Trấn Yên (Yên Bái): Sử dụng hiệu quả tài nguyên đất để phát triển kinh tế

08/02/2019 08:48

(TN&MT) – Trấn Yên là một trong những địa phương của tỉnh Yên Bái đã tận dụng được những thế mạnh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp để mang lại kinh tế cho địa phương. PV Báo TN&MT đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Mầu – Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên xung quanh nội dung này.

Ông Nguyễn Đức Mầu – Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên
Ông Nguyễn Đức Mầu – Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên

PV: Thưa ông! Trong những năm vừa qua huyện Trấn Yên đã có những chuyển biến như thế nào trong việc góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đặc biệt là việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhằm mang lại năng suất và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn huyện?

Ông Nguyễn Đức Mầu: Để thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Trấn Yên đã ban hành chuyên đề về chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp trọng điểm giai đoạn 2016 – 2020, với mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung theo hướng mở rộng quy mô diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Xây dựng được mối liên kết bền vững giữa “bốn nhà” trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất trong vùng sản xuất tập trung tăng gấp đôi so với năm 2015. Hơn nữa, huyện đang tích cực phát triển và mở rộng các loại cây trồng vật nuôi có thế mạnh của huyện để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh có 8 đề án, căn cứ vào các nội dung chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm và thế mạnh của địa phương, huyện Trấn Yên xây dựng kế hoạch cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ và chỉ đạo thực hiện gắn với 5 đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, gồm: Phát triển trồng tre Bát Độ lấy măng, phát triển trồng cây ăn quả có múi, phát triển vùng sản xuất quế, phát triển chăn nuôi hàng hóa theo quy mô tập trung và phát triển nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, với điều kiện tự nhiên phù hợp huyện đã phát triển chương trình trồng dâu nuôi tằm và đã mang lại hiệu quả kinh tế, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

PV: Để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp, huyện có những chính sách gì để khuyến khích người dân, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Mầu: Trong thời gian qua, các chính sách hỗ trợ sản xuất đã được huyện đặc biệt quan tâm nhằm giúp bà con yên tâm sản xuất: Huyện đã ưu tiên và thực hiện lồng ghép các nguồn, các dự án, cơ chế chính sách hỗ trợ của Trung ương của tỉnh đối với các chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm. Qua đó, đã phát huy hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ sản xuất. Mặt khác, huyện đã chú trọng trong việc mở mới, nâng cấp các tuyến đường vào các khu sản xuất tập trung giúp cho việc phát triển mở rộng diện tích cây trồng…

Huyện Trấn Yên phát triển vùng sản xuất quế với trên 15.000ha
Huyện Trấn Yên phát triển vùng sản xuất quế với trên 15.000ha

Bước đầu các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã mang lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho bà con như: Chương trình trồng tre Bát Độ lấy mang đã khẳng định được hiệu quả kinh tế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nông dân. Đặc biệt là nông dân các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Giúp nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất đồi rừng, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái hướng tới nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Hay như một số mô hình sản xuất cây ăn quả có múi, bước đầu đem lại thu nhập trung bình từ 130-150 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, còn giúp nông dân tiếp cận được với tiến bộ kỹ thuật, phát huy được tiềm năng đất đai, tăng độ che phủ cho đất…

PV: Trong quá trình hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chắc chắn huyện đã gặp không ít khó khăn. Vậy, Trấn Yên đã khắc phục khó khăn đó như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Mầu: Việc khó khăn nhất trong quá trình hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung là thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng bền vững để cạnh tranh với thị trường. Sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, khí hậu. Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, thì yếu tố thị trường tiêu thụ sản phẩm biến động khiến cho thu nhập của người nông dân  bấp bênh, mức độ rủi ro cao. Mặt khác, sản phẩm nông nghiệp chưa có thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa để đảm bảo uy tín và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp chưa được người dân quan tâm, dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Để thực hiện được tốt các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp trọng điểm đạt được hiệu quả. Trong thời gian tới huyện sẽ củng cố và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, hợp tác trong sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp nhằm đầu tư mở rộng sản xuất, gắn với chế biến tiêu thụ nông sản. Phát triển và khuyến khích thành lập các tổ hợp tác xã, thành lập các hợp tác xã dịch vụ trong sản xuất nông lâm nghiệp. Đồng thời, các giải pháp về kỹ thuật được quan tâm, tuyên truyền và phổ biến cho người dân về việc áp dụng kỹ thuật trong sản xuất, có như vậy mới phát triển được hiệu quả các vùng sản xuất hàng hóa tập trung và nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trấn Yên (Yên Bái): Sử dụng hiệu quả tài nguyên đất để phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO