Môi trường

TP. Hồ Chí Minh: Hoàn thiện Đồ án quy hoạch chất thải rắn

Nguyễn Thanh 18/07/2023 - 10:00

(TN&MT) - Sở TN&MT TP.HCM vừa có Tờ trình báo cáo gửi UBND TP.HCM sơ kết kết quả thực hiện giữa nhiệm kỳ Đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn (CTR) trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Sở TN&MT TP.HCM, trong giai đoạn 2020 - 2023, Đồ án quy hoạch xử lý CTR TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được hoàn thành, Bộ Xây dựng đã tổ chức thẩm định (tháng 9/2022); kết luận hồ sơ Đồ án quy hoạch đã được UBND TP.HCM chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng nghiêm túc, có cơ sở; đã được lấy ý kiến các bộ, ngành và ý kiến đã được UBND thành phố tiếp thu, giải trình. Đồ án đã đáp ứng quy định về hồ sơ nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch khu chức năng đặc thù và đáp ứng Nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1485 ngày 06/11/2018.

giam-ty-le-chon-lap-rac.jpg
Theo Đồ án quy hoạch CTR, TP.HCM sẽ giảm tỷ lệ xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp còn dưới 20%

Tuy nhiên, để hoàn chỉnh Đồ án quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chủ tịch Hội đồng thẩm định có đề nghị tiếp thu, rà soát, bổ sung, làm rõ một số nội dung. Thời gian qua, Sở TN&MT TP.HCM đã phối hợp với đơn vị tư vấn giải trình các nội dung được đề nghị để trình UBND TP.HCM gửi Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Được biết, Đồ án Quy hoạch xử lý CTR TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra giải pháp giảm thiểu CTR phát sinh tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế; đề xuất mạng lưới trạm trung chuyển đảm bảo phục vụ địa bàn mang tính liên quận, huyện với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý CTR của TP.HCM theo từng giai đoạn; đề xuất các công nghệ tiên tiến xử lý CTR, hạn chế chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất, kinh phí xây dựng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, quy hoạch còn nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý CTR của thành phố hiện nay; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp CTR, cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững đô thị.

Theo nội dung Đồ án quy hoạch, đến năm 2025, các loại CTR sinh hoạt, y tế, công nghiệp, xây dựng và bùn thải trên địa bàn TP.HCM sẽ được tổ chức thu gom riêng, có phân loại tại nguồn đối với các loại chất thải có khả năng phân loại. Về vận chuyển và trung chuyển CTR, tiến hành giảm thiểu số lượng điểm tập kết bằng cách tăng cường phương án thu gom dọc tuyến, đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trong bán kính đi bộ của các hộ dân, từng bước đơn giản hóa quy trình thu gom, bắt buộc áp dụng đối với các dự án nhà ở xây dựng mới và có lộ trình để thực hiện trong các khu dân cư hiện hữu. Bố trí trạm trung chuyển CTR sinh hoạt trên địa bàn theo 2 cấp (quận, huyện và khu vực). Tổng số trạm trung chuyển cấp khu vực giai đoạn đến năm 2025 là 13 trạm, giai đoạn đến năm 2050 là 15 trạm.

Ước tính, mỗi ngày TP.HCM phát sinh 9.000 - 9.500 tấn CTR sinh hoạt (tỷ lệ gia tăng khoảng 5 - 6% /năm), 1.500 tấn CTR xây dựng. Lượng chất thải nguy hại phát sinh cũng có xu hướng gia tăng, ước tính hiện nay khoảng 150.000 tấn/năm (trung bình 350 - 400 tấn/ngày) trong đó, chất thải nguy hại y tế khoảng 6.300 tấn/năm (trung bình 17 tấn/ngày).

Về tái chế và xử lý CTR, theo Đồ án quy hoạch, đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, lượng CTR sinh hoạt được tái chế hoặc áp dụng các biện pháp xử lý (chế biến phân compost, đốt thu hồi năng lượng) đạt tỷ lệ 80 - 90%, lượng CTR chôn lấp trực tiếp không qua khâu xử lý khác là 20 - 10%; lượng CTR xây dựng được tái chế có thể đạt được 90% khối lượng thu gom (năm 2025) và 95% khối lượng thu gom vào năm 2050…

Theo Sở TN&MT TP.HCM, trong thời gian chờ phê duyệt Đồ án quy hoạch, UBND TP.HCM đã ban hành, chỉ đạo triển khai các chương trình, chính sách, kế hoạch thực hiện như: phân loại tại nguồn; thu gom, vận chuyển và xử lý CTR; tổ chức, sắp xếp lực lượng thu gom rác dân lập và chuyển đổi phương tiện thu gom tại nguồn; công tác đầu tư trạm trung chuyển; công tác xây dựng định mức kỹ thuật... Trong đó, UBND Thành phố đã ban hành các nhiệm vụ, giải pháp, chương trình thực hiện quản lý CTR trong Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2030 và Kế hoạch hàng năm để thực hiện Chương trình này.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT TP.HCM, Đồ án quy hoạch xử lý CTR TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của TP.HCM. Do tính chất quan trọng của Đồ án và có liên quan đến địa phương khác trong công tác phối hợp xử lý CTR nên quá trình giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định của Chủ tịch Hội đồng thẩm định còn chậm. Dự kiến, trong Quý 3/2023, Đồ án quy hoạch CTR TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức công bố và triển khai Đồ án Quy hoạch trong quý 4/2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Hoàn thiện Đồ án quy hoạch chất thải rắn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO