Trái phiếu Chính phủ xanh: Đòn bẩy cho các dự án bảo vệ môi trường

20/08/2019 11:16

(TN&MT) - Bộ Tài chính hiện đang xây dựng dự thảo Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ xanh (TPCPX) và dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2019, trước khi triển khai trong quý I/2020. Đây được coi là kênh huy động vốn quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, giảm phát thải và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.

T7
Phát hành TPCP xanh của Việt Nam cần xác định rõ tiêu chí cụ thể cho các dự án được hưởng. Ảnh: MH

Dự án xanh hưởng lợi

Nghị định số 95/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán đã có quy định về TPCPX. Theo đó, đây là loại TPCP được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, nói cách khác là các dự án xanh và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước.

Hiện nay, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT đang xây dựng Đề án phát hành TPCPX nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thúc đẩy các hoạt động phát hành, niêm yết, giao dịch loại hình trái phiếu này. Về nội dung Đề án, ông Phạm Văn Hiếu, Đại diện Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, dự thảo đang xây dựng và hoàn thiện các quy định về mục đích và khối lượng phát hành; điều kiện, điều khoản của trái phiếu; việc đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch…

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án, Bộ Tài chính sẽ công bố khuôn khổ phát hành, đảm bảo các nguyên tắc quốc tế và thông tin rộng rãi đến nhà đầu tư. Trước mỗi đợt phát hành trái phiếu sẽ công khai các điều kiện, điều khoản và danh mục dự án sử dụng TPCPX.

“Điểm thuận lợi, hiện nay, thị trường TPCP ở Việt Nam tương đối phát triển, tính thanh khoản tương đối tốt cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Trái phiếu được phát hành định kỳ với đầy đủ các kỳ hạn. Cơ sở nhà đầu tư đa dạng từ ngân hàng thương mại đến các tổ chức bảo hiểm, tạo ra nhu cầu bền vững cho thị trường” - ông Hiếu cho biết.

Theo TS. Michael Krakowski, Cố vấn trưởng của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), giá trị trái phiếu xanh phát hành trên toàn cầu có xu hướng tăng dần trong những năm gần đây. Việc phát hành TPCPX và trái phiếu doanh nghiệp xanh sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quá trình tái cơ cấu và tái phân bổ nguồn lực cho những dự án xanh, có tính chất bền vững hơn cả về kinh tế và môi trường. Nếu lộ trình xây dựng đề án được đảm bảo, Việt Nam có thể sẽ là quốc gia thứ 8 tham gia thị trường TPCPX toàn cầu.

Cần có tiêu chuẩn cụ thể

Điểm khác biệt duy nhất giữa TPCPX và TPCP thông thường là toàn bộ số tiền thu được sử dụng cho các dự án mang tính chất “xanh”. Theo các chuyên gia quốc tế, khung phát hành TPCPX của Việt Nam cần xác định rõ tiêu chí cụ thể cho các dự án được hưởng nguồn tiền này. Bên phát hành phải minh bạch và công khai thông tin trong phát hành và sử dụng TPX với quá trình báo cáo thường xuyên, trước mắt, báo cáo sau 1 năm thực hiện phát hành. Điều này giúp làm tăng niềm tin của nhà đầu tư trong dài hạn.

Các quốc gia phát hành TPCPX hiện nay đang áp dụng phổ biến Tiêu chuẩn trái phiếu xanh 2017 của ICMA và bổ sung các tiêu chuẩn tùy theo điều kiện của quốc gia mình. Còn tại khu vực Đông Nam Á, Tiêu chuẩn trái phiếu xanh của ASEAN đã được phê chuẩn tại diễn đàn thị trường vốn ASEAN và có 2 điểm khác biệt nhỏ: Bên phát hành phải có mối quan hệ về kinh tế/địa lý với ASEAN và loại bỏ hoàn toàn các dự án sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch. Hiện, có 3 quốc gia Đông Nam Á đã phát hành TPCPX là Inđônêxia, Malayxia và Singgapore.

Trên thế giới, nguồn tiền TPCPX chủ yếu sử dụng cho 3 lĩnh vực: Năng lượng tái tạo, sử dụng đất và giao thông. Với đặc thù Việt Nam là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tiêu chí dự án xanh cần đưa vào các dự án đầu tư giúp tăng cường khả năng ứng phó. Ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết: Các dự án ưu tiên về biến đổi khí hậu hiện cũng phân rõ theo 3 phạm trù, gồm: thích ứng, giảm nhẹ, lồng ghép cả thích ứng và giảm nhẹ. Đặc biệt, dự án trong lĩnh vực thích ứng hầu hết không sinh lời và sử dụng vốn ngân sách Trung ương, đối ứng của địa phương. TPCPX khi được phát hành có thể bổ sung nguồn lực để triển khai các dự án này trong thời gian tới.

Đồng quan điểm về việc xây dựng tiêu chí cần bám vào 2 phương diện thích ứng và giảm thiểu, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục và Môi trường (Bộ KH&ĐT) cho rằng, cần mở rộng thêm nội dung về lối sống xanh và sản xuất xanh theo Chiến lược Tăng trưởng xanh hiện nay.

Theo ông Hiếu, trong giai đoạn phát hành ban đầu, các dự án đầu tư công sử dụng TPCP và đáp ứng được các yêu cầu dự án sử dụng trái phiếu xanh của ICMA và ASEAN sẽ được ưu tiên sử dụng nguồn vốn từ TPCPX. Sau khi có đánh giá, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng bộ tiêu chí dự án xanh và quy trình dự án đầu tư công xanh đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, trình các cấp có thẩm quyền và từ đó có thể phát hành thường xuyên.

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, Việt Nam cần khoảng 30,7 tỷ USD vào năm 2020 và khoảng 21,2 tỷ USD cho 10 năm tiếp theo.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trái phiếu Chính phủ xanh: Đòn bẩy cho các dự án bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO