TP.HCM nỗ lực hoàn thành tiêu chí môi trường

Nguyễn Quỳnh| 03/12/2019 12:07

(TN&MT) - Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới là một trong những tiêu chí khó thực hiện do tính không ổn định, thường xuyên thay đổi và chịu ảnh hưởng từ rào cản của các tiêu chí khác về hạ tầng (hệ thống đường, thu gom nước thải, tiêu thoát nước mưa..).

Thành ủy TP.HCM vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, việc triển khai tiêu chí bảo vệ môi trường trong Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm và triển khai một cách cụ thể. Trong đó, Sở TN&MT đã thành lập Tổ công tác thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới theo từng giai đoạn gồm các thành viên là lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của Sở, có quy định cụ thể về nhiệm vụ của từng thành viên và thường xuyên có sự rà soát, kiện toàn tổ công tác.

Tại các xã xây dựng nông thôn mới, công tác thu gom chất thải từng bước được hoàn thiện, tỷ lệ chất thải rắn được thu gom tại nguồn ngày càng tăng. Đến nay, Củ Chi có số hộ dân đăng ký tham gia đổ rác dân lập đạt tỷ lệ 77,79%, Hóc Môn đạt 97,9%, Bình Chánh đạt 89,1%, Nhà Bè đạt 98%, Cần Giờ đạt 85%.

Công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường được đẩy mạnh, vận động nhân dân tự giác thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch”; hình thành các câu lạc bộ, các đội xung kích tham gia bảo vệ môi trường, thu gom rác đường phố, xây dựng ấp, khu phố “Không rác”. Qua đó, ý thức và sự tham gia của cộng đồng dân cư tích cực hơn, chất lượng vệ sinh môi trường khu vực nông thôn được cải thiện, nhiều điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải, nước thải đã được xử lý, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp tại các khu dân cư.

Áp phích tuyên truyền bảo vệ môi trường tại xã nông thôn mới Thạnh An (Cần Giờ)

Đến nay, các huyện đều có Đề án quản lý chất thải rắn trên địa bàn, điển hình như: Đề án đầu tư “Xây dựng khu xử lý chất thải tại chỗ và giải pháp xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường tại khu vực chôn lấp hiện nay” tại huyện Cần Giờ  và “Đề án nâng cao chất lượng thực hiện công tác thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt và sản xuất, xử lý chất thải chăn nuôi và cung cấp nước sạch giai đoạn 2016 - 2020” tại huyện Bình Chánh.

Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện tiêu chí môi trường tại các vùng nông thôn TP.HCM còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại, bất cập. Theo đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thường xuyên biến động, gây khó khăn cho công tác rà soát, quản lý tại địa phương; mặc dù, cương quyết xử phạt hành chính đối với các cơ sở vi phạm nhưng vẫn còn doanh nghiệp chây ì, cố tình không chấp hành; trong khi đó, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường còn vướng mắc.

Đồng thời, các hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh, chăn nuôi, làng nghề quy mô nhỏ chưa ý thức được tầm quan trọng của kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường, hạn chế về năng lực quản lý và kinh phí cho việc đầu tư, xử lý chất thải theo đúng quy định. Đồng thời, kiểm soát và quản lý xả thải tại các lưu vực kênh, rạch khu vực nông thôn còn khó khăn, phối hợp kiểm soát ô nhiễm liên vùng đã được triển khai nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Đến nay, các xã đang xây dựng nông thôn mới tại TP.HCM chưa đạt tiêu chí môi trường gồm: Đa Phước, Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh; Hiệp Phước, Nhơn Đức, Phú Xuân và Phước Lộc của huyện Nhà Bè.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, để hoàn thành cũng như duy trì hiệu quả tiêu chí môi trường, góp phần hoàn thành mục tiêu đến quý IV/2020, vùng nông thôn TP.HCM hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới sẽ còn rất nhiều việc phải thực hiện, cần sự phối hợp đồng bộ giữa các Sở ngành, UBND các huyện.

Đến nay, TