Theo thông tin mà PV nắm được, hạng mục nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ nằm trong Dự án “Chương trình phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh)” – tiểu dự án Thừa Thiên Huế, thuộc gói thầu số 28 (HU-CW07), gói thầu này gồm xây dựng 2 cầu: Nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ và Đường 10 mm nối 2 khu đô thị A và B khu An Vân Dương (cầu qua sông Như Ý), do Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình thực hiện. Giá trị hợp đồng gói thầu là 109,51 tỷ đồng, khởi công từ ngày 6/7/2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư.
Cụ thể, quy mô đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ gồm chiều dài toàn cầu là 169,70 m, với 5 nhịp dầm đơn giản L=33,0 m; bề rộng cầu B=4,5 (hè phố) +21,0 (mặt cầu xe chạy) +4,5 (hè phố) =30,0 m. Trong đó phần cầu cũ rộng 14,0m, phần cầu mới mỗi bên rộng 8,0m. Đường đầu cầu phía đường Bà Triệu có quy mô B= 4,5 (hè phố)+21,0 (mặt đường) +4,5 (hè phố) =30,0 m và 2 đường gom 2 bên cầu, mỗi bên có quy mô B= tường chắn + 6,0 (mặt đường) + 1,5 (hè phố phía nhà dân) = 7,5 m. Đường đầu cầu phía đường Phạm Văn Đồng có quy mô B= 6,0 (hè phố) + 10,5 (mặt đường) + 3,0 (dải phân cách) + 10,5 (mặt đường) + 6,0 (hè phố) = 36,0 m.
Ngoài ra, hạng mục có đầu tư xây dựng mới hệ thống hạ tầng kỹ thuật gồm điện chiếu sáng, cây xanh, thoát nước mưa, cấp nước tưới cây, rãnh vỉa, bó vỉa, đá xe lăn cho người tàn tật và lát gạch hè phố.
Tuy nhiên, việc mở rộng, nâng cấp cầu Vỹ Dạ đang triển khai một cách ì ạch, “chậm như rùa”.
Có mặt tại cầu Vỹ Dạ từ sau Tết Nguyên đán đến nay, PV nhận thấy hầu như không có bóng dáng của công nhân thi công. Các trụ cầu đã được xây nhưng dở dang, sắt thép rỉ sét do thời tiết. Việc GPMB chưa thực hiện, dẫn đến các hạng mục khác vẫn “án binh bất động”.
Nhiều người dân đi qua cầu Vỹ Dạ ý kiến rằng, vào giờ cao điểm hay trời mưa thì đoạn đường qua cầu hay xảy ra kẹt xe cục bộ, giao thông đi lại khó khăn, vì thế việc mở rộng cầu là cần thiết.
“Tôi thấy họ xây nhiều trụ cầu rồi mà sao vẫn im ắng thế, hi vọng dự án này sớm triển khai cho xong chứ đoạn đường Bà Triệu đi qua cầu hay kẹt xe lắm...”, anh B. (sống tại TP. Huế) chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên- Huế thông tin, tính đến nay đơn vị thi công đã thi công 28/48 cọc khoan nhồi, phần còn lại gồm trụ T1 nhánh trái, 4 mố cầu không thể thi công do vướng mặt bằng, đã đổ bê tông 7/8 trụ cầu và đang đúc 10/40 dầm L=33 m. Hiện tại, 1 trụ cầu, 4 mố cầu và đường hai đầu cầu chưa GPMB, do vậy đơn vị thi công hiện chỉ triển khai đúc dầm cầu tại bãi đúc dầm.
Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngày 27/9/2022, đơn vị thi công đã thi công hoàn thành các trụ cầu Vỹ Dạ (phần dưới nước), đến nay đơn vị thi công vẫn chưa được bàn giao mặt bằng để thực hiện các công việc tiếp theo. Nguyên nhân của việc chậm tiến độ GPMB hiện nay là do trong quá trình GPMB cầu Vỹ Dạ hơn 25 năm trước tồn tại việc chồng lấn đất phần mái taluy đường hai đầu cầu dẫn đến các cơ quan chức năng cần xác định rõ ranh giới đã được thu hồi làm cơ sở cho việc đền bù GPMB và đối thoại với người dân khi nâng cấp, mở rộng cầu Vỹ Dạ. Ngoài ra, trong năm 2022, việc giá nhiên liệu, vật liệu tăng đột biến, các nhà cung cấp vật liệu trong tỉnh chỉ cung cấp vật liệu sau khi thanh toán trước kinh phí và việc khan hiếm nguồn vật liệu tài nguyên như cát, đá các loại, đất đắp đã làm ảnh hưởng đến việc cung cấp vật tư để thi công công trình.
“Tính đến cuối năm 2022, gói thầu thực hiện đạt 30.967 triệu đồng, chiếm 29,9% giá trị xây lắp. Thời gian tới, Sở sẽ tổ chức các buổi họp Ban chỉ đạo dự án để giải quyết các vướng mắc kịp thời; đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung công tác GPMB, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai. Đồng thời, đề nghị nhà thầu khẩn trương huy động bổ sung đầy đủ nhân lực, vật tư, thiết bị để thi công bù vào khối lượng đã trễ. Tăng cường cán bộ kỹ thuật kiểm tra chất lượng nội bộ vật tư, vật liệu, nghiệm thu công việc, kiểm tra, kiểm soát khối lượng các đợt nghiệm thu thanh toán...”, ông Sơn nói.
Trao đổi với Báo TN&MT, ông Bùi Ngọc Chánh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất TP. Huế cho hay, phạm vi mở rộng, nâng cấp cầu Vỹ Dạ thuộc 3 phường gồm Phú Hội (3 trường hợp thu hồi đất), Xuân Phú (12 trường hợp thu hồi đất) và Vỹ Dạ (34 trường hợp thu hồi đất, 2 tổ chức).
“Trung tâm đã có giấy mời gửi các hộ dân liên quan đến việc đối thoại, giải đáp các thắc mắc, kiến nghị đối với phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tham dự buổi làm việc vào ngày 27/2 tới. Sau khi UBND tỉnh ban hành đơn giá bồi thường, hỗ trợ về cây trồng, Trung tâm sẽ trình phòng TN&MT thẩm định, tham mưu UBND TP. Huế ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân trong phạm vi GPMB”, ông Chánh nói.
Dự án “Chương trình Phát triển các đô thị loại II” triển khai trên địa bàn 3 tỉnh Hà Giang, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên Huế, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục tại Quyết định số 392/QĐ- TTg ngày 10/3/2016.
Tại Thừa Thiên Huế, dự án có tổng mức đầu tư 1.617,196 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài là 1.353,387 tỷ đồng, vốn đối ứng của tỉnh là 263,809 tỷ đồng. Dự án đang triển khai 54 tiểu dự án trên địa bàn 19 phường thuộc TP. Huế, ảnh hưởng 2.972 hộ gia đình/tổ chức, trong đó 2.140 hộ ảnh hưởng về đất và 832 hộ ảnh hưởng về tài sản.
Dự án có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược trong việc giải quyết tình trạng ngập lụt, vệ sinh môi trường ảnh hưởng tới đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 15 công trình. Tuy nhiên nhiều gói thầu vẫn đang thi công nhỏ giọt, chậm tiến độ.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.