Trà Vinh: Người dân bức xúc ô nhiễm từ tro bụi Nhà máy nhiệt điện

25/06/2017 00:00

(TN&MT) – Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đi vào vận hành từ đầu năm 2016. Qua thời gian ngắn vận hành, song nhiều người dân bức xúc và lo lắng tình trạng ô nhiễm môi trường từ khói bụi, xả thải, hư hỏng đường giao thông,… làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống dân sinh.

Bức xúc khói bụi xả thải từ nhà máy

Những ngày cuối tháng 6 này, chúng tôi trở lại thị xã Duyên Hải, khi hỏi thăm về họat động của Nhà máy nhiệt điện, nhiều người dân dù cách xa nhà mày hơn 10km nhưng vẫn tỏ ra khá nhiều bức xúc vì mức độ ô nhiễm do tro bụi nhà máy xả ra trong thời gian qua. Họ lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống kinh tế của người dân nơi đây.

Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 đã hòa lưới điện quốc gia, bổ sung nguồn điện cho các tỉnh phía Nam
Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 đã hòa lưới điện quốc gia, bổ sung nguồn điện cho các tỉnh phía Nam

Anh Tám Kiệt, nhà tại Phường 1, thị xã Duyên Hải cho biết: Anh là một thương lái thu mua cua biển, nên hàng ngày anh chạy khắp nơi từ thị xã đến huyện Duyên Hải, anh biết khá nhiều về mức độ ô nhiễm do nhà máy phát ra. Theo anh Kiệt, hiện nay là mùa gió nam, đang là mùa mưa nên khói bụi đã được hạn chế phần nào. Trước đây vào mùa gió chướng (từ tháng 8 đến tháng giêng âm lịch – PV) bụi từ nhà máy bay ra mịt mù, có những nơi bụi bám đen ngòm. Anh Kiệt tỏ ra lo lắng vì hiện tại lượng cua biển giảm sản lượng rất nhiều, không biết những thứ tro bụi này có làm ảnh hưởng đến con cua và môi trường sống của các loài thủy sản khác hay không.

Cách nhà máy nhiệt điện gần cả 10km, ông Nguyễn Cư (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải) cũng tỏ ra khá bức xúc. Ông Cư cho biết từ khi nhà máy nhiệt điện đi vào vận hành, ruộng muối của ông và bà con nơi đây liên tục bị ảnh hưởng, nhiều hôm tro bụi bám vào ruộng muối đen ngòm, phần muối đen bỏ không thu hoạch được, phần còn còn lại bán giá rẻ. Theo ông Cư, không chỉ có ruộng muối, cây ăn trái cũng bị ảnh hưởng, vào mùa gió chướng, mùa khô, bụi than phát tán trên diện rộng, bám vào nhà cửa, cây cối đen xì.

Xe vận tải từ nhà máy làm hư hỏng dường giao thông.
Xe vận tải từ nhà máy làm hư hỏng dường giao thông.

Ông Trần Quốc Đoàn, Phó phòng NN&PTNT huyện Duyên Hải cho biết, xỉ than từ nhà máy nhiệt điện cũng gây ảnh hưởng phần nào đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Tro xỉ của nhà máy trước đây chôn lấp khô, tro bụi bay nhiều, sau này nhà máy xử lý bằng cách lắp đặt đường ống phun nước tự đọng trên bề mặt, phủ lưới tạo ẩm nên hạn chế được khói bụi phát tán từ bụi xỉ bay vào môi trường không khí.

Vận chuyển ô nhiễm, hư hỏng giao thông

Qua quan sát của phóng viên, tại Tỉnh lộ 913, đoạn thuộc ấp Giồng Giếng, xã Dân Thành (thị xã Duyên Hải), rất nhiều xe tải vận chuyển tro xỉ nối đuôi nhau từ nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 để đến các điểm tiếp nhận. Tuy sau cơn mưa chưa đầy một giờ đồng hồ nhưng khói bụi mù mịt, bay khắp mặt đường ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông và nhà dân dọc theo tuyến đường, các hàng quán phải che kính hoặc đóng cửa.

 Xe tải tro xỉ gây khói bụi trên đường, ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Xe tải tro xỉ gây khói bụi trên đường, ảnh hưởng môi trường xung quanh.

Chú Bảy Rành, nguyên Bí Thư Đảng ủy xã Dân Thành cho biết, nhà chú nằm ngay mặt tiền Tỉnh lộ 913 này từ bao đời nay. Trước đây cuộc sống người dân ổn định, môi trường thông thoáng. Kề từ khi nhà máy dưa vào vận hành đến nay việc mua bán của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi ngày, xe tải vận chuyển chất thải từ nhà máy ra bên ngoài làm ô nhiễm môi trường, hư hại đường xá giao thông. “Bà con nhân dân nơi đây rất bức xúc vì lượng xe vận chuyển này, nó làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Họ đòi đưa vật cản ra cấm cản không cho xe tải vận chuyển, phản đối vì chưa có cấp ngành nào xử lý tình trạng này được thỏa đáng”, chú 7 Rành bức xúc nói.

Làm việc với UBND xã Dân Thành, một đồng chí phó chủ tịch cũng tỏ vẻ bức xúc với tình trạng tro, bụi và việc vận chuyển làm ảnh hưởng giao thông. Tuy nhiên, không phải là người phát ngôn với báo chí nên vị phó chủ tịch này rất “kín tiếng”. Theo vị phó chủ tịch xã này, thời gian qua tuyến đường nơi đây bị bụi đường quá nặng do lưu lượng xe tải quá lớn, gây ảnh hưởng đến việc sinh họat và mua bán của bà con. Đây là phạm vi ngoài thẩm quyền xử lý của địa phương, xe tải làm hư hỏng đường, nhiều đoạn gây nên ổ gà ổ voi, vài ngày là nghe có tai nạn té xe.

Theo lãnh đạo Tổng Công ty điện lực 1 (EVN), công ty đã ký hợp đồng mua bán tro, xỉ với 4 doanh nghiệp với số lượng 1,6 triệu tấn/năm, hiện các doanh nghiệp đang tăng mức tiêu thụ trung bình khỏang 20.000 tấn/ngày. Hiện tại, việc vận chuyển tro xỉ bằng đường bộ về khu vực lớn như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai rất khó khăn. Do đó hiện nay Tập đoàn điện lực Việt Nam đang chỉ đạo khẩn trương xây dựng cảng xuất tro xỉ và báo cáo dự án đã xong và trình lên để Tập đoàn điện lực xem xét, trong năm nay tiến hành xây dựng cảng này.

Dự án Trung tâm Điện lực Duyên Hải có tổng công suất thiết kế khoảng 4.308MW, với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, được xây dựng trên diện tích 879ha. Dự án gồm 4 nhà máy nhiệt điện đốt than công nghệ tua bin ngưng hơi truyền thống. Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3, Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng và cảng than lớn nhất ĐBSCL do Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Tổng Cty Phát điện 1 làm chủ đầu tư. Riêng Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2 do Malaysia làm chủ đầu tư.

Cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà đã dẫn đầu đoàn kiểm tra thực tế và chủ trì buổi làm việc về bảo vệ môi trường của Trung tâm Điện lực Duyên Hải. Bộ trưởng lưu ý nhà máy phải chú trọng thực hiện quan trắc môi trường theo đúng quy định hiện hành; cần có đánh giá và kế hoạch tiêu thụ tro xỉ thải; đầu tư trồng cây, bảo vệ môi trường, đảm bảo vận hành nhà máy an toàn. Công nhân vận hành hệ thống xử lý phải có năng lực, trách nhiệm, đạo đức…

 

                                                                         Bài & ảnh: Thanh Bạch

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trà Vinh: Người dân bức xúc ô nhiễm từ tro bụi Nhà máy nhiệt điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO