Lực lượng đoàn viên thanh niên đang xử lý một "điểm đen" ô nhiễm do người dân vứt rác bừa bãi |
Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu UBND quận, huyện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất từ cấp quận, huyện đến phường, xã trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Quy định trách nhiệm cụ thể đối với phường, xã, thị trấn, khu phố trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng tại địa phương làm cơ sở đánh giá, chấm điểm thi đua; khen thưởng, biểu dương và nhân rộng các điển hình cá nhân, tập thể. Chủ tịch UBND phường, xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận, huyện; Chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP nếu để phát sinh ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý.
UBND Thành phố yêu cầu các địa phương cần triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý nhanh thông tin phản ánh của người dân qua tin nhắn, hình ảnh, thư điện tử và điện thoại liên quan đến tình trạng vi phạm vệ sinh nơi công cộng trên địa bàn. Bố trí lực lượng chức năng của quận, huyện triển khai thực hiện các biện pháp khả thi để ngăn chặn các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhân dân.
Đồng thời, rà soát, xác định các vị trí, khu vực thường xuyên hoặc có nguy cơ vi phạm (như các tuyến đường chính, chợ, trường học, bệnh viện, dạ cầu, hành lang cầu, khu đất trống, các công trình xây dựng chưa thi công…), để lắp đặt bổ sung camera, thiết bị ghi hình. Ngoài hệ thống camera giám sát sẵn có do cơ quan địa phương quản lý, cần thiết tận dụng thêm nguồn camera từ các hộ gia đình trong khu vực nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm.
Đối với những hình ảnh vi phạm chưa đủ cơ sở xử phạt theo quy định tại Nghị định 165/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, các đơn vị cần tiến hành nhắc nhở đối tượng vi phạm bằng các hình thức như nhắc nhở trực tiếp, nhắc nhở thông qua tổ dân phố, khu phố… Trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần, chỉ đạo người có thẩm quyền xử phạt phối hợp với lực lượng công an sử dụng các chứng cứ đã thu thập và các biện pháp nghiệp vụ để chứng minh cho đối tượng hiểu, đồng ý với hành vi vi phạm, làm căn cứ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
UBND TP.HCM cũng yêu cầu Công an Thành phố chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường phối hợp với Công an các quận, huyện hướng dẫn, hỗ trợ Công an xã, phường, thị trấn lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về vệ sinh công cộng để xác minh nhân thân lai lịch, hành vi của đối tượng vi phạm thông qua hình ảnh trích xuất từ camera để tham mưu, đề xuất UBND các cấp xử phạt theo thẩm quyền.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn TP.HCM đã tiếp nhận và giải quyết 7.930/7.976 ý kiến phản ánh của người dân (đạt tỷ lệ 99,4%).
Đã nhắc nhở 3.377 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường đối với 3.266 trường hợp vi phạm, số tiền xử phạt trong khoảng 4,97 tỷ đồng.
Vận động xã hội hóa việc lắp đặt, bổ sung các camera an ninh với số lượng lắp đặt thêm trong quý II là 5.742 cái kết hợp theo dõi giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường; nâng tổng số camera đã lắp đặt bổ sung đến nay là 31.004 camera. Trang bị thêm 3.627 thùng rác công cộng trên các tuyến đường và tuyến hẻm trên địa bàn phục vụ nhu cầu thải bỏ rác sinh hoạt của người dân thành phố.