TP Vinh: Cần có giải pháp cứu "vựa rau" Hưng Đông

26/09/2016 00:00

(TN&MT) - Hàng chục héc ta rau của người dân xã Hưng Đông đang đối mặt với nguy cơ trở thành “rau bẩn” do nguồn nước tưới bị nhiễm; hàng chục héc ta lúa và thủy sản của người dân bị bỏ hoang từ nhiều năm nay do ô nhiễm môi trường nhưng chưa được đơn vị gây ra bồi thường thiệt hại…Đó là thực trạng đang khiến cho người nông dân lẫn chính quyền địa phương này “đứng ngồi không yên”.

Lo cho “vựa rau” Hưng Đông

Với tổng diện tích rau hơn 40ha – xã Hưng Đông được coi là “vựa rau” của TP Vinh, trong đó HTX Đông Vinh có 22ha, diện tích còn lại rải rác trong vườn tập trung ở các xóm Mỹ Hòa, Mỹ Long, Yên Vinh, Yên Binh…

Hiện nay bà con chủ yếu trồng các loại rau trái vụ như thì là, mùi, cải mầm, xà lách… cải mầm 7-10 ngày lứa, rau xà lách, mùi, thì là 1 tháng/lứa. Rau trái vụ mỗi lứa bà con thu 5 triệu đồng/sào. Bình quân 1ha rau đạt khoảng 2 tỷ đồng/năm. Từ 40 ha trồng rau chuyên canh, mỗi năm nông dân Hưng Đông thu gần 100 tỷ đồng. “So với trồng lúa thì thì trồng rau hiệu quả gấp 15-20 lần. Hàng năm xã phối hợp với phòng kinh tế trạm bảo bệ thực vật và trạm khuyến nông thành phố tổ chức tập huấn hướng dẫn nông dân sử dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tự chế biến thuốc trừ sâu có nguồn gốc thiên nhiên tỏi, ớt cay…để sản xuất rau an toàn. Xã, HTX cũng thường xuyên phối hợp với ngành chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cách đồng rau” – ông Phạm Văn Thanh, cán bộ Ban Nông nghiệp xã Hưng Đông, cho biết.

Mương thoát nước thải của Trại giam Nghi Kim phía sau khu dân cư, sát với vùng canh tác rau Hưng Đông
Mương thoát nước thải của Trại giam Nghi Kim phía sau khu dân cư, sát với vùng canh tác rau Hưng Đông

HTX Đông Vinh có 140 hộ, 250 lao động thuộc 2 xóm Đông Vinh và Vinh Xuân chuyên làm nghề sản xuất rau. Nghề trồng rau của người dân nới đây có truyền thống hàng chục năm nay nên bà con đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, thâm canh rau, đặc biệt là rau trái vụ. “Trồng rau mùa này chúng tôi chọn trồng các loại rau không bị sâu bệnh như: mùi thơm, thì là, xà lách, cải mầm… Rau chúng tôi không phun thuốc sâu cũng không dùng đến kích thích. Nhưng trăn trở của người trồng rau Đông Vinh chúng tôi chính là nguồn nước tưới đã và đang bị ô nhiễm” - nông dân Nguyễn Thị Bé - xóm Vinh Xuân – HTX Đông Vinh, xã Hưng Đông, lo lắng.

Nước rỉ rác từ Bãi rác Đông Vinh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Nước rỉ rác từ Bãi rác Đông Vinh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Toàn bộ diện tích rau 22 ha của HTX Đông Vinh phụ thuộc vào nguồn nước tưới bơm từ hồ 7 mẫu (hồ Bàu Đông), hồ này trước đây được quy hoạch dẫn nước từ trạm bơm 16B về phục vụ tưới cho toàn bộ diện tích rau Đông Vinh nhưng từ 2009 khi Khu công nghiệp Bắc Vinh đi vào hoạt động toàn bộ nước thải của khu công nghiệp chảy thẳng vào hồ chứa. Hơn nữa, khi trời mưa xuống nước thải từ Trại tạm giam Nghi Kim (thuộc Công an tỉnh Nghệ An) và nước rỉ rác từ bãi rác Hưng Đông cũng chảy xuống hồ làm cho nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.

“Chúng tôi vẫn biết sử dụng nguồn nước ô nhiễm này để tưới cho rau là không an toàn nhưng không có nước sạch chúng tôi đành phải sử dụng nước bẩn để tưới rau thôi” – Bà Lê Thi Tâm ở Đông Vinh, trăn trở.

Nước rỉ rác và nước thải từ Trại giam Nghi Kim đang khiến cho nguồn nước tưới cho rau Hưng Đông bị ô nhiễm nghiêm trọng
Nước rỉ rác và nước thải từ Trại giam Nghi Kim đang khiến cho nguồn nước tưới cho rau Hưng Đông bị ô nhiễm nghiêm trọng

Được biết, nhiều hộ trồng rau của HTX Đông Vinh cũng đã thử đầu tư khoan giếng để lấy nước tưới cho rau; nhưng nước được bơm từ giếng khoan sâu đến vài chục mét, vì thế khi bơm lên tưới được 1-2 ngày thì rau bị chết.

“Tiêu chí của chúng tôi là trồng rau sạch, an toàn cho người tiêu dùng. Thế nhưng chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước tưới “sạch”. Vì thế, thương hiệu của “vựa rau” Hưng Đông nay mai sẽ bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi” – Một nông dân lo lắng cho biết.

Gây ô nhiễm, định “phủi” trách nhiệm?

Hưng Đông là xã có 4 HTX nông nghiệp. Trong đó có hai HTX là HTX Hưng Đông 1 và HTX Đông Vinh cùng nhiều hộ dân ở xóm Mỹ Hòa chịu ảnh hưởng nặng nề do ô nhiễm môi trường mà Công ty CP Bao bì SABECO Sông Lam (đóng ở KCN Bắc Vinh) gây ra nhiều năm trước.

Được biết, trước đó từ tháng 6 đến tháng năm 2010 lần lượt các đoàn thanh, kiểm tra của UBND TP Vinh, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An lẫn Bộ TN&MT đều đã tiến hành kiểm tra vấn đề ô nhiễm do nước thải của Công ty SABECO gây ra và đều kết luận đơn vị này xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất cũng như sức khỏe của người dân xã Hưng Đông. Sau nhiều cuộc họp lên bàn xuống thì các cơ quan chức năng đã thống nhất là yêu cầu đơn vị gây ô nhiễm là Công ty SABECO phải bồi thường thiệt hại về sản xuất cũng như phí cải tạo phục hồi lại môi trường cho người dân nơi đây.

Hàng chục héc ta đất canh tác của người dân Hưng Đông đang bị bỏ hoang do Công ty SABECO xả thải gây ô nhiễm từ nhiều năm trước
Hàng chục héc ta đất canh tác của người dân Hưng Đông đang bị bỏ hoang do Công ty SABECO xả thải gây ô nhiễm từ nhiều năm trước

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Vinh tại công văn số 1999/UBND-TNMT ngày 06/5/2015 về việc giải quyết ô nhiễm môi trường do hoạt động của Công ty CP Bao bì SABECO Sông Lam. Đồng thời căn cứ kết quả buổi làm việc với tổ công tác giải quyết ô nhiễm môi trường và bồi thường thiệt hại cho nhân dân xã Hưng Đông (thành lập theo quyết định số 7952/QĐ-UBND ngày 07/11/2014 của UBND TP Vinh) vào ngày 22/4/2015; UBND xã Hưng Đông đã phối hợp với HTX Hưng Đông 1, HTX Đông Vinh, các hộ cá thể xóm Mỹ Hòa thống kê tính toán mức độ thiệt hại do ô nhiễm nguồn nước xả thải của Công ty SABECO thải ra xứ đồng Bàu Đông, xã Hưng Đông. Theo đó, tổng diện tích bị thiệt hại là gần 11 héc ta (trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản trên 2,5ha; diện tích lúa trên 8ha).

Cũng theo tính toàn của xã Hưng Đông, vụ Xuân năm 2009 mức độ  thiệt hại đến năng suất cây lúa là 35%, các vụ tiếp theo đến năm 2015 là 100%; giá thị trường tại thời điểm tính toán năm 2015 là 7.500 đ/kg lúa. Thiệt hại về thủy sản vụ Xuân năm 2009 là 35%, vụ Hè thu năm 2009 là 100%, các năm tiếp theo là 35% giá thị trường tại thời điểm tính toán năm 2015 là 20.000 đ/kg cá các loại.

Văn bản của UBND xã Hưng Đồng đề nghị Công ty SABECO đền bù thiệt hại
Văn bản của UBND xã Hưng Đồng đề nghị Công ty SABECO đền bù thiệt hại

Từ năm 2013 đến 2015 HTX Hưng Đông 1 tổ chức nạo vét mương  Bàu Đông khắc phục ô nhiễm được 32.588 m2 diện tích đất trồng lúa nhưng vẫn bị giảm năng suất 50%.

Qua đó, UBND xã Hưng Đông tính toán được tổng mức độ thiệt hại do ô nhiễm môi trường mà Công ty SABECO gây ra phải bồi thường cho hai HTX và các hộ dân xóm Mỹ Hòa với số tiền trên 4,7 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 (từ 2009 đến 2012) là trên 2,8 tỷ đồng; giai đoạn 2 (từ 2013 đến 2015) là trên 1,8 tỷ đồng; tiền mua vôi xử lý đất sản xuất và thuê máy múc đào mương thoát nước xử lý ô nhiễm là gần 190 triệu đồng.

Các văn bản từ UBND xã Hưng Đông, UBND TP Vinh và UBND tỉnh Nghệ An đều yêu cầu Công ty SABECO bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường mà đơn vị này gây ra cho người dân như đã nói ở trên. Tuy nhiên, cho đến nay đã nhiều năm trôi qua nhưng phía “thủ phạm” vẫn đang “bặt vô âm tín”, cố tình “phủi” trách nhiệm khiến cho người dân và chính quyền hết sức bức xúc.

Báo điện tử TN&MT sẽ tiếp tục phản ánh về vấn đề này.

Đình Tiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Vinh: Cần có giải pháp cứu "vựa rau" Hưng Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO