TP.HCM thực hiện nhiều biện pháp quyết tâm khống chế dịch Covid-19 |
Theo đó, ngày 14/6, UBND TP đã quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ thêm 14 ngày kể từ 00 giờ ngày 15/6/2021, quyết định này nhằm đảm bảo sức khỏe và sự an toàn cho người dân TP. Chính quyền TP chấp nhận hy sinh những lợi ích ngắn hạn của kinh tế để tập trung, quyết tâm khống chế được dịch Covid-19.
Do đó, toàn bộ hệ thống chính trị, các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện phải đặt quyết tâm cao nhất, đề ra những giải pháp thiết thực nhất để nhanh chóng kiểm soát tình hình dịch bệnh, cắt đứt chuỗi lây nhiễm và sớm đưa TP trở lại trạng thái bình thường mới, trong đó cần tập trung 5 nhóm giải pháp phải được thực hiện triệt để từ nay cho đến ngày 21/6.
Thứ nhất, đối với các chuỗi lây nhiễm và ổ dịch chưa rõ nguồn lây, tập trung khoanh vùng xử lý, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng; trong đó ưu tiên xét nghiệm kiểm tra theo chuỗi tiếp xúc gần, có nguy cơ lây nhiễm cao với phương châm “thần tốc, có trọng tâm, trọng điểm” có kết quả trong vòng 6-10 giờ đối với F1 và 24 giờ đối với F2 để nhanh chóng tầm soát các ca nhiễm trên địa bàn thành phố.
Thứ hai, đối với các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, tiếp tục lấy mẫu và xét nghiệm tầm soát diện rộng ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố đảm bảo tất cả các công nhân, người lao động và chuyên gia trong các khu này được xét nghiệm, yêu cầu hoàn thành trước ngày 21/6.
Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao chủ động phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và nhắc nhở đối với công nhân tại các khu nhà trọ, nơi lưu trú của công nhân thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, không tập trung đông người, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh ngoài giờ làm việc.
Thứ ba, tiếp tục tăng cường giám sát đối với các chuyến bay nội địa và quốc tế đến TP bao gồm cả thành viên các tổ bay quốc tế; nhân viên sân bay; các chuyến tàu lửa; các thuyền viên thuộc các tàu hàng hải nhập cảnh; các ca bệnh sau xuất viện, chuyên gia nhập cảnh sau khi hoàn thành cách ly tập trung và các trường hợp sau khi hoàn thành cách ly tập trung trở về địa phương; nhóm nguy cơ trong bệnh viện, người trở về từ các địa phương có dịch;… tập trung tầm soát diện rộng tại các chợ đầu mối.
Thứ tư, cách ly y tế cho người nhập cảnh, người tiếp xúc ca bệnh, người về từ vùng dịch.
Thứ năm, tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người dân thành phố. Tổ công tác mua và tiêm vắc xin của thành phố khẩn trương phối hợp với các đối tác, đàm phán với nhà sản xuất vắc xin để đẩy nhanh tiến độ mua và nhập khẩu vắc xin theo nhu cầu của thành phố.
Xây dựng kế hoạch, lộ trình, đối tượng và thời gian tiêm vắc xin cho người dân thành phố, nguồn vắc xin thành phố đàm phán và nguồn vắc xin do Trung ương phân phối cho thành phố đảm bảo đúng quy định và lộ trình phù hợp.
Ngoài các nhóm giải pháp chính nêu trên, UBND TP.HCM yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP kịp thời cập nhật tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố vào Bản đồ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 để người dân biết và chủ động phòng, chống dịch; nhanh chóng đưa chương trình chuyển đổi số của thành phố ứng dụng vào công tác phòng, chống dịch.
UBND TP.HCM giao Sở Công Thương làm việc với hệ thống các siêu thị đẩy mạnh triển khai việc đặt hàng và thanh toán trực tuyến, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin để người dân biết và sử dụng các app mua hàng trực tuyến, các web mua hàng trực tuyến nhằm giảm số lượng người đến mua sắm trực tiếp.
Văn phòng UBND TP rà soát lại hoạt động của Tổ tham mưu thực hiện công tác phòng, chống dịch; phân công nhân sự phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP để kịp thời xử lý các công việc liên quan đến dịch Covid-19 và có chế độ báo cáo hàng ngày cho Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố.