Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM chủ trì buổi gặp gỡ với các phóng viên báo chí |
Chiều 3/1, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM đã chủ trì buổi gặp gỡ với các cơ quan báo chí về công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn TP.HCM trong năm 2019 và định hướng trong năm 2020.
Tại buổi gặp, ông Võ Thành Việt, Phó Chánh Văn phòng Sở TN&MT đã trình bày những kết quả nổi bật trong lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường trong năm qua.
Theo đó, năm 2019, Sở TN&MT đã tập trung triển khai thực hiện toàn diện các nhiệm vụ về kế hoạch cải cách hành chính trong năm chủ đề “Năm đột phá thực hiện cải cách hành chính”, kết quả nhận được nhiều đánh giá tích cực từ người dân và doanh nghiệp thành phố.
Thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua 32 dự án chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa, với tổng diện tích đất trồng lúa là 1.843 ha. Đồng thời, Sở đã thực hiện thu phí bảo vệ môi trường nước thải công nghiệp đối với 3.505 cơ sở, tổng số tiền dự kiến đạt 50 tỷ đồng (trước kia là 8 tỷ đồng/năm)
Trong lĩnh vực quản lý đất đai, Sở TN&MT đã tổ chức thành công Hội thảo chuyên đề “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn thành phố”, tập trung vào 3 nhóm vấn đề: chính sách pháp luật đất đai, quy hoạch hoạch - kế hoạch và tài chính về đất đai.
Về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận), đến nay, toàn thành phố đã cấp cho tổ chức được 1.512.671 Giấy chứng nhận, diện tích 119.610,75ha/129.644,7ha đạt tỷ lệ 92,26%; cấp cho cá nhân được 1.546.831 Giấy chứng nhận, đạt tỷ lệ 97,16%.
Cũng trong năm 2019, Sở TN&MT đã tập trung lãnh đạo công tác quản lý Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; triển khai thực hiện và có nhiều tham mưu UBND Thành phố liên quan đến công tác đấu giá đất.
Trong lĩnh vực quản lý môi trường, Sở TN&MT đã tập trung triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.
Theo đó, toàn thành phố đã vận động được 1,36 triệu hộ dân ký bản cam kết không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định; chuyển hóa 656/733 điểm ô nhiễm về rác thải, tiến hành khảo sát và lắp đặt 21.093 camera an ninh trật tự kết hợp với giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường đô thị khu dân cư.
Trong năm 2019, TP.HCM đã thu gom, xử lý 2,88 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trung bình 9.469 tấn/ngày; đã khởi công xây dựng 2 nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện với tổng công suất 4.000 tấn/ngày và 01 nhà máy xử lý, tái chế chất thải công nghiệp - chất thải nguy hại công suất 500 tấn/ ngày. Dự kiến, trong tháng 01/2020, TP.HCM sẽ tiến hành khởi công xây dựng Nhà máy xử lý chất thải Tasco có công suất xử lý: chất thải rắn sinh hoạt 500 tấn/ngày, chất thải công nghiệp 500 tấn/ngày, chất thải nguy hại 120 tấn/ngày.
TP.HCM sẽ tổ chức thu hồi đất dựa trên quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sau đó mới tổ chức đấu giá đất |
Chia sẻ với các phóng viên tại buổi gặp, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Từ năm 2020, ngành TN&MT thành phố sẽ đổi mới cách thức quản lý, khai thác quỹ đất. Theo đó, căn cứ vào quy hoach, kê hoạch sử dụng đất, Thành phố sẽ tổ chức thu hồi đất, tạo quỹ đất sạch, kết hợp với xây dựng hạ tầng giao thông.
Sau đó, Thành phố sẽ tổ chức đấu giá đất để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, vừa tạo ra giá trị thặng dư, tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố, vừa đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, chấm dứt tình trạng dự án chậm triển khai do giải phóng mặt bằng.
Trong lĩnh vực môi trường, Sở TN&MT sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 19 gắn với chủ đề năm 2020 là “Năm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Sở TN&MT cũng sẽ đẩy nhanh thực hiện Dự án nâng cao năng lực quan trắc môi trường: đầu tư 54 trạm quan trắc tự đồng, gồm cả nước mặt, ngầm, không khí…
Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết, hiện nay, có 15 nhà đầu tư đề xuất được giao xử lý, cải tạo lại 2 bãi rác đã đóng cửa (Gò Cát và Đông Thạnh) thành các dự án hạ tầng. Dự kiến, trong quý 1/2020, TP.HCM sẽ tổ chức đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, đủ năng lực.
Cũng theo ông Thắng, trong quý 1/2020, Sở TN&MT sẽ tham mưu UBND Thành phố ban hành Quy định mới về phương thức phân loại rác tại nguồn, từ 3 loại trước kia giờ thành 2 loại (nhóm có thể tái chế và nhóm rác còn lại).Việc này là để phù hợp với công nghệ xử lý rác mà TP.HCM đang tập trung triển khai.