(TN&MT) - Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) vốn dĩ đã cực kỳ chậm tiến độ khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân cũng như môi trường thay đổi theo hướng tiêu cực, thì nay lại tiếp tục chậm hơn vì tiếp tục được gia hạn...
Theo tìm hiểu của PV, Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế được xem là dự án trọng điểm, nhằm cải tạo nguồn nước trên địa bàn thành phố Huế khỏi nguy cơ bị đe dọa ô nhiễm, tránh ngập úng cục bộ, tăng chất lượng nước của sông Hương...
Dự án do Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế làm chủ đầu tư; được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ với lãi suất chỉ 0,5%. Kinh phí là 24 tỷ yên, trong đó 20,8 tỷ yên là của Chính phủ Nhật Bản, phần còn lại Trung ương cam kết thông qua Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính chi trả.
Theo tiến độ cam kết Hiệp định vay giữa Chính phủ Việt Nam với Nhật Bản, dự án được thực hiện trong vòng 10 năm, từ 2008 - 2018. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc 10 năm hiệp định của dự án vay (28/7 này). Như vậy dự án sẽ không kịp tiến độ đã được đề ra.
Gia hạn đến năm 2020
Trao đổi trực tiếp với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh - Giám đốc Ban quản lý (BQL) Dự án cho biết, trước tình cảnh không kịp tiến độ, BQL đã cùng với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp gửi đơn kiến nghị về việc gia hạn thời gian hoàn thành của dự án này đến ngày 31/12/2020 lên Văn phòng Chính phủ và Thủ tướng chính phủ đã đồng ý. Tiếp đó, các bộ ngành Trung ương sẽ làm những thủ tục theo quy định.
Ông Tuấn Anh thông tin, hiện dự án đang ở giai đoạn cuối, trong đó 3 gói thầu đường ống đạt tiến độ khoảng 75%- 85%. Riêng gói xây dựng Nhà máy xử lý nước thải, các trạm bơm, cơ bản hoàn thành phần xây dựng và nhà thầu đang tiến hành lắp đặt các thiết bị điện và cơ khí để vận hành thử.
Theo đánh giá của BQL dự án, trong quá trình thực hiện, một số nhà thầu hạn chế về năng lực, ít chú trọng đến dự án. Khó khăn lớn nhất là hầu hết các nhà thầu chính bị phân tán nguồn lực tài chính; không còn nguồn tài chính dồi dào như cam kết với chủ đầu tư ban đầu, kéo theo vấn đề chậm thi công kéo dài, tình hình nợ đọng, chậm thanh toán cho các nhà thầu phụ, cho các đơn vị vật tư thường xuyên diễn ra. Đây là lý do mà mặc dù BQL dự án đã có các giải pháp quyết liệt đôn đốc nhưng vẫn diễn ra tình trạng chậm hoàn trả mặt đường.
“Việc khó hiện nay nữa là các hạng mục còn lại thi công cực khó, chôn rất sâu. Tuy nhiên không phải việc gia hạn là chỉ dành cho công tác xây lắp bởi dự kiến đến quý I/2019 sẽ hoàn thành việc xây lắp. Việc gia hạn chủ yếu là tăng thêm thời gian cho việc nghiệm thu, bảo dưỡng vận hành, thanh quyết toán. Chính phủ cho gia hạn thêm 2 năm cũng là cơ hội để các đơn vị kiểm điểm lại, rút kinh nghiệm; đưa ra một lộ trình, phương án thực hiện dự án cụ thể và hiệu quả hơn”- ông Tuấn Anh cho biết thêm.
Cũng theo ông Tuấn Anh, thời gian tới BQL dự án sẽ tăng cường giám sát để yêu cầu nhà thầu điều chỉnh chi tiết tiến độ thi công và có cam kết hoàn thành; phối hợp với các phường để nâng cao tỷ lệ đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước chung nhằm nâng cao hiệu quả thu gom và xử lý nước thải.
Làm nhiều cách vẫn chậm tiến độ
Đánh giá về quá trình thực hiện dự án, tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII vừa diễn ra giữa tháng 7; Đoàn Giám sát HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết mặc dù trung bình mỗi tháng Ban Quản lý dự án phát hành gần 100 văn bản điều hành nhưng vẫn chậm tiến độ.
Cụ thể, quá trình thi công tại nhiều tuyến đường, nhà thầu chưa chấp hành nghiêm quy định về rào chắn bảo vệ, biển báo; công tác hoàn trả mặt đường chậm; chất lượng mặt đường sau hoàn trả tại một số tuyến đường chính, đường kiệt chưa đảm bảo... gây ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của người dân trong thời gian dài.
Trên một số tuyến thoát nước, có những nắp hố ga, họng thu cao hơn hoặc thấp hơn so với mặt đường đã ảnh hưởng đến khả năng thu nước cũng như gây mất an toàn giao thông. Việc phối hợp giữa nhà thầu với chính quyền địa phương, tổ dân phố nơi thực hiện dự án chưa tốt nên việc xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các hạng mục không kịp thời.
Ngoài những nguyên nhân khách quan như: thời tiết diễn biến phức tạp, thời gian mưa kéo dài nhiều tháng, điều kiện thi công ở Huế có nhiều bất lợi, đoàn giám sát của HĐND tỉnh cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ quan. Trong đó, năng lực các nhà thầu chính chưa đáp ứng yêu cầu là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ dự án. Hầu hết các nhà thầu hạn chế về tiền mặt, nhân lực, phương tiện thi công không đảm bảo; thiếu kinh nghiệm thi công trong điều kiện, địa hình, địa chất, thời tiết khắc nghiệt ở Huế...
Cũng tại một cuộc họp liên quan đến Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế ít ngày trước, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu BQL dự án, các sở, ngành liên quan và UBND TP. Huế thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của đoàn giám sát HĐND tỉnh; khẩn trương hoàn thành các thủ tục gia hạn nguồn vốn vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời điều chỉnh tiến độ một số dự án thành phần nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng để không vượt thời gian gia hạn và cần phải đặc biệt quan tâm vấn đề hoàn trả mặt bằng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ giao Ban quản lý khu vực phát triển đô thị tỉnh thực hiện dự án bổ sung đấu nối hệ thống nước thải tại Khu đô thị An Vân Dương vào hệ thống thu gom nước thải của Dự án Cải thiện mội trường nước TP. Huế.
Trước đó, Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường từng thông tin rất nhiều lần, việc thi công Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế chậm chạp, không an toàn, nước thải gây ô nhiễm, gây nứt nhà dân, ngỗn ngang... đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.
Hiện các tuyến đường phía Nam TP. Huế vẫn đang được các đơn vị thi công tiến hành đào bới, san lấp, lắp đặt ống cống. Nhưng, nhiều điểm thi công làm bụi bay mù mịt, thiếu biển cảnh báo nguy hiểm hoặc cảnh báo sơ sài, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người đi đường...