TP.HCM triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu
(TN&MT) - Triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Nghị quyết 24-NQ/TW), TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, TP.HCM đã trở thành địa phương đi đầu cả nước trong công tác ứng phó BĐKH.
Mới đây, phát biểu ý kiến tại Hội thảo tham vấn khu vực miền Nam về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM khẳng định: Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, TP.HCM đã tạo được sự gắn kết của cấp ủy Đảng, chính quyền các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến quận, huyện và các tầng lớp nhân dân.
Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Mỹ, TP.HCM đã xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH từng giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030; giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến 2050. Đồng thời, thành phố đã xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn.
TP.HCM đã nghiên cứu, đánh giá tác động kinh tế - xã hội của BĐKH, bảo vệ môi trường. Kết quả, đã nhận diện rõ được những tác động của BĐKH đến các lĩnh vực, trên cơ sở đó đã đưa ra các giải pháp thích ứng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong một số lĩnh vực hướng tới xã hội các-bon thấp. Nhiều nhóm giải pháp công nghệ đã được áp dụng và triển khai về tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với quản lý nguồn nước, cấp thoát nước, chống ngập, kiểm soát xâm nhập mặn, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường trong điều kiện BĐKH.
Đặc biệt, TP.HCM đã tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai: phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam Bộ phát bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thủy văn, thiên tai riêng cho khu vực TP.HCM; xây dựng ứng dụng (app) phòng, chống thiên tai cho thành phố trên thiết bị điện thoại thông minh, từ đó phát huy hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ người dân và chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã xây dựng các phương án phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai có nguy cơ xảy ra trên địa bàn. Đồng thời, TP.HCM phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các tỉnh, thành trong việc điều tiết tích nước và xả nước hợp lý, phòng tránh xảy ra tổ hợp bất lợi triều cường, mưa lớn kết hợp xả lũ. Đến nay, chưa xảy ra sự cố thiệt hại do việc xả lũ của 2 hồ Dầu Tiếng và Trị An.
Ngoài ra, TP.HCM còn đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng. Theo đó, TP.HCM đã triển khai Chương trình giảm ngập nước với nhiều giải pháp đồng bộ như: tăng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước, giảm ngập do mưa, vận hành các cống kiểm soát triều. Công tác chống ngập đã hạn chế tình trạng ngập nước, góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân thành phố; đảm bảo lưu thông cho các phương tiện tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng đã ban hành các kế hoạch, phương án về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn thành phố để phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô hàng năm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn.
Nhiều chương trình giảm phát thải khí nhà kính
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Thành phố đã hoàn thành công tác kiểm kê khí nhà kính các năm 2018 và 2022. Thông qua các nguồn lực quốc tế để đào tạo, tiếp tục thực hiện kiểm kê khí nhà kính trong các năm tiếp theo, để trở thành một trong những thành phố dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực kiểm kê khí nhà kính. Ngoài ra, TP.HCM cũng đang tiến hành kiểm kê phát thải khí nhà kính đối với 140 doanh nghiệp thuộc 4 lĩnh vực công thương, năng lượng, xây dựng và môi trường.
Đồng thời, TP.HCM cũng đã thực hiện nhiều hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Cụ thể, Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2014 - 2020, Chương trình năng lượng xanh, Chương trình tiết kiệm điện; thúc đẩy hợp tác các vấn đề hướng đến phát thải các-bon thấp với thành phố Osaka Nhật Bản.
Theo Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, TP.HCM đặt mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030, có thể giảm phát thải 30% nếu có sự hỗ trợ của quốc tế và tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, phát triển bền vững.
Đặc biệt, TP.HCM đã triển khai nhiều kế hoạch giảm nhẹ khí nhà kính từ hoạt động giao thông. Điển hình như chiến lược phát triển giao thông xanh với các loại hình phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, xây dựng các ứng dụng xe buýt tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tìm tuyến, giờ xe đến. Dịch vụ thí điểm xe đạp công cộng trên địa bàn quận 1 chính thức hoạt động từ tháng 12/2021 đến nay đã nhận được sự quan tâm tích cực của người dân.
Ngoài ra, TP.HCM chú trọng tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính của các hệ sinh thái, phát triển rừng và cây xanh, như: đẩy mạnh công tác phòng chống cháy rừng, trồng rừng, tỷ lệ che phủ rừng, cây xanh phân tán quy đổi trên tổng diện tích đất tự nhiên của thành phố là 40,3%; đồng thời, tập trung quản lý, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên hiện có trên địa bàn; ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ cảnh quan, sinh thái, di sản thiên nhiên, bảo vệ các loài động vật hoang dã, các giống cây trồng, cây dược liệu, vật nuôi có giá trị, loài quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng...