TP.HCM sẽ chuyển đổi từ nông thôn mới sang đô thị có sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Nguyễn Quỳnh| 28/11/2019 16:07

(TN&MT) - Đây là ý kiến định hướng chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại TP.HCM giai đoạn 2010 - 2020, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025 được tổ chức sáng 28/11.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tham quan các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố

3/5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao

Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới, cho biết qua 10 năm thực hiện Chương trình, đến nay, 3/5 huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè; 54/56 xã, đạt tỷ lệ 96,4% đạt chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí mới với 19 tiêu chí, 50 chỉ tiêu, trong đó, có 8 tiêu chí có chỉ tiêu cao hơn so với Bộ tiêu chí của Trung ương.

Trong đó, tính đến tháng 11/2019, số tiêu chí các xã đạt bình quân 18,73/19 tiêu chí. Đến nay, toàn thành phố có 47 xã (tỷ lệ 83,9%) đạt đủ 19 tiêu chí, trong đó huyện Củ Chi có 20/20 xã. Dự kiến đến quý IV/2020, TP.HCM sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới các huyện và xã còn lại.

Theo ông Nguyễn Phước Trung, triển khai phong trào “Thành phố Chung sức xây dựng nông thôn mới” được cả hệ thống chính trị, cộng đồng hưởng ứng thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực, trong đó đã huy động được 26.043 hộ dân hiến 2.972.304 m2 đất để xây dựng mở rộng đường giao thông nông thôn, ước giá trị trên 2.243 tỷ đồng.

Đến nay, TP.HCM không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia, chuẩn nghèo Thành phố được nâng lên; Năng suất lao động khu vực nông thôn được cải thiện (năm 2018 đạt 90 triệu đồng/người); chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị được đông đảo người dân tham gia thực hiện có hiệu quả.

Về tiêu chí môi trường, công tác thu gom chất thải tại các xã nông thôn mới từng bước được hoàn thiện, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom tại nguồn ngày càng tăng; công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường được đẩy mạnh.

Qua đó, ý thức và sự tham gia của cộng đồng dân cư tích cực hơn. Từ đó, chất lượng vệ sinh môi trường khu vực nông thôn được cải thiện, nhiều điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, nước thải đã được xử lý, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp tại các khu dân cư.

Cũng theo ông Trung, thực hiện cơ chế phân bổ kế hoạch vốn đầu tư nông thôn mới theo tiến độ thực hiện dự án, công trình trên hệ thống TABMIS đối với từng xã nên việc quản lý nguồn vốn đầu tư nông thôn mới luôn được đảm bảo bám sát theo tiến độ thực hiện của từng dự án, công trình. Do đó, từ khi thực hiện Chương trình đến nay, TP.HCM không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chia sẻ tại Hội nghị, Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy Nhà Bè cho biết: “Nông thôn mới như là một chiếc đũa thần, đánh thức mình dậy, có nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự tham gia của người dân, cộng đồng. Nếu không có Chương trình nông thôn mới sẽ không có bộ mặt huyện Nhà Bè như ngày hôm nay”.

Một nhà vườn trồng hoa lan tại huyện Hóc Môn

Hướng tới mô hình nông nghiệp đô thị

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân vui mừng và biểu dương kết quả đạt được đối với Chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố trong 10 năm qua. Toàn thành phố đã huy động được trên 73 ngàn tỷ đồng từ nhiều nguồn để đầu tư các công trình hạ tầng, kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.

Vì vậy, diện mạo nông thôn của thành phố đã thay đổi hoàn toàn, nền sản xuất nông nghiệp được chuyển dịch mạnh mẽ sang hướng nông nghiệp quy mô và chuyên sâu, đời sống người dân nông thôn có nhiều cải thiện...

Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, mặc dù năng suất lao động khu vực nông thôn của TP.HCM đã có nhiều cải thiện nhưng mới chỉ đạt 90 triệu/ người/năm, chỉ bằng 1/3 năng suất lao động trung bình của thành phố là 270 triệu và vẫn nằm dưới năng suất lao động trung của cả nước là 102 triệu. Việc nâng cao năng suất lao động cho người nông dân chính là bài toán đặt ra cho thành phố khi xây dựng nông thôn mới.

Cũng theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân thì cần phải làm tốt công tác tổ chức sản xuất, nghĩa là khi người dân còn làm nông nghiệp còn làm nông nghiệp thì phải gắn với Hợp tác xã để cùng liên kết đầu tư công nghệ cao, nâng cao giá trị sản phẩm, tìm hướng mở rộng thị trường...

Lễ trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng nông thôn mới

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã phân tích con số thực tế những hộ còn trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại khu vực nông thôn của thành phố. Theo đó, đến nay, trong số 100 hộ dân huyện Củ Chi chỉ còn 7,5 hộ còn sản xuất nông nghiệp, dự báo đến năm 2025 còn 5,8 hộ và đến 2030 chỉ còn 4% hộ.

Còn tại Hóc Môn, hiện nay 100 hộ thì 1,3 hộ làm nông nghiệp, đến năm 2025 còn 0,6%  hộ và đến năm 2030 còn 0,1 %. Tại Bình Chánh, hiện nay, trong số 100 hộ thì hiện giờ còn 1,2 hộ làm nông nghiệp. Đặc biệt, tại Nhà Bè, đến nay toàn huyện chỉ còn 256 hộ làm nông nghiệp, chiếm 0,5% dân số toàn huyện.

Như vậy, theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, số người dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp của TP.HCM không còn nhiều. Dự báo sẽ còn khoảng 38.000 người vào năm 2025, chưa bằng một nửa so với số công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Pou Chen, quận Bình Tân.

“Cho nên, trong giai đoạn 2020 - 2025, TP.HCM phải điều chỉnh quy hoạch khu vực  các huyện nông thôn từ nông thôn mới sang đô thị thông minh. TP.HCM cần định hướng để phát triển một nền kinh tế đô thị có nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp chuyên sâu”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM sẽ chuyển đổi từ nông thôn mới sang đô thị có sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO