nhân đóng thuế sử dụng đất. Liệu có phải do trách nhiệm do UBND xã Bát Tràng hay có sự khuất tất, bí mật nào đó?
 
Biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của ông Phạm Bích Thảo.
Biên lai thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp của ông Phạm Bích Thảo.
 
Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin, vừa qua, Báo nhận được đơn của bà Phạm Bích Thảo phản ánh về việc tranh chấp đất đai với ông Phạm Vĩnh Phúc.
 
Trong đơn khiếu nại, bà Thảo cho biết, bà là con của cụ Phạm Văn Hổ ( SN 1912, đã mất) và kế mẫu là bà Phạm Thị Trà (SN 1914, đã mất). Ngoài bà Thảo, cụ Hổ cũng còn có 9 người con khác gồm: Chấn, Liên, Cường, Thịnh, Vinh, Hiển, Hậu, Định, Hùng. Trước khi mất, cụ Hổ và kế mẫu Phạm Thị Trà đã để lại toàn bộ tài sản gồm nhà, đất tại thửa 134 từ bản đồ số 14, xóm 3, thôn Bát Tràng và chia thành 2 thửa gồm 134 (1) và 134 (2).
 
Cụ thể, thửa 134 (1), tờ bản đồ số 14 có diện tích 133 m2 tại địa chỉ xóm 3, thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, TP. Hà Nội là đất ở nông thôn, sử dụng lâu dài và đã được UBND huyện Gia Lâm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) số AD 856102; cấp ngày 02/12/2005 mang tên Phạm Văn Hổ và Phạm Thị Trà (thửa đất này gia đình cụ Hổ được UBND xã Bát Tràng cấp bán, có thu tiền năm 1992).
 
Khu đất xảy ra tranh chấp ở thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, TP. Hà Nội.
Khu đất xảy ra tranh chấp ở thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, TP. Hà Nội.
 
Còn thửa 134(2), tờ bản đồ số 14 có diện tích 176 m2 (trước là 180 m2) cũng tại địa chỉ xóm 3, thôn Bát Tràng, xã Bát Tràng, Gia Lâm, TP. Hà Nội. Theo bản đồ năm 1986, 1993-1994 và sổ mục đính kèm đều mang tên Phạm Văn Hổ và Phạm Thị Trà (đây là thửa đất được Nhà nước đền bù cho gia đình khi đào sông Bắc Hưng Hải năm 1958).
 
Tuy nhiên, vào năm 2016, các ông Phạm Vĩnh Phúc, Phạm Hà Bắc, Phạm Vĩnh Hưng là các em con chú, con cô ruột đã có đơn đề nghị tranh chấp các thửa đất trên với UBND xã Bát Tràng với lý do các thửa đất là của ông bà nội để lại (cụ Phạm Thanh Vân và vợ là cụ Trần Thị Sâm - người đẻ ra con trưởng là ông Hổ và con thứ là bố mẹ của các ông Phúc, Bắc, Hưng) nên cũng có quyền thừa kế.
 
Cũng theo bà Thảo, mãi đến sau này, sau nhiều lần hòa giải, phía bà Thảo cũng đã chấp thuận với các ông Phúc, Bắc, Hưng chia đều thừa đất 176 m2 ra làm bốn phần theo ý nguyện của cụ Hổ trước khi mất. Tuy nhiên, đến nay, những người trên lại đòi chia đều cả 4 người tổng thửa đất số 134 ( cả 2 thửa 133 m2 với 176 m2) với diện tích hơn 300 m2 dù thửa 133 m2 là của chính ông Hổ bỏ tiền ra mua, có đóng thuế đất hàng năm.
 
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.
 
Doãn Hưng - Văn Huy

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh chấp đất ở Bát Tràng: Kỳ lạ một thửa đất, hai người nộp thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO