TP.HCM: Vì sao UBND quận 7 không cấp sổ đỏ cho ông Trần Văn Công?

08/08/2017 00:00

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn của ông Trần Văn Công kêu cứu về việc tranh chấp thửa đất có diện tích gần 8.000m2, địa chỉ tại số 288/6 Lê...

 

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn của ông Trần Văn Công kêu cứu về việc tranh chấp thửa đất có diện tích gần 8.000m2, địa chỉ tại số 288/6 Lê Văn Lương, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM.

Để bảo đảm thông tin khách quan, trung thực, đa chiều, Báo Tài nguyên và Môi trường đã cử PV đến làm việc với các tổ chức liên quan để tìm hiểu vụ việc này.

Hiện trạng khu đất của ông Trần Văn Công.
Hiện trạng khu đất của ông Trần Văn Công.

Theo hồ sơ Báo Tài nguyên và Môi trường thu thâp được: Thửa đất nêu trên là do ông Đinh Văn Hoành khai hoang trước năm 1975, diện tích khoảng 10.000m2. Đến năm 1976, ông Đinh Văn Hoành và vợ là bà Hồ Thị Màng sang nhượng lại cho ông Trương Ngọc Thạch với giá 1.500.000 đồng. Ông Thạch đứng tên xin khai ruộng, cất nhà ở và có đăng ký nhân hộ khẩu thường trú tại địa chỉ 288/6 Hương lộ 34, xã Tân Quy Đông, huyện Nhà Bè, TP.HCM (nay là số 288/6 Lê Văn Lương, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM).

Đến năm 1978, ông Trương Ngọc Thạch sang nhượng lại cho ông Trần Văn Công, sinh năm 1942, ngụ tại Cần Giuộc, Long An. Nguồn gốc đất và quá trình  sang nhượng đất nêu trên đều có giấy tờ hợp pháp, minh bạch.

Sau khi mua đất của ông Thạch, ông Trần Văn Công đã canh tác sản xuất nông nghiệp, cất nhà ở sinh sống ổn định, liên tục suốt từ năm 1978 cho đến nay là 39 năm. Ông Công cũng đã đóng đầy đủ thuế sử dụng đất diện tích 10.000m2 tại thửa đất nêu trên cho Nhà nước hàng năm.

Cũng từ năm 1978, ông Trần Văn Công đã bỏ tiền của cá nhân mình xây dựng Tịnh xá Ngọc Quy để tự tu hành.

Ngày 23/8/1999, với tư cách là chủ quản lý sử dụng đất, ông Trần Văn Công đã thực hiện kê khai Đăng ký nhà – đất với chính quyền phường Tân Phong và được UBND phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM xác nhận đăng ký nhà đất ngày 25/2/2000. Tờ Đăng ký nhà – đất này của ông Công hiện còn được lưu trữ tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7.

Năm 2002 - 2003, Nhà nước có chủ trương thu hồi mặt bằng để xây dựng cầu Kênh Tẻ, trong đó có thu hồi một phần đất (khoảng 2.000m2) thuộc Thửa đất (gần 10.000m2) của ông Trần Văn Công.

Trong Biên bản xác minh nguồn gốc nhà đất xây dựng giải toả, UBND phường Tân Phong và UBND quận 7 đều xác nhận: Chủ tài sản sử dụng đất là ông Trần Văn Công. Trị giá đền bù giải toả 2.000m2 đất của ông Công được Nhà nước chi trả là 932.000.000 đồng.

Tuy nhiên, ngày 7/1/2003, Thành Hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM đã có văn bản gửi UBND quận 7 cho rằng: “Tịnh xá Ngọc Quy được xây dựng từ năm 1978 và đã gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam…”; “Xét thấy Đại đức Thích Giác Thế (tức ông Trần Văn Công – PV) không có hộ khẩu thường trú và không phải là trụ trì Tịnh xá Ngọc Quy, do đó chưa hội đủ yếu tố để nhận tiền đền bù…”. Vì vậy, Thành Hội Phật giáo TP.HCM đề nghị chính quyền quận 7 trả 932.000.000 đồng (tiền đền bù đất của ông Trần Văn Công) cho Hoà thượng Thích Viên Giác – Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo quận 7.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Văn Công cho biết đã nhiều lần đòi số tiền đền bù nêu trên của mình nhưng đến thời điểm này ông Công mới chỉ được trả lại có 30.000.000 đồng!.  

Hiện trạng khu đất của ông Trần Văn Công
Hiện trạng khu đất của ông Trần Văn Công

Ông Công cho biết thêm: “Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã mời tôi và các bên liên quan để họp giải quyết vụ việc. Về phía Giáo hội luôn đưa ra lý lẽ Tịnh xá Ngọc Quy của tôi thuộc danh sách quản lý của Giáo hội, nhưng lại không hề đưa ra được bất cứ một văn bản pháp lý nào để chứng minh thửa đất (nay còn lại gần 8.000m2) của tôi là đất của Giáo hội, cũng như không chịu xem xét hồ sơ, tài liệu nguồn gốc thửa đất này của cá nhân tôi”.

Ông Công khẳng định: “Từ lúc mua đất bằng tiền của cá nhân và của gia đình tôi suốt từ năm 1978 cho đến nay, phía Giáo hội chưa đầu tư, chi trả bất cứ một đồng tiền nào vào thửa đất này cũng như việc xây dựng Tịnh xá Ngọc Quy. Tôi cũng chưa bao giờ lập bất cứ một văn bản, giấy tờ pháp lý nào để giao, tặng hay hiến thửa đất này cho Giáo hội. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ làm các thủ tục để gia nhập Giáo hội quận 7 và Giáo hội TP.HCM. Giáo hội quận 7 và Giáo hội TP.HCM cũng chưa bao giờ có bất cứ một quyết định nào công nhận tôi là người của Giáo hội. Vậy căn cứ vào cơ sở pháp luật nào để khẳng định thửa đất của tôi là đất của Giáo hội?”.

Năm 2015 ông Trần Văn Công đã làm hồ sơ thủ tục để xin UBND quận 7 cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 8.000m2 đất của mình. Tuy nhiên, tại Văn bản số 176/TB-UBND ngày 15/7/2015, UBND quận 7 đã từ chối cấp sổ đỏ cho ông Công, với lý do: “UBND phường Tân Phong đã xác nhận hồ sơ khu đất Tịnh xá Ngọc Quy cho Giáo hội phật giáo Việt Nam quận 7 lập thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận”. Nhưng được biết cho đến thời điểm này, đã hơn 2 năm trôi qua, thửa đất 8.000m2 của ông Công vẫn chưa được UBND TP.HCM cấp sổ đỏ cho Giáo hội.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc sau khi làm việc với các cơ quan chức năng liên quan như: UBND phường Tân Phong, UBND quận 7, Ban Trị sự Giáo hội phật giáo quận 7, Thành Hội phật giáo TP.HCM…

Bài & ảnh: Việt Đức - Thục Vy

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Vì sao UBND quận 7 không cấp sổ đỏ cho ông Trần Văn Công?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO