Nằm sát đường Cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, khu vực tổ 6, phường Tích Lương, Thành phố Thái Nguyên đã hình thành và tồn tại một số đơn vị sản xuất, chế biến khoáng sản từ nhiều năm nay. Trong đó, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực luyện gang, sàng tuyển, chế biến khoáng sản, sản xuất hóa chất phục vụ bóc tách kim loại từ quặng . Hầu hết các hoạt động này đều có những tác động trực tiếp đến môi trường. Cổng kín, tường cao, canh phòng cẩn mật là những dấu hiệu dễ nhận thấy ở cơ sở sản xuất công nghiệp chui tại tổ 6. Người dân thường hít phải hơi độc có mùi khét lẹt, rát cổ khi có khói tỏa ra. Không ai biết các cơ sở này chế biến hóa chất gì. Họ chỉ thấy hoạt động sản xuất của các nhà xưởng đều có những tác động trực tiếp đến môi trường. Một người dân ở tổ 6, phường Tích Lương, TP Thái Nguyên (xin được giấu tên) đã cho phóng viên biết:“Cơ sở sản xuất hóa chất gây ô nhiễm lắm. Nước, đất, không khí bị nhiễm hóa chất cả. Dân chúng tôi rất khó ngủ vì mùi khét. Chúng tôi rất lo lắng cho sức khỏe người già và trẻ nhỏ đễ mắc bệnh về hô hấp. Cử tri chúng tôi kiến nghị nhiều nhưng vẫn thấy họ sản xuất đều…”
Điều đáng nói ở đây là các cơ sở sản xuất chế biến đều nằm trong khu dân cư và khu vực này chưa từng có bất kỳ quy hoạch nào cho phép xây dựng và hoạt động công nghiệp.Ông Ngô Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường Tích Lương, Thành phố Thái Nguyên khẳng định chắc chắn như thế này: “Trên địa phận của phường Tích Lương chưa được cấp phép một khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nào cả. Chắc các cơ sở sản xuất đó đều tự phát thôi, do thuê lại mặt bằng của một doanh nghiệp đã chuyển khỏi địa bàn để lại nhà xưởng ấy mà. Ngay sau đây, chủ tịch phường sẽ cho kiểm tra để bám nắm tình hình và báo cáo cấp trên xử lí theo thẩm quyền.”
Nằm ngay sát đường bê tông dân sinh của tổ 6, phường Tích Lương, một nhà xưởng cũ nát của cơ sở luyện gang tồn tại ở đây từ nhiều năm trước, đến nay đã ngừng hoạt động, năm 2016 ông Nguyễn Hoài Nam, giám đốc Công ty THHH khoáng sản Đại Nam thuê lại của chủ cũ với mục đích làm kho để chứa nguyên liệu. Tuy nhiên trái với mục đích ban đầu khi thông báo với chính quyền địa phương, hàng ngày cơ sở này vẫn đóng kín cửa và sử dụng nhà xưởng để tiến hành sản xuất.
Qua quá trình kiểm tra của chính quyền phường Tích Lương, chủ doanh nghiệp cho biết chỉ tận dụng để sản xuất các loại phụ gia thức ăn chăn nuôi. Ông Nguyễn Hoài Nam, giám đốc Công ty THHH khoáng sản Đại Nam cho biết: “Xưởng công ty em chỉ sản xuất phụ gia cung cấp cho các nhà máy chế biến phân bón và cung cấp khoáng vi lượng cho một số nhà máy cám chăn nuôi ở Hải Dương thôi. Em xuất bán 4 triệu đồng/tấn. Mỗi tháng sản xuất được đôi chục tấn là cao. Em thuê nhà xưởng và mặt bằng lại của doanh nghiệp khác với giá 25 triệu đồng/tháng. Tình hình sản xuất khó khăn lắm nên chưa kịp đăng ký các thủ tục về môi trường…”
Chưa nói đến việc sử dụng nhà xưởng sai mục đích so với báo cáo, cơ sở này trong quá trình sản xuất còn sử dụng việc ngâm ủ khoáng sản, sử dụng dây chuyền bóc tách, chế biến có tác động đến môi trường nhưng chưa đảm bảo các yêu cầu về thủ tục, giấy phép đánh giá tác động môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Hoạt động chui lủi trong một thời gian dài ít bị chính quyền, ngành chức năng phát hiện, xử lí. Mới đây, nước thải của cơ sở này đã tràn ra đường dân sinh và chảy xuống ruộng của dân. Loại nước thải có màu xanh đen bốc mùi hắc nồng nặc giống hơi của a xít mạnh khiến người đi đường khó chịu. Mặt đường sủi bọt. Chủ cơ sở này đã vội cho phủ lấp 1 lớp cát mỏng hòng che khuất sai phạm của mình.
Ông Nguyễn Văn Hải là người dân ở tổ 6 phường Tích Lương, TP Thái Nguyên đã cho biết: “Đêm, công an, tự vệ phường đi tuần tra phát hiện xả thải. Sáng nay, đường lênh láng nước chảy xuống ruộng của dân. Mùi hắc lắm. Vợ chồng giám đốc doanh nghiệp cùng vài người làm công thi nhau lấp cát không thì sủi hết mặt đường bê tông lên, dân kêu chết. ”
Khi đoàn kiểm tra của ngành tài nguyên và môi trường phối hợp với chính quyền phường Tích Lương đến hiện trường lấy mẫu nước thải thì chủ cơ sở sản xuất hóa chất đã đóng kín cổng nhà xưởng không hợp tác. Một người đàn ông tên là Tẹo xuất hiện và nhận là chủ đất cho công ty TNHH khoáng sản Đại Nam thuê lại cũng không nhận trách nhiệm mà còn nổi đóa với đoàn công tác: “Đất của tôi cho họ thuê lại có hợp đồng đàng hoàng. Bây giờ họ sản xuất cái gì là quyền của họ. Tôi không biết. Các ông kiểm tra thì liên hệ với họ, gọi tôi ra đây giải quyết được việc gì..”. Và sau đó, ông Tẹo đã rời hiện trường ngay tức khắc.
Ông Hoàng Trằn là tổ trưởng tổ 6, phường Tích Lương, TP Thái Nguyên đã bức xúc nói: “Tôi đại diện cho bà con nhân dân tổ 6 thấy mấy anh doanh nghiệp từ người có đất, nhà xưởng cho thuê đến cái anh thuê lại nhà xưởng này chẳng ra gì. Rõ ràng là sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường mà còn không nhận lỗi. Đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt thật nghiêm minh để dành lại môi trường trong lành cho dân chúng tôi được nhờ”.
Cũng nằm trong khu vực tổ 6, phường Tích Lương, cơ sở chế biến khoáng sản của Công ty TNHH Quảng An đã đi vào hoạt động thử nghiệm từ nhiều tháng nay. Hệ thống nhà xưởng, dây chuyền sản tuyển đã được xây dựng trên diện tích đất khoảng gần 1 ha. Từ một hộ sản sản xuất kinh doanh cá thể cho đến khi thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực tận thu khoáng sán, doanh nghiệp này hầu như chưa có bất kể giấy phép nào liên quan đến lĩnh vực này ngoại trừ giấy phép thành lập doanh nghiệp và giấy xác nhận đăng kí kế hoạch bảo vệ môi trường. Nói về các thủ tục, giấy phép ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, giám đốc Công ty TNNH Quảng An, Thái Nguyên cho biết: “Công ty mới thành lập nên đang sản xuất thử. Một số dây chuyền đang lắp đặt. Tính lắp đặt xong thì đi cấp phép. Bây giờ thì chỉ có giấy phép kinh doanh và có ý kiến đồng ý nhận hồ sơ của doanh nghiệp về đánh giá giá tác động môi trường chứ chưa có quyết định chính thức.v.v.”
Qua tìm hiểu được biết, hiện trên địa bàn nhiều phường trong nội thị thành phố Thái Nguyên đang có sự hoạt động của một số cơ sở đúc gang, tuyển khoáng sản, phun sơn công nghiệp, sản xuất giấy v.v.... từ khi đi vào hoạt động đều ít nhiều gây ô nhiễm. Khói bụi, nước thải và tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của người dân. Trong khi đó, việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, môi trường cũng không nằm trong quy hoạch sản xuất công nghiệp của địa phương. Việc quản lý của chính quyền sở tại còn thiếu chặt chẽ. Việc tồn tại các cơ sở sản xuất chế biến khoáng sản nằm trong khu dân cư rất cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất công nghiệp và xử lí nghiêm minh nếu gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thành phố Thái Nguyên cần khẩn trương bắt tay thực hiện Quyết định số 2486(QĐ-TTg) ngày 20/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2035. Trong đó, tại điều 1, mục 4 Định hướng phát triển không gian, điểm Đ nêu rất cụ thể “Khu vực phát triển công nghiệp, logistic phía Bắc (thuộc xã Sơn Cẩm và xã Cao Ngạn), diện tích khoảng 275 ha: Phát triển các khu, cụm công nghiệp để từng bước di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp trong khu vực nội thị; hình thành và phát triển khu logistic (giao vận, trung chuyển hàng hóa,...).”
Nhân dân và cử tri của thành phố Thái Nguyên rất mong muốn được hưởng thụ bầu không khí trong lành, sạch sẽ của thành phố văn minh hiện đại. Và đặc biệt mong muốn thành phố thực hiện các chính sách chuyển đổi mục đích, di dời các nhà máy, xưởng sản xuất gây ô nhiễm ra khu vực ngoại ô của thành phố để sản xuất tập trung và có biện pháp quản lí chuyên nghiệp hơn về môi trường.