TP.HCM: Phải rà soát lại đất công, mạnh tay với các dự án “treo”

12/07/2018 09:21

(TN&MT) - Chiều 11/7, tiếp tục kỳ họp thứ 9, HĐND TP.HCM đã tiến hành phiên thảo luận về chuyên đề hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn Thành phố, trọng tâm là tài nguyên đất do Nhà nước trực tiếp quản lý.

HOP1
Chiều 11/7, HĐND TP.HCM đã thảo luận về hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn Thành phố, trọng tâm là nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước

Lãng phí đất công

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, đến nay, Thành phố đã phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp 10.832 mặt bằng nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước, trong đó cho các đơn vị tiếp tục sử dụng 6.597 mặt bằng; thu hồi 197 mặt bằng (thu hồi được 169 mặt bằng, còn 28 mặt bằng chưa thu hồi được); cho bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng 1.597 địa chỉ.

Tuy nhiên, tại phiên thảo luận, các đại biểu HĐND Thành phố đã phản ánh tình trạng nhiều nhà  đất công trên địa bàn thành phố đang được sử dụng sai mục đích, bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Đại biểu Cao Thanh Bình cho rằng: Trong công tác cập nhập kê khai nhà đất  thuộc sở hữu Nhà nước chưa chặt chẽ, thiếu sót, nhiều đia chỉ nhà đất chưa vào danh sách quản lý, xảy ra tình trạng lấn chiếm, tranh chấp; nhiều địa chỉ nhà đất chậm xác định ranh, chưa được duyệt các phương án xử lý cụ thể.

Ngoài ra, còn có tình trạng cho thuê sai thẩm quyền, chẳng hạn một số Văn phòng UBND quận, huyện, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài chính, UBND các phường… đều đứng ra cho thuê  nhà đất  thuộc sở hữu Nhà nước khi chưa có ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền.

Cũng theo ông Cao Thanh Bình, công tác quản lý việc cho thuê nhà đất sở hữu Nhà nước còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ nên xảy ra tình trạng nợ tiền thuê, có đơn vị nợ số tiền trên 70 tỷ đồng. Việc liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước cũng phát hiện nhiều lỗ hổng, dẫn tới thất thu ngân sách. Đơn cử, địa chỉ 101 Nguyễn Du có diện tích 1.786 m, nằm ở vị trí rất đắc địa, nhưng  trong quá trình hợp tác  khai thác thì báo lỗ 26 tỉ đồng vào năm 2015, 2016, 2017 thì lợi nhuận không đáng kể.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cũng cho biết: Qua giám sát, HĐND Thành phố đã phát hiện hơn 1000 ha đất, hơn 1000 căn hộ chung cư chưa thống kê đầy đủ, nằm ngoài “sổ sách”. Vì vậy, sau cuộc họp này, UBND Thành phố phải chỉ đạo các quận, huyện tiến hành rà soát,  thống kê đầy đủ nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước để khai thác hiệu quả.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm bức xúc: Tình trạng lãng phí đất công kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong dư luận. Hàng trăm khu nhà đất công sử dụng sai mục đích, lợi nhuận đem lại  nhà nước không đáng là bao, nhưng  lại chảy vào túi riêng của một vài cá nhân, tổ chức.

Đại biểu Vũ Thanh Lưu kiến nghị: Thành phố cần phải rà soát lại khu đất kho bãi của các Bộ ngành Trung ương trên địa bàn để có cơ chế phối hợp trong việc quản lý sử dụng các khu đất bỏ hoang, sử dụng không đúng mục đích. Đơn cử, dọc bến Bình Đông (quận 8) còn rất nhiều kho bãi của các Bộ ngành Trung ương sau năm 1975 bỏ không, lãng phí, trong khi địa phương thiếu quỹ đất xây dựng trường học, công trình công cộng.

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng phản ánh tình trạng nhiều công viên trên địa bàn Thành phố đang được cắt xén cho thuê làm mặt bằng kinh doanh, nhà hàng, khu vui chơi… ảnh hưởng đến người dân đến sinh hoạt, mà ngân sách Nhà nước cũng chẳng được là bao.

Ngoài ra,  theo báo cáo của đoàn giám sát của HĐND Thành phố, đến nay Thành phố vẫn còn 13.930 căn hộ và nền đất được hình thành trong nhiều năm những chưa được bố trí sử dụng, gây lãng phí rất lớn.

HOP2
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cam kết sẽ xử lý dứt điểm tình trạng quy hoạch “treo” 25 năm tại bán đảo Thanh Đa

Mạnh tay hơn nữa trong xử lý dự án “treo”

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê cho biết: Nhiều năm nay, cử tri quận Bình Thạnh luôn mong mỏi thành phố xem xét giải quyết, xử lý tình trạng dự án Khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa trên bán đảo Thanh Đa đã bị “treo” 25 năm. Mặc dù không xa quận 1 là bao, dân cư sinh sống đông đúc nhưng khu vực này  hạ tầng xuống cấp, người dân không được quyền xây dựng nhà ở, đi không được, ở cũng không xong. Đến nay, đã quá sức chịu đựng đối với người dân bán đảo Thanh Đa.

Bà  Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND Thành phố thừa nhận: Dù quá trình  triển  khai  Nghị quyết 16 của HĐND thành phố ngày 05/10/2012 về công tác lập, thẩm định và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn, TP.HCM đã xử lý được hàng trăm dự án treo, nhưng đến nay,  thành phố còn  rất nhiều dự án chậm triển khai,  quy hoạch bị “treo” nhiều năm, khiến người dân bức xúc, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Đến nay, Thành phố đã thu hồi  575 dự án không triển khai; đồng thời tiếp tục rà soát  1.400 dự án  chậm triển khai, không  có khả năng triển khai để lên các phương án xử lý, thu hồi. Đặc biệt, sau khi thu hồi các dự án “treo”, người dân tại vùng dự án sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ với những búc xúc của  người dân tại những khu vực có dự án “treo”, quy hoạc “treo”.  Trong thời gian tới, UBND Thành phố mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý các chủ đầu tư không có năng lực, hoặc cố tình chây ì không triển khai dự án theo đúng kế hoạch được duyệt.

Riêng dự án Khu đô thị sinh thái Bình Quới - Thanh Đa, ông Nguyễn Thành Phong  cam kết sẽ xử lý dứt điểm, không để tình trạng “treo” kéo dài thêm nữa. Mới đây, UBND Thành phố đã mời chủ đầu tư dự án này tới làm việc, đưa tối hậu thư sẽ kiên quyết thu hồi dự án nếu không triển khai và  phía doanh nghiệp đã cam kết thực hiện. Tuy nhiên, Thành phố sẽ thẩm định, giám sát chặt chẽ lời cam kết của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Phải rà soát lại đất công, mạnh tay với các dự án “treo”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO