Cả phiên không thu được đồng nào
Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong tháng 5, Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 8 phiên đấu thầu trái phiếu với tổng số huy động đạt 3.408 tỷ đồng. Trong đó kỳ hạn 5 năm là 71 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm là 3.337 tỷ đồng, bằng 22,5% so với tháng 4/2015 (13.523,4 tỷ đồng) và bằng 13,7% so với cùng kỳ năm 2014 (22.203,1 tỷ đồng). Lũy kế huy động vốn đến thời điểm 31/5/2015 là 72,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó kỳ hạn 5 năm chiếm 57,91%, kỳ hạn 10 năm chiếm 15,32%, kỳ hạn 15 năm chiếm 26,77%, đạt 29,17% kế hoạch cả năm. Nếu so với kế hoạch phát hành TPCP năm 2015 là 250.000 tỷ đồng thì Bộ Tài chính mới thực hiện được khoảng 30% kế hoạch.
Huy động vốn tại các ngân hàng đang tăng chậm hơn cho vay.
Điều đáng nói là từ tháng 3 trở lại đây, nhiều phiên đấu thầu TPCP “ế hàng”. Đơn cử như phiên đấu thầu chào bán 2.000 tỷ đồng trái phiếu Kho bạc Nhà nước kỳ hạn 5 và 10 năm ngày 26/5 đã không huy động được đồng nào. Đây là lần đầu tiên trái phiếu Kho bạc Nhà nước không có người mua. Tiếp đó, ngày 28/5/2015, phiên đấu thầu TPCP có tổng khối lượng gọi thầu 2.000 tỷ đồng với 2 loại kỳ hạn: 5 năm (1.000 tỷ đồng) và 15 năm (1.000 tỷ đồng) thì chỉ huy động thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu 15 năm với lãi suất trúng thầu 7,60%/năm, còn trái phiếu kỳ hạn 5 năm không có lãi suất trúng thầu.
Nhiều áp lực trong thời gian tới
Nguyên nhân khiến TPCP không được các ngân hàng thương mại săn đón là do cơ cấu dòng vốn của các ngân hàng có sự dịch chuyển. Tín dụng đã liên tục tăng trưởng từ đầu năm đến nay nên nhiều ngân hàng phải tập trung vốn để cho vay tới nền kinh tế mà bỏ qua kênh trái phiếu dài hạn. Thêm vào đó, huy động vốn của các ngân hàng đang tăng chậm hơn cho vay cũng khiến họ phải cân nhắc hơn trong việc phân chia nguồn tiền của mình. Con số được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra cho thấy, tính đến 31/3/2015 tổng huy động vốn chỉ đạt 4.557 nghìn tỷ đồng tăng 0,98% so với đầu năm.
Ủy ban Giám sát đã chỉ ra rằng, lợi suất TPCP có xu hướng tăng kể từ tháng 3/2015, gây khó khăn cho việc huy động. Lũy kế từ đầu năm, tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu TPCP đạt 64,5% và chỉ đạt 31,7% kế hoạch phát hành TPCP của cả năm. Ngoài nguyên nhân lãi suất, huy động TPCP chậm còn do dòng tiền đầu tư dài hạn của các nhà đầu tư còn hạn chế và các ngân hàng thương mại quan tâm nhiều tới TPCP kỳ hạn dưới 5 năm nhằm bảo đảm tốt hơn danh mục đầu tư.
Một nguyên nhân khác nữa được nhắc tới là không ít ngân hàng đã chạm “room” đầu tư TPCP theo tinh thần của Thông tư 36 vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành. Quy định tại Thông tư này nêu rõ: Tỷ lệ tối đa được mua, đầu tư TPCP so với nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng thương mại nhà nước là 15%; ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 35%; chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 5%.
Được biết, kế hoạch phát hành TPCP quý II/2015 của Kho bạc Nhà nước cao hơn 14% so với quý I nhưng việc hoàn thành mục tiêu này là không hề dễ dàng.
Theo Báo Công thương