Trạm trung chuyển rác – chính quyền muốn xây, người dân phản đối

Hải Nam| 10/07/2020 16:21

(TN&MT) - Thành phố Đà Nẵng đang gặp nhiều bất cập trong việc xử lí và thu gom rác thải, xây dựng các trạm trung chuyển rác với công suất lớn là yêu cầu bức thiết để giải quyết vấn đề này. Tuy vậy, việc tiến hành xây dựng đang không được người dân tại các địa điểm đặt trạm hưởng ứng, đây là khó khăn lớn nhất đối với chính quyền thành phố.

Phương án đã có…

Khu tập kết rác tại chợ đầu mối Hòa Cường (quận Hải Châu) ngổn ngang những xe rác và mùi hôi.

Việc thay đổi phương thức thu gom rác trước đây chủ yếu bằng cách đặt thùng cố định hoặc đặt thùng theo giờ trên đường phố chuyển sang thu gom rác trực tiếp dẫn đến số lượng công nhân thu gom trực tiếp tăng gần gấp đôi để chuyển đổi phương thức thu gom (hiện nay, công nhân thu gom trực tiếp là 247 người chiếm 24% tổng số lao động); 

Trước đây Dự án thoát nước và vệ sinh môi trường đã đầu tư xây dựng và Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng đã đưa vào hoạt động 12 trạm trung chuyển. Nhưng do khoảng cách một số trạm trung chuyển và thay đổi quy hoạch sử dụng nên chỉ còn 5/12 vị trí trung chuyển còn hoạt động với khối lượng trung chuyển rất thấp (khoảng 100 tấn/ngày). Bên cạnh đó, các điểm tập kết rác chỉ còn 110 điểm so với trên 250 điểm trước năm 2015.

Với hiện trạng như trên vô hình chung tạo ra nhiều điểm ô nhiễm nhỏ lẻ nằm rải khắp thành phố. Bên cạnh đó, hiện tại lượng ô tô của thành phố là rất lớn, đậu đỗ nhiều trên đường, xe rác khó tiếp cận các điểm tập kết thùng rác để gắp đi, gây ách tắc giao thông.

Tình trạng này nếu tiếp tục diễn ra sẽ gây mất mỹ quan và ô nhiễm nghiêm trọng, đi toàn thành phố nhìn đâu cũng thấy bãi tập kết rác. Rác thải không được xử lí lâu ngày sẽ bốc mùi hôi thối, khó chịu, người dân ở các khu vực có bãi tập kết cũng sẽ phản ứng khi không ai muốn để rác ở gần nhà mình. 

Để giải quyết triệt để vấn đề này, UBND Thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương và biện pháp, trong đó việc xây dựng các trạm trung chuyển được đặt lên hàng đầu. 

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND Thành phố, để giảm số lượng các điểm, thời gian, lượng rác thải tập kết trên đường phố và hạn chế thời gian thu gom rác thải trên các tuyến phố vào giờ cao điểm, cũng như là hạn chế các phương tiện có tải trọng lớn, gây cản trở giao thông trong quá trình thu gom rác... thì bắt buộc phải xây dựng các trạm trung chuyển. Khi có các trạm, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư thêm hàng trăm xe thu gom rác hiện đại để giải phóng việc thu gom thủ công bằng xe đẩy, xe kéo, xe bò, xe ba gác.

Dự kiến, 4 trạm trung chuyển rác được Đà Nẵng xây dựng sẽ nằm trên địa bàn 4 quận Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn với tổng số vốn gần 600 tỷ đồng. Cụ thể, trạm Sơn Trà hơn 139 tỷ đồng, trạm Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn hơn 137 tỷ đồng. Cả 3 trạm này đều có công suất 200 tấn/ngày bằng công nghệ ép ngang đảm bảo về mặt môi trường, khí thải, nước thải không gây ô nhiễm khu vực xung quanh. Riêng trạm Hải Châu được xây dựng trên khu đất hơn 3.000m2 cạnh chợ đầu mối Hòa Cường, tổng vốn 172 tỷ đồng, công suất thiết kế 485 tấn/ngày.

Cần sự đồng thuận của người dân

Việc xây dựng các trạm trung chuyển rác là vô cùng cần thiết, tuy nhiên khi xin ý kiến của người dân tại các khu dân cư sẽ đặt trạm, tỉ lệ phiếu tán thành là 0%. Ông Lê Trung (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) cho biết: “Đa phần người dân đều có chung suy nghĩ việc đặt trạm trung chuyển gần nhà sẽ gây ô nhiễm. Vì vậy chúng tôi mong muốn lãnh đạo thành phố và Sở TN&MT xem xét các phương án nhằm giải quyết vấn đề trên ổn thỏa hơn”.

Địa điểm xây dựng trạm trung chuyển rác thải của quận Hải Châu.

Trả lời cho ý kiến của người dân, đại diện Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, các trạm trung chuyển rác đều được nghiên cứu, đánh giá kỹ, hoàn toàn không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh, nó là phần không thể thiếu được trong toàn bộ qui trình thu gom, xử lý rác. Thành phố phải hoàn thiện hệ thống này mới hy vọng khắc phục được những tồn tại trong quá trình thu gom, xử lý rác hiện nay. Nếu bị ảnh hưởng, Thành phố sẽ đền bù và di dời người dân đến nơi ở mới.

Rõ ràng, để cải thiện căn bản quy trình thu gom rác theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố thì việc xây dựng các trạm trung chuyển rác là cần thiết, không thể trì hoãn. Vì vậy, sự phối hợp từ chính quyền và người dân là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Tuy nhiên, làm thế nào để nhận được sự ủng hộ đồng đều từ người dân, đặc biệt là người dân sinh sống ở xung quanh khu vực trạm vẫn đang là thách thức lớn mà chính quyền thành phố cần phải giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trạm trung chuyển rác – chính quyền muốn xây, người dân phản đối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO