TP.HCM: Tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước

Nguyễn Quỳnh| 06/10/2022 09:28

(TN&MT) - Sở TN&MT TP.HCM vừa có báo cáo kết quả triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước năm 2012. Báo cáo cho biết, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển bền vững của thành phố.

Ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước

Theo Sở TN&MT TP.HCM, ngay sau khi Luật Tài nguyên nước năm 2012 được ban hành, TP.HCM tiến hành phổ biến, tuyên truyền, tập huấn Luật và các quy định liên quan kịp thời, đầy đủ đến các đơn vị, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân...

Đồng thời, UBND TP.HCM đã kịp thời ban hành nhiều văn bản quy định, đề án, hướng dẫn quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật. Từ đó, góp phần tạo cơ sở pháp lý để đưa công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên nước vào nền nếp; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước, gắn liền với bảo vệ, ngăn ngừa ô nhiễm nguồn nước, ngăn ngừa các nguy cơ khác từ khai thác, sử dụng tài nguyên nước…

10.jpg

TP.HCM triển khai nhiều giải pháp bảo vệ tài nguyên nước

Đặc biệt, từ khi triển khai Luật Tài nguyên nước năm 2012, TP.HCM đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt, nước sinh hoạt và hạn chế khai thác nước dưới đất. Theo đó, thành phố đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, gắn liền với cải tạo các khu dân cư xuống cấp; di dời các hộ dân sống trên sông, kênh, rạch; di dời các khu vực nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nằm trong khu dân cư và các cơ sở không phù hợp quy hoạch xây dựng trong khu dân cư.

Đến nay, TP.HCM đã xây dựng, hoàn thành 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung gồm: Nhà máy xử lý nước Bình Hưng - giai đoạn l công suất 141.000 m3/ngày, Nhà máy Bình Hưng Hòa công suất 30.000 m3/ngày và Nhà máy Tham Lương - Bến Cát với công suất 131.000 m3/ngày.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2020 - 2025, khi hoàn thành Nhà máy Bình Hưng - giai đoạn 2 (469.000 m3/ngày), Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (480.000 m3/ngày) và xây dựng hoàn chỉnh hệ thống cống bao Tham Lương - Bến Cát phát huy công suất của nhà máy Tham Lương - Bến Cát (131.000 m3/ngày), tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý sẽ đạt 77,48%.

Về công tác thanh, kiểm tra, TP.HCM đã xử lý 120 trường hợp với tổng số tiền phạt 13,9 tỷ đồng liên quan đến các hành vi khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước mà không có giấy phép (thuộc trường hợp phải có giấy phép); khai thác tài nguyên nước vượt lưu lượng cho phép; xả nước thải vượt lưu lượng, quy chuẩn giấy phép được cấp. Thời gian qua, thành phố không phát sinh việc giải quyết tranh chấp về tài nguyên nước.

Còn vướng mắc, bất cập

Theo Sở TN&MT, hiện nay, công tác quản lý khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước còn có sự chồng chéo. Các quy định liên quan đến quản lý nước do các bộ, ngành ban hành hoặc tham mưu Chính phủ ban hành như khai thác, sử dụng tài nguyên nước, cấp nước, thoát nước, giao thông thủy, thủy lợi, thủy điện, nuôi trồng thủy sản còn chưa tập trung, đồng bộ. Điều này dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý, phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương trong bảo vệ tài nguyên nước, khai thác chức năng của nguồn nước.

Đồng thời, chưa có khung pháp lý, quy định cụ thể cho hoạt động bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn cho nguồn nước trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, nguy cơ suy thoái nguồn nước. Mặt khác, cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong hoạt động khai thác, bảo vệ, phục hồi nguồn tài nguyên nước còn thiếu, dẫn đến chưa huy động được các nguồn lực của xã hội nhằm tăng hiệu quả khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn tài nguyên nước.

Bên cạnh đó, một số nội dung về danh mục thu phí hoạt động tài nguyên nước được quy định tại Luật Phí và Lệ phí, Luật Tài nguyên nước và các quy định hướng dẫn thực hiện chưa thống nhất tên gọi, nội dung thu, dẫn đến khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Vì vậy, Sở TN&MT kiến nghị khi sửa đổi Luật Tài nguyên nước cần bổ sung quy định về an ninh tài nguyên nước; An ninh nguồn nước cho cấp nước sinh hoạt, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, phòng ngừa ô nhiễm nguồn nước và ngăn ngừa, phòng chống thảm họa liên quan đến nước; Lược bỏ các quy định liên quan đến cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước trong Luật Tài nguyên nước năm 2012 do nội dung này đã được tích hợp trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Thống nhất tên gọi, nội dung thu trong danh mục thu phí hoạt động tài nguyên nước tại Luật Phí và Lệ phí năm 2015, Luật Tài nguyên nước và các quy định liên quan…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO