Bạn đọc - Pháp luật

TP. Huế: Nhiều bất cập tại một dự án chống ngập lụt

Bài, ảnh: Văn Dinh 13/07/2023 - 06:18

(TN&MT) - Triển khai dự án chậm, bụi bặm gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông, dân lo lắng sau khi thi công xong công trình sẽ vẫn gây ngập nhà cửa, hoa màu…; đó là những gì đã và đang diễn ra tại dự án xử lý điểm thường xuyên ngập lụt đoạn đi qua trước lăng Thiệu Trị (xã Thủy Bằng, TP. Huế).

Thời gian gần đây, Báo TN&MT liên tục nhận được phản ánh của người dân sống ở thôn Cư Chánh 2 (xã Thủy Bằng, TP. Huế) về việc, dự án xử lý ngập lụt đoạn đi qua địa bàn phát sinh nhiều bất cập.

1(3).jpg
Dự án xử lý ngập lụt đoạn đi qua thôn Cư Chánh 2 (xã Thủy Bằng) đang triển khai

Qua tìm hiểu của PV, đây là dự án do Cục Quản lý đường bộ II làm chủ đầu tư nhằm hạn chế tình trạng ngập lụt tại khu vực thấp trũng thôn Cư Chánh, đoạn Quốc lộ 49 đi qua. Theo kế hoạch thì công trình này được triển khai và đưa vào sử dụng vào gần cuối năm 2022. Tuy nhiên đến năm 2023, dự án mới được triển khai thực hiện. Đơn vị thi công là Công ty CP quản lý và xây dựng đường bộ Thừa Thiên – Huế.

Có mặt tại dự án, PV nhận thấy đoạn đường thi công được nâng lên cao, dài khoảng 1 km, vào thời điểm ban ngày thì lượng xe cộ qua lại rất đông khiến nơi đây “ngập chìm” trong bụi, dù PV đứng cách xa khu vực triển khai hàng trăm mét nhưng bụi vẫn rất nhiều. Bụi bám vào từng nhà dân, cây cối hai bên đường “đổi màu”, rất nhiều nhà phải che màn che bạt, đóng cửa.

2(1).jpg
Dự án gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân

Việc ô nhiễm từ bụi khiến nhiều hộ kinh doanh, buôn bán gần dự án “đứng ngồi không yên”. Chị Võ Thị Thu Thủy (47 tuổi, thôn Cư Chánh 2) than thở rằng, từ ngày làm đường đến nay đã nhiều tháng, xe to qua đoạn nay nhiều, bụi mù mịt quá trời quá sức khiến việc buôn bán quán nhậu của gia đình rất ế ẩm.

“Trời nắng bụi bay vào trong nhà, trời mưa thì đi lại nguy hiểm, phải đi đường vòng. Chịu không nổi, phải sống chung chứ không biết mần răng. Hi vọng đường sớm làm xong để công việc trở lại như cũ…”, chị Thủy nói.

Nhiều hộ dân còn cho hay, trước đây bán đồ ăn uống cả ngày, nhưng do bụi xuất hiện từ sáng sớm nên họ chỉ bán được từ khoảng 4 - 6h sáng, sau đó chấp nhận “sống chung” với ô nhiễm.

3(1).jpg
Người dân phải che bạt, đóng cửa

Nhà ở sát bên dự án, cứ mỗi chiều, ông Trần Quang Tạo (70 tuổi) lại phải cầm vòi nước, xịt rửa bụi trước mặt đường đối diện nhà cũng như xịt cây cối trong vườn.

“Từ khi đoạn đường này thi công đã khiến đời sống người dân đảo lộn, bởi bụi rất nhiều, ô nhiễm. Tôi phụ trách an ninh ở xã Thủy Bằng, dù dã nói đơn vị thi công phải tưới nước thường xuyên nhưng họ chỉ tưới một đoạn đường đang làm, dù nhà tôi cạnh bên đường có vài mét lại không tưới…”, ông Tạo chia sẻ.

4(1).jpg
Ông Tạo phải tưới nước mỗi chiều do bụi

Không chỉ phải sống trong cảnh ô nhiễm môi trường, người dân sống xung quanh dự án còn lo ngại về việc, công trình được thi công cao hơn so với mặt đường cũ và nền nhà người dân trên 1 mét nên khiến hoa màu, ruộng lúa, nhà cửa có nguy cơ vẫn sẽ ngập lụt trong thời gian tới.

“Dù tôi thấy có mấy cái cống đang được làm nhưng vẫn ít, liệu có chắc là mùa mưa lũ sắp tới, cây cối, vườn tược và nhà dân sẽ không ngập hay không, hay là ngập nặng hơn…”, một người dân lo lắng.

Lãnh đạo UBND xã Thủy Bằng cho biết, những ý kiến của người dân như trên là thực tế, xã đã và đang phối hợp với đơn vị thi công khắc phục và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ.

5(1).jpg
Người dân cũng lo lắng việc dự án sẽ tiếp tục gây ngập lụt

Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Dương Quang Hạnh, Giám đốc Công ty CP quản lý và xây dựng đường bộ Thừa Thiên – Huế thông tin, dự án có chiều dài 1 km, mở rộng ra gần 10 mét, đi qua Km20+400 - Km21+100, Quốc lộ 49, kinh phí thi công trên 8 tỷ đồng, nâng cao đoạn đường lên gần 2 mét.

“Dự án chậm thi công đến 1 năm, do cấp trên thiếu vốn đền bù cho người dân, dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng. Việc đền bù cho dân cũng có một số bất cập. Về vấn đề ngập lụt thì bà con yên tâm, bởi chúng tôi đã làm các cống rộng. Ở hạ lưu thì địa phương đã mở con đê trên 10 mét giúp nước thoát ra sông Hương, tránh nguy cơ ngập lụt, nước không có cơ hội để đọng lại... Mong bà con thông cảm cho việc ô nhiễm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tưới nước, hạn chế bụi và nỗ lực sớm hoàn thành con đường này trước mùa mưa lũ năm nay”, ông Hạnh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Huế: Nhiều bất cập tại một dự án chống ngập lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO