Xã hội

Trà shan tuyết Suối Giàng - tài nguyên xanh nơi bồng bềnh mây trắng

Phong Thư 03/10/2023 18:42

(TN&MT) - Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán truyền thống của người dân bản địa đã tạo nên một bức tranh đẹp đẽ và nhiều màu sắc trên non cao Suối Giàng.

z4749860415303_6ea25ab574884f94cdb38d1a90ccff85.jpg

Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng và tập quán truyền thống của người dân bản địa đã tạo nên một bức tranh đẹp đẽ và nhiều màu sắc trên non cao Suối Giàng.

z4749795698493_fa699f4d2d5ef8e1f8ddfb41527603b2.jpg

Cây trà trăm năm tuổi

Xã Suối Giàng được ví như Sa Pa của Yên Bái, bởi khí hậu bốn mùa mát mẻ và trong lành, đây cũng là nơi có hơn 90% dân số là đồng bào người Mông sinh sống. Nhờ khí hậu, thổ nhương và tập quán truyền thống của người dân bản địa đã tạo nên một bức tranh đẹp đẽ và nhiều màu sắc trên non cao Suối Giàng.

Nằm trên độ cao gần 1400 mét so với mực nước biển, Suối Giàng ẩn mình trong những làn sương, đây làm một vùng núi cao với sắc xanh phủ kín, sắc xanh của mây trời và những đồi chè bạt ngàn vút tầm mắt. Xen giữa những miền chè xanh ngắt là thấp thoáng bản người Mông nằm nhỏ bé bình yên bên sườn núi.

Người Mông ở đây vẫn giữ được những nét đơn sơ thuần khiết trong phong tục tập quán, văn hóa và kiến trúc, điều này được thể hiện qua các hình ảnh quen thuộc dễ thấy ở bất kỳ đâu trên vùng non cao này. Đó là những nếp nhà mái gỗ, những chiếc váy thêu hoa rực rở trong nắng hè…

Nhắc đến Suối Giàng không thể không nhắc tới những cây chè Shan tuyết cổ thụ, những cây chè có tuổi đời hàng trăm năm. Cây chè không chỉ là nguồn sống mà còn gắn liền với đời sống văn hoá của con người nơi đây.

z4749683367089_fd26783d5b0545cdddc57f40cc1ef506.jpg
Những cây chè shan tuyết cổ thụ tại Suối Giàng. Ảnh: NSNA. Thanh Miền

Người Mông ở đây cũng không ai biết chính xác cây chè có trên vùng cao này từ khi nào chỉ truyền tai nhau một câu chuyện truyền thuyết kể rằng: Xưa kia có một nhóm người dân tộc Mông di cư đến đây thì gặp cảnh loạn lạc đường xa, thiếu đồ ăn, thức uống lại bệnh tật hành hoành. Thấy một loài cây xanh tốt, tán rộng, lá xanh to bằng nửa bàn tay, búp cây ngậm sương trắng như tuyết, họ liền hái lá ăn và cảm thấy tỉnh táo lạ thường. Ngày này qua ngày khác, họ lấy lá cây đun với nước suối uống, chẳng mấy mà tất thảy mọi người đều khỏe khoắn trở lại. Họ cho rằng, có trời cứu giúp và quyết định ở lại đây với loài cây lạ này. Từ đó, cuộc sống của người Mông gắn với cây chè Shan tuyết cho tới ngày hôm nay.

Đây là giống chè cổ thụ cây cao hơn so với ở các vùng chè khác và ẩn chứa nét gì đó hoang sơ của núi rừng. Chè cổ thụ cao hơn đầu người, cành lá sum suê, thân xù xì, tán xoè rộng. Cây chè ở đây phát triển tự nhiên trong vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, vì thế người dân không cần chăm bón cầu kỳ cây vẫn đâm chồi nảy lộc xanh biếc.

z4749796123119_c0b8d5e0278b8bd9ef3158b80b0948c1.jpg
Giống chè cổ thụ nơi đây cao hơn so với ở các vùng chè khác

Chè Suối Giàng có vị ngọt của dòng nước lành, vị tinh khiết của những hạt sương sớm vùng non cao và vị thơm bùi khó lẫn. Nhiều gia đình dân tộc Mông ở đây cũng nhờ những gốc chè này mà làm nên cơ nghiệp cải thiện sinh hoạt trong cuộc sống. Họ coi cây chè là món quà của đất trời ban tặng cho người Mông ở xứ sở này.

giam-doc-vuon-quoc-gia-ta-dung.jpg
z4749799086253_5c56d0122f23c361e8a045216c8267fa.jpg

Vị trà riêng có

Người Mông chăm chỉ chịu khó trồng ngô, trồng lúa, riêng người Mông ở Suối Giàng còn giỏi hái chè, xao chè, bởi cây chè đã sống từ nhiều đời với người dân nơi đây. Suối Giàng độ này đang vào mùa chè, chẳng thế mà cứ lên đến lưng chừng núi là dễ thấy thấp thoáng bóng những cô gái Mông với váy hoa rực rỡ kéo nhau lên núi hái chè. Công việc hái chè nghe tưởng chừng đơn giản nhưng kỳ thật vất vả vô cùng. Những cây chè cao vượt đầu người tán rộng hàng mét, vậy nên để lấy được những búp chè non phải trèo lên cành cao của cây để hái.

Chị Mùa Thị Hằng và các em trong bản đã quen với công việc hái chè từ khi chỉ là những đứa trẻ, chị Hằng tâm sự: “Người mông ở đây rất quan tâm tới cây chè vì nó là nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình. Nó cũng gắn bó với người dân từ nhiều đời, nó quen thuộc như cây lúa đối với người dân dưới đồng bằng. Vì thế, người Mông không ai là không biết làm chè và hầu như nhà nào cũng có đồi chè”.

Bởi đã gắn bó với người Mông Suối Giàng từ xa xưa nên người dân nơi đây đã dành cả tình cảm, công sức từ khâu chăm sóc, thu hái cho đến chế biến và bảo quản. Chè hái về rồi lọc lại những búp không bị sâu, không quá già, sau đó mới xao trong chảo gang. Củi dùng xao chè phải thật khô, cháy đượm, giữ lửa cháy nhỏ vừa nhưng phải thật đều. Một số hộ người Mông trên Suối Giàng vẫn giữ cách xao chè truyền thống, dường như hương vị của chè được chính tay người dân xao trên bếp lửa và chảo gang có hương vị đậm đà hơn chăng!

Ông Vàng A Mang chia sẻ về ý nghĩa của cây chè Shan tuyết với người Mông ở Suối Giàng

Xao chè Shan tuyết là bí quyết của người Mông ở Suối Giàng, chẳng dễ gì mà học được, vào vụ chè cả bản tỏa hương thơm ngào ngạt. Chè xao rồi phải vò bằng tay thật khéo, sao cho búp chè săn lại, cái tài của người xao là phải biết chè xao đến độ nào là vừa đủ. Búp chè Tuyết được chính bàn tay của người Mông ở Suối Giàng chăm chỉ chịu khó chế biến như cuộn hết sự tinh khiết, thanh cao của mây gió, núi ngàn vào trong.

“Làm chè vất vả lắm, đầu tiên là lúc chăm sóc, rồi đi thu hái và về xao chè, phải xao đi xao lại, nhưng bù lại chè ở Suối Giàng lại rất sạch và thơm ngon hơn nhiều vùng chè khác. Bởi khí hậu và đất trên này phù hợp để trồng chè và cũng chỉ khi trồng chè ở đây thì chè mới thực sự ngon đúng hương vị của nó” - Chị mùa Thị Hằng chia sẻ.

Bút chè non sao lên được pha với nước suối đun sôi hương thơm tỏa nồng đượm, uống vào thấy đọng mãi vị ngọt trên đầu lưỡi, cũng chỉ có người Mông Suối Giàng mới biết cách pha chè Shan tuyết ngon đúng vị. Khi pha chè, người Mông ở đây phải dùng nước nguồn trên núi thì chén trà mới có hương vị đậm đà và màu sắc tươi hơn.

