TP.HCM tổ chức phản biện xã hội về điều chỉnh bảng giá đất
Chiều 12/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo quyết định điều chỉnh Quyết định 02/2020 của UBND TP. HCM về bảng giá đất trên địa bàn thành phố.
Phát biểu đề dẫn hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. HCM cho biết: Bảng giá đất theo Quyết định 02/2020 của UBND TP.HCM qua thời gian triển khai thực hiện đến nay đã phát sinh nhiều bất cập, hạn chế không còn phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn đặt ra trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, bảng giá đất hiện hành cũ tiệm cận giá đất thị trường, phạm vi áp dụng hẹp, chỉ sử dụng cho 08 trường hợp để thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, chu kỳ xây dựng bảng giá đất kéo dài (05 năm), khó cập nhật biến động thị trường, thiếu giá đất tái định cư để kịp thời giải ngân vốn đầu tư công cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn Thành phố…
Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, kỳ vọng bảng giá đất mới được áp dụng sẽ góp phần thúc đẩy công tác đền bù giải phóng mặt bằng nhiều dự án trên địa bàn thành phố như Vành đai 3, rạch Xuyên Tâm, kênh Đôi... Bởi, giá mới tiệm cận thị trường dễ nhận được sự đồng thuận của người dân vì các mức hỗ trợ, đền bù đều sẽ tăng lên. Từ đó, các dự án, công trình trọng điểm được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách sẽ đúng tiến độ, không bị ách tắc.
Ngoài ra, việc áp dụng bảng giá đất mới sẽ góp phần ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thành phố và đảm bảo cho thị trường ngày càng minh bạch hơn. Khắc phục những tồn tại của bảng giá đất hiện hành và đảm bảo công bằng khi thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với người dân.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, việc xây dựng, ban hành bảng giá đất mới cần được thực hiện vừa thận trọng, chặt chẽ, bài bản, khoa học vừa bảo đảm yêu cầu quan trọng nhất là sự thống nhất và đồng thuận trong hệ thống chính trị, được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.
"Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị phản biện xã hội nhằm phát huy dân chủ, tập hợp trí tuệ tập thể nhằm phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích nhân dân là rất cần thiết" - bà Nguyễn Thị Kim Thúy nói.
Tại Hội nghị, đa số các đại biểu đều thống nhất việc cần thiết phải điều chỉnh bảng giá đất hiện hành. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cần được thực hiện chặt chẽ, đặc biệt phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Theo Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư TP.HCM, bảng giá đất cũ có gần 500 tuyến đường chưa có giá đất, đặc biệt có những tuyến đường giá thực tế đã cao hơn rất nhiều so với bảng giá đất. Vì vậy việc điều chỉnh bảng giá đất là cần thiết và Sở TN&MT đã có nhiều nỗ lực trong việc sớm hoàn thiện dự thảo bảng giá đất điều chỉnh.
Tuy nhiên, theo bà Hòa, việc thực hiện bảng giá đất mới cần thực hiện từng bước, cần cho người dân có quá trình tiếp cận. Đặc biệt, cần điều tra sâu, rộng, việc khảo sát, lấy ý kiến của người dân tại địa phương là hết sức quan trọng, cần làm từng quận, huyện, phường xã.
Cũng tại Hội nghị, Luật sư Nguyễn Văn Hậu và một số đại biểu khác cho rằng: Hiện nay, tại các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi còn rất nhiều hồ sơ tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất...Nếu áp dụng theo dự thảo bảng giá đất mới, giá đất tăng hàng chục lần sẽ gây khó khăn cho nhiều người dân.
Tương tự, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đặt vấn đề: hiện nay bên cạnh rất nhiều hồ sơ cần tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất thì thành phố vẫn còn 13.000 thửa đất chưa được cấp sổ. Vì vậy, ngoài áp lực cho người dân trong việc đóng tiền sử dụng đất cao còn ảnh hưởng đến công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của thành phố.
Bà Trịnh Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố kiến nghị, Thành phố có thể lùi thời gian áp dụng bảng giá đất điều chỉnh chỉnh từ đầu năm 2025, thay vì từ 1/8/2024. Trong thời gian đến cuối năm 2025, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông để nhận được sự ủng hộ của người dân.
Ngoài ra, tại hội nghị một số ý kiến cũng cho rằng, thành phố khoan điều chỉnh bảng giá đất mà vẫn sử dụng bảng giá đất hiện hành nhân với hệ số điều chỉnh giá đất khi tính tiền sử dụng đất. Việc áp dụng bảng giá đất mới sẽ được thực hiện từ 1/1/2026 theo Luật Đất đai 2024.
Trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, việc tham mưu cho UBND thành dự thảo bảng giá đất điều chỉnh là việc rất nặng nề, khó, phức tạp. Vì vậy, Sở TN&MT đã triển khai công tác này với tinh thần khẩn trương nhưng thận trọng nhất có thể.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, một trong những vấn đề đang nhận được nhiều sự quan tâm nhất chính là việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ ảnh hưởng đến việc đóng tiền chuyển mục đích sử dụng đất của các hộ dân. Tuy nhiên, theo quy định sẽ không lấy giá đất ở bảng giá đất điều chỉnh để tính tiền chuyển mục đích sử dụng đất mà căn cứ vào thời gian sử dụng đất để tính tiền, nhưng tối đa cũng chỉ từ 10 -40% của bảng giá đất.
Đặc biệt, ông Thắng chỉ rõ theo quy định, các trường hợp sử dụng đất ổn định trước ngày 15/ 10/ 1993 thì không phải nộp tiền sử dụng đất. Ngoài ra, các trường hợp khó khăn, gia đình chính sách cũng sẽ được miễn, giảm đóng tiền sử dụng đất.
Đối với các ý kiến khác, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu, tổng hợp, điều chỉnh và có ý kiến phản biện kịp thời để nhận được sự đồng thuận cao nhất trước khi chính thức ban hành và áp dụng bảng giá đất điều chỉnh.