Rác rưởi, bủa vây khiến mặt nước Đầm Vậy đóng váng, ô nhiễm nghiêm trọng |
Theo người dân nơi đây phản ánh, Đầm Vậy (có tổng diện tích khoảng 6,3ha) nằm giữa khu dân cư đông đúc và trước đây là lá phổi xanh của khu vực. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Đầm Vậy bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến người dân quanh đây phải trong tình cảnh “sống chung với ô nhiễm."
Về nguyên nhân ô nhiễm, theo người dân nơi đây, mỗi khi mưa to kéo dài, nước các nơi đổ về kéo theo rác, rưởi… khiến Đầm Vậy thường xuyên ngập úng. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi việc đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước; lòng đầm bị bồi lắng do tích đọng bùn thải; các tuyến kênh tiêu từ Đầm Vậy ra sông nhỏ, nhiều đoạn co thắt khiến việc tiêu thoát nước chậm khiến đầm thành nơi… chứa nước thải sau mỗi trận mưa.
Theo ông Nguyễn Quang Bình, người dân sống gần Đầm Vậy thì, đầm bị ô nhiễm khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. “Nhà tôi ở trước mặt đầm to đẹp, nhưng để bảo vệ an toàn sức khỏe, nhiều khi phải đóng kín mít cửa nhằm hạn chế tối đa mùi hôi, tanh, thối từ đầm bốc lên” - ông Bình nói.
Không chỉ ông Bình mà nhiều người dân sống quanh Đầm Vậy đều mong muốn và kiến nghị các cấp chính quyền địa phương khẩn trương quan tâm và có giải pháp căn cơ, quyết liệt để xử lý tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường của đầm.
Cá chết trắng ở Đầm Vậy giữa năm 2019 |
Là người thầu nuôi cá ở Đầm Vậy, ông Phan Văn Sáu cũng không khỏi xót xa trước tình trạng ô nhiễm của đầm trước tình trạng nước đen kịt, ni long, rác thải các loại nổi đầy dù các chủ thầu và người dân liên tục dọn. Theo ông Sáu, vì đầm bị ô nhiễm nên nhiều khi cá thả nuôi, gần đến ngày thu hoạch bị chết nổi trắng.
Ông Phan Văn Sáu nhớ và ám ảnh nhất là vào khoảng giữa năm 2019, nước ô nhiễm khiến cá chết trắng Đầm Vậy. Thống kê, hơn 10 tấn cá bị chết, ước tính thiệt hại lên tới hơn 200 triệu đồng. “Khi cá chết, đã gây thiệt hại lớn về kinh tế, chúng tôi lại phải bỏ ra khoản tiền khá để khắc phục: Mua vôi, chất khử vi sinh, dọn dẹp vệ sinh… làm sạch Đầm Vậy rồi mới thả lứa cá mới” - ông Phan Văn Sáu xót xa.
Tuy nhiên, theo ông Sáu, dù đã vệ sinh, khử trùng… nhưng do là hộ cá nhân nên dù có cố đến đâu thì chỉ được một thời gian ngắn rồi lại bị tái ô nhiễm trở lại, cá lại bị chết, bốc mùi hôi thối… vì vậy rất khó để có thể cải thiện tình trạng ô nhiễm để nuôi cá.
Ông Phan Văn Sáu và người dân quanh đầm đều kiến nghị chính quyền địa phương quan tâm và có biện pháp hữu hiệu như áp dụng công nghệ xử lý môi trường nước hiện đại để cải tạo triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường cho Đầm Vậy một cách căn cơ để trả lại lá phổi xanh cho khu vực.
Được biết, tháng 5/2019, thành phố Vĩnh Yên đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn lấy mẫu phân tích chất lượng nước Đầm Vậy, kết quả cho thấy, tại 2 vị trí lấy mẫu nước trong đầm đều bị ô nhiễm, trong đó, hàm lượng Nitơ, phốt pho cao hơn quy chuẩn cho phép, lượng ô xi hòa tan trong nước thấp. Đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng cá trong đầm bị chết, gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường không khí và sức khỏe của người dân địa phương.
Sau đó, thành phố Vĩnh Yên đã lên kế hoạch và thực hiện xử lý, cải tạo chất lượng nước Đầm Vậy bằng cách: tại các cửa xả nước vào đầm lắp rọ chắn rác; vớt bèo tây, sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý nguồn nước; trồng thêm các bè thủy trúc nhằm góp phần xử lý nguồn nước và tạo cảnh quan cho khu vực. Biện pháp này từng được kỳ vọng sẽ cải thiện môi trường, tạo diện mạo mới cho Đầm Vậy.
Trước việc người dân phường Đống Đa, không chỉ khổ vì mùi hôi, tanh, thối từ Đầm Vậy bốc lên, mà còn nơm nớp lo lắng nguy cơ bệnh tật bởi nguồn nước thải từ các nơi đặc biệt là mỗi khi trời mưa to, nước ở các nơi tràn về… ông Nguyễn Ngọc Thu, Chủ tịch UBND phường Đống Đa cho biết: Phường đã rất quan tâm đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường ở Đầm Vậy.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND phường Đống Đa, trước thực trạng này, phường thường xuyên tổ chức đợt dọn rác, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường cho người dân sinh sống quanh khu vực. “Nhưng để xử lý tận gốc, triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường Đầm Vậy cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng liên quan và có sự đầu tư hệ thống công nghệ xử lý ô nhiễm hiện đại, mang lại hiệu quả cao…"- ông Nguyễn Ngọc Thu kiến nghị.
Vẫn theo Chủ tịch UBND phường Đống Đa, trước tình trạng này, Phường cũng đã có báo cáo kiến nghị cơ quan chức năng liên quan có thẩm quyền của TP Vĩnh Yên về việc xin cải tạo tầng bùn đáy và xử lý nước đang bị ô nhiễm trong lòng Đầm Vậy để xử lý tận gốc nguyên nhân gây ô nhiễm là mùi hôi, tanh bằng cách thực hiện các biện pháp cơ học và sinh học.
“Việc này sẽ đạt hiệu quả cao khi lựa chọn được mô hình công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường nước theo mục tiêu xử lý là phải phân hủy được tận gốc lớp khí độc tích tụ gây ra mùi trong tầng bùn đáy, xử lý triệt để tận gốc được chất ô nhiễm, phân hủy lớp cặn bã, bùn hữu cơ trong lòng Đầm Vậy và tăng nồng độ ô xi hòa tan để cải thiện tình trạng cá chết hàng loạt và phải đáp ứng được cả khi có mưa bão lớn" - ông Thu nói.
Cùng với các biện pháp đó, vị Chủ tịch UBND phường Đống Đa cho biết sẽ có sự vào cuộc quyết liệt, cấp thiết của cơ quan chức năng liên quan, chính quyền và các đoàn thể của phường để có thể chủ động biện pháp trong thẩm quyền để sớm xử lý triệt để ô nhiễm của Đầm Vậy.
Làm được như vậy, hy vọng Đầm Vậy sẽ được trả lại môi trường trong lành để khu đầm thực sự trở thành “hồ sinh thái” điều hòa môi trường sống, tạo sự cân bằng sinh thái; làm tăng không gian sống cho các loài cá, thủy sinh trong nước; điều tiết, lưu thông nước trong khu vực thành phố và các vùng phụ cận; tạo cân bằng sinh thái, điều tiết khí hậu của thành phố; điều tiết và thoát nước bên trong thành phố tránh gây ngập úng vào mùa mưa và tạo cảnh quan môi trường cho thành phố Vĩnh Yên… như người dân và các cấp chính quyền nơi đây mong muốn.