Dùng nước sôi tráng qua một lượt để cánh chè giãn da, loại bỏ chút bụi còn vương lại chế nước sôi đầy ấm rồi mới đậy nắp chừng vài phút. Trong mây núi Suối Giàng nhấp chén trà xanh cảm nhận vị ngọt đượm, chan chát nồng nàn lan tỏa trong không gian dễ khiến người ta có cảm giác lâng lâng khó tả giữa cảnh sắc núi rừng thiên nhiên và chút hơi sương lãng đãng mát lành.

z4749886002499_85e2f357d12e33efa096ea22256429e5.jpg
z4749797476684_d08efefec23b56cf24aed680ccfdf436.jpg

Du lịch trải nghiệm phát triển

Cũng nhờ những nét riêng vốn có của Suối Giàng những năm gần đây nhiều hộ gia đình ở đây đã biết làm du lịch trải nghiệm, khi du khách đến với Suối Giàng sẽ được trực tiếp hái chè, xao chè và được thưởng thức hương vị đậm đà của chè Suối Giàng.

Ông Vàng A Mang ở thông Pang Cáng là một trong những người Mông đầu tiên ở Suối Giàng bắt tay vào làm du lịch, từ năm 2015. Ông Vàng A Mang trăn trở phải làm sao để thu hút khách du lịch bằng bản sắc văn hoá và giá trị của những cây chè Shan tuyết Suối Giàng. Từ đó, ông Vàng A Mang đã tham khảo qua các phương tiện thông tin đại chúng và quyết định thử nghiệm cách làm du lịch trải nghiệm thực tế.

Khi du khách khi đến với gia đình anh sẽ được trực tiếp hái những búp chè Shan, được tự tay xao chè và thưởng thức hương vị đậm đà của chè Shan tuyết Suối Giàng, được cùng ăn bữa cơm với các món ẩm thực độc đáo của người Mông Suối Giàng.

Hiện cả xã Suối Giàng có trên 500 ha chè Shan trong đó có quần thể 400 cây chè Shan trên 100 năm tuổi đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt 600 tấn. Sản phẩm chè Suối Giàng đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu độc quyền, và là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Ông Vàng A Mang chia sẻ: “Làm du lịch, trước hết phải biết làm cho những gì mình đang có trở nên hấp dẫn du khách. Làm du lịch ở đây phải biết dựa vào những gì là gốc gác, cốt lõi của dân tộc Mông mình".

Cùng chung ý tưởng với ông Vàng A Mang, điểm du lịch Cốc Tình được anh Giàng A Súa ở thôn Giàng B, đầu tư tôn tạo dựa trên những điều kiện tự nhiên sẵn có của thiên nhiên. Bằng chính đôi bàn tay của mình, anh Súa đã tạo lối đi bên cạnh hệ thống vách đá, kết hợp với những gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi và hệ thống hang động nằm sâu dưới lòng đất hơn 30m. Đồng thời, quy hoạch và chia thành từng khu vực để vừa đón tiếp du khách tham quan, vừa tiếp tục xây dựng, mở rộng điểm du lịch.

Chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so với các sản phẩm chè shan tuyết trên cả nước. Trong những năm qua để cây chè Shan tuyết được giữ vững và trở thành thương hiệu, UBND xã cùng với đồng bào Mông nơi đây đã quảng bá thương hiệu chè bằng cách kết hợp giữa văn hóa chè, văn hóa bản địa và phát triển du lịch. Bởi vậy, thương hiệu Chè Suối Giàng ngày càng được vươn xa trong và ngoài nước, giúp đồng bào Mông làm giàu trên vùng tài nguyên vô giá này.

Ông Lường Văn Tâm
Chủ tịch UBND xã Suối Giàng

Đến với Suối Giàng hôm nay, đồng bào Mông nơi đây đã xây dựng thêm nhiều điểm dừng chân, đáp ứng nhu cầu tham quan, khám phá và nghỉ ngơi của du khách. Khu du lịch sinh thái Suối Giàng đang dần phát huy được sức mạnh tiềm năng của cộng đồng người Mông địa phương trong tổ chức, quản lý các hoạt động du lịch, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con. Nhờ tận dụng được những lợi thế sẵn có được thiên nhiên ban tặng và học hỏi những cách làm du lịch mới đang được ưa chuộng, dần các hộ dân ở Suối Giàng đã khẳng định hướng đi đúng trong cách làm du lịch trải nghiệm...

Một trong những không gian trà quán được đông đảo những người yêu trà Yên Bái biết đến, chúng ta không thể không nhắc đến Không gian văn hóa trà Suối Giàng. Với thiết kế đặc trưng gắn liền với văn hóa đồng bào Mông nơi đay, Không gian văn hóa Trà Suối Giàng khiến du khách lạc vào đây với tầm bao quát lớn có thể nhìn ra bốn phía với mây trời vần vũ, với bản làng người Mông ẩn khuất dưới tán chè cổ thụ.

“Với mục tiêu bảo tồn giá trị đặc biệt của cây chè Shan tuyết và văn hóa truyền thống bản địa, quảng bá giá trị đặc biệt và nâng tầm giá trị chè Shan, đồng thời gìn giữ kiến trúc của người Mông, cùng với việc hoàn thiện kiến trúc, cơ sở vật chất, thời gian qua, “Không gian văn hóa trà Suối Giàng” của chúng tôi mong được góp phần công sức nhỏ bé của mình phát huy giá trị Trà Suối Giàng và lan tỏa giá trị đặc biệt ấy đến với du khách trong nước và quốc tế” - Trà chủ Đặng Thái Sơn – chủ nhân Không gian văn hóa Trà Suối Giàng cho hay.

z4749921062284_81af8e0de80308743a1bf5d9593543e1.jpg
Trà chủ Đặng Thái Sơn – chủ nhân Không gian văn hóa Trà Suối Giàng

Khi đến với Suối Giàng, du khách sẽ được tìm về không gian bao la của đất trời và núi rừng, đặc biệt khi được nhìn ngắm những cô gái Mông với những bộ váy hoa rực rỡ nhiều màu sắc tự tay hái chè, xao chè mới cảm nhận hết sự hoang sơ, thân tình như chính hương vị của tách trà Shan tuyết nơi đây.

Qua hàng trăm năm gắn bó với cây chè từ đời này sang đời khác người Mông trên đỉnh núi bồng bềnh mây trắng này vẫn đang gìn giữ và tiếp nối những giá trị văn hóa truyền thống bất biến, vẫn duy trì những tập quán gắn liền với phong tục tín ngưỡng đặc trưng của dân tộc mình và đặc biệt vẫn bảo tồn và phát huy được giá trị của Trà cổ Suối Giàng. Tất cả điều đó, đã vẽ nên một bức tranh về một miền núi rừng xanh ngát trên đỉnh Suối Giàng ngày một đẹp đẽ, tràn đầy sức sống và cũng là nơi có thể níu chân du khách khi tới vùng non cao này...

z4750065266585_d767de3172c0bea79db51356c8ef8c8a.jpg
z4750060602691_d5515ec23685373a7de098896f38da00.jpg
z4750058916053_b46245fb35302eb01067feed39244531.jpg
z4750058913218_36889db5ec3e51a7ca53237937d92c56.jpg
z4750058905868_b3e0ebf2bd21c64a05f45e6ea6f107b9.jpg
Nhóm PV Báo TN&MT tác nghiệp tại Suối Giàng ngày 2/10/2023

Nội dung: Việt Hải, Thanh Ngà, Hoàng Hiền
Ảnh: Việt Hùng, Thanh Miền, Tùng Quân
Trình bày: Quang Hanh - Xuân Hà

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trà shan tuyết Suối Giàng - tài nguyên xanh nơi bồng bềnh mây trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO