Tiến sĩ, Nhà báo Trần Bá Dung |
PV: Một dịp 21/6 nữa đến trong đại dịch Covid-19, đồng nghĩa với việc những nhà báo sẽ kỷ niệm ngày của mình trong dè sẻn niềm vui. Thưa TS. Trần Bá Dung, trong cuộc chiến chống đại dịch này, ông nghĩ gì về vai trò của nhà báo ở nơi mũi nhọn cuộc sống?
TS. Trần Bá Dung:
Đúng là chúng ta đang sống những ngày đặc biệt, khi mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi cấp chung sức đồng lòng “quyết chiến” với thứ giặc vô hình nhưng vô cùng nguy hiểm là “giặc Covid-19”.
Trong hoàn cảnh ấy, tinh thần dấn thân của đội ngũ nhà báo có mặt nơi nóng bỏng trên tuyến đấu chống dịch thêm một lần được thử thách và tỏa sáng. Dịp 21/6 năm nay, chúng ta không quên nhiều phóng viên đang xông pha một cách thầm lặng ở mặt trận nóng bỏng này; theo chân lực lượng tuyến đầu chống dịch nơi điều trị, khu cách ly, nơi rừng sâu núi thẳm, biên cương đèo núi heo hút hay đối mặt những ổ dịch giữa thành phố, khu công nghiệp… Các nhà báo đã vượt qua nhiều thử thách, gian khổ để bám sát, phản ánh trung thực, kịp thời tinh thần cống hiến, hy sinh lặng thầm mà cao cả của các cán bộ ngành Y, Bộ đội và các lực lượng chức năng. Mùa 21/6 năm nay nhiều khó khăn nhưng thật sự ý nghĩa đối với người làm báo.
PV: Theo ông, đóng góp đáng kể nhất của đội ngũ nhà báo trong công cuộc phòng, chống dịch là gì?
TS. Trần Bá Dung:
Đó là báo chí đã truyền tải rộng rãi, mạnh mẽ và nhanh nhất tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 “chống dịch như chống giặc”. Việc cập nhật liên tục, có hướng dẫn đã giúp nhân dân an tâm, vững tin vào chiến lược, giải pháp sáng suốt của Trung ương và tự tin chống dịch.
Đặc biệt, tin bài, hình ảnh gửi về từ “mặt trận” phản ánh hàng ngày hàng giờ diễn biến, những nỗ lực, những câu chuyện cảm động nơi tuyến đấu chống dịch, nhiều tấm gương cán bộ nhân viên ngành Y, cán bộ, chiến sĩ tự nguyện gác lại việc riêng để lo việc chung, những nghĩa cử cao đẹp của mỗi người dân “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, “một miếng khi đói...” chia sẻ với cộng đồng, với bầu bạn quốc tế, đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho quân và dân cả nước có thêm động lực, tinh thần hợp lực, chung tay quyết tâm chiến thắng đại dịch.
Qua báo chí, nhân dân có thêm thông tin, kiến thức bổ ích để vừa biết cách phòng tránh, hạn chế thiệt hại từ đại dịch; vừa góp thêm sức người sức của, sáng kiến, tấm lòng; vừa củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch; vừa tự hào khi được là công dân của nước Việt Nam được bạn bè thế giới ngưỡng mộ.
Phóng viên tác nghiệp tại phiên khai mạc Đại hội XIII của Đảng. Ảnh: dangcongsan.vn |
PV: Phải chăng, tinh thần dấn thân của đội ngũ nhà báo được kế thừa từ truyền thống cha anh, thưa ông?
TS. Trần Bá Dung:
Đúng thế. Đội ngũ nhà báo hôm nay đã kế tục xứng đáng truyền thống cách mạng, hào hùng của các thế hệ cha anh. Trong các cuộc kháng chiến đánh giặc, giữ nước và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng đã khẳng định sứ mệnh, vai trò cao cả của mình, là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần vào những thắng lợi của cách mạng. Rất nhiều nhà báo chiến sĩ đã tác nghiệp trong mưa bom bão đạn trên các chiến trường để có những dòng tin nóng hổi, phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền, cổ vũ, động viên quân dân đoàn kết chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, giải phóng dân tộc, thống nhất non sông.
Tư thế người cầm bút đã trở thành một trong những biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thế kỷ 20. Nhiều người sẽ nhớ mãi câu nói nổi tiếng của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Nhà báo - liệt sĩ Lê Đình Dư (Báo Quân đội nhân dân) trước lúc hy sinh ngày 21/1/1968 ngay tại chiến hào Cửa Việt: “Phóng viên chúng tôi chỉ có quyền đứng thẳng trên chiến hào, dùng vũ khí là máy ảnh, bút máy để ghi lại chiến công của đồng đội và tội ác của quân thù!”. Đó là một trong số hơn 500 nhà báo - liệt sĩ đã nằm lại trên các chiến trường, trong hàng ngàn nhà báo dấn thân vì sự nghiệp báo chí. Truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng được xây dựng, bồi đắp không chỉ bằng công lao, trí tuệ, sự dấn thân, lòng yêu nghề, gắn bó máu thịt với nhân dân của các thế hệ nhà báo, mà còn được ghi tạc bằng cả sự hy sinh xương máu của chính các nhà báo thời chiến cũng như thời bình.
PV: Vậy theo ông, điều gì làm nên tư thế, phong cách nhà báo?
TS. Trần Bá Dung:
Để làm nên tư thế, phong cách trong nghề, cần bản lĩnh, tri thức, đạo đức, trách nhiệm và sự dấn thân, lòng yêu nghề. Nhưng phẩm chất quan trọng nhất là lòng trung thành với lý tưởng của Đảng, của Bác, yêu đất nước mình, nhân dân mình; là tinh thần dấn thân không ngại gian khó, là “dũng khí” đi tìm sự thật và công lý, tính kỷ luật, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nghề nghiệp; thông tin kịp thời, chính xác, có trách nhiệm và nhân văn, chuẩn mực trong từng câu, chữ, khuôn hình; cái gì có lợi cho dân cho nước thì viết; là khả năng thuyết phục mạnh mẽ để gắn kết cộng đồng và thổi bùng “ngọn lửa” đam mê nghề nghiệp cho những người trẻ… Tôi thích câu Nhà báo Phan Quang trả lời phỏng vấn: “Hãy thuyết phục người khác bằng chính nhân cách của mình”. Theo tôi, trong mắt công chúng, nhà báo phải là một giá trị của công lý, của niềm tin.
PV: Ông đã làm báo nhiều năm, đã là lãnh đạo cơ quan báo chí, có giải thưởng cao quý, vừa nghiên cứu khoa học báo chí, vừa tham gia đào tạo và nay đang đảm nhiệm công tác nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam... theo ông, ở thời kỳ hiện nay, đâu là phẩm chất cần thiết nhất của một nhà báo?
TS. Trần Bá Dung:
Thời kỳ nào thì “trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật” vẫn là những yêu cầu có tính nguyên tắc của nghề báo. Điều đó đòi hỏi nhà báo phải có những phẩm chất như đã nói ở trên, gọn lại trong 3 phẩm chất: Bản lĩnh chính trị vững vàng - tinh thông nghiệp vụ - đạo đức nghề nghiệp trong sáng.
Báo chí phản ánh sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải, ai cũng biết. Nhưng tính chiến đấu của báo chí không thể tách rời tính nhân văn. Không phải lúc nào cũng có thể phơi bày mọi thứ lên mặt báo, bởi đằng sau một chữ, một câu, một hình ảnh, một ví von trên mặt báo, trên màn hình… có thể là sinh mệnh một con người, một doanh nghiệp, một cộng đồng... Vậy nên, cái khó của nhà báo, theo tôi là làm thế nào để “nhân văn và dũng cảm”.
PV: Tức là, kể cả ở khía cạnh phản ánh hiện thực đời sống, đôi khi đắn đo hay im lặng cũng là một biểu hiện của dũng cảm và nhân văn?
TS. Trần Bá Dung:
Bạn làm tôi nhớ đến bức ảnh của Phóng viên Hoàng Thế Lực, ghi lại hình ảnh Nhà báo Đoàn Hữu Trung (TTXVN) trong lần tác nghiệp về vụ sạt lở ở Trà Leng (tháng 10/2020). Anh đã quay máy đi chỗ khác, bật khóc khi một em bé được đưa ra từ bùn đất. Trái tim nhân hậu của nhà báo đã khiến anh ấy dũng cảm từ chối thực hiện một cảnh quay vô cảm. Chúng ta trân trọng và đồng cảm với anh ấy, bởi trong đời làm báo của tôi và nhiều bạn phóng viên, nhiều khi phải im lặng như vậy.
PV: Và với riêng ông, khi sự kiện đi qua, nhiều khi ông gửi gắm vào trang thơ những điều không viết lên báo được?
TS. Trần Bá Dung:
Đúng là như vậy. Cùng với làm báo và giảng dạy, với tôi, thơ là người bạn đồng hành. Có những buồn vui, những nỗi đau, trăn trở của cuộc đời không thể đưa vào bài báo, khi đó thơ sẽ lên tiếng. Tôi thích câu nói của nhà văn Xuân Cang: “Ở chỗ nào nhà báo dừng lại, nhà văn sẽ xuất hiện để hoàn thành”. Ai đó từng nói rằng thơ là một ca khúc được cất lên từ miệng một vết thương hay từ một nụ cười, điều đó thật tâm đắc. Chúng ta làm báo là cho cuộc đời và làm thơ để thức tỉnh, sưởi ấm trái tim mình.
PV: Nhân dịp 21/6, ông có điều gì nhắn nhủ cùng phóng viên trẻ về tâm tư của một người thơ làm báo?
TS. Trần Bá Dung:
Người làm báo rất cần có chất văn, nhất là ở cách dùng từ, diễn ngôn… Trước một hiện thực đời sống, không nên chỉ phản ánh như cách bê nó đặt vào trang báo mà phải viết sao để dễ đọc, muốn đọc và thích đọc.
Trở lại câu chuyện tác nghiệp trên mặt trận chống Covid-19, bạn thấy đấy, bên cạnh những dòng tin nóng hổi thời sự, có nhiều tác phẩm đã đạt đến ngưỡng của cảm xúc thăng hoa. Cốt lõi của người làm báo là thông tin trung thực. Tuy nhiên, bên cạnh viết bằng lý trí, sự thật cần được cảm bằng tâm hồn và trái tim. Tài năng và Trái tim sẽ làm nên thành công của nhà báo.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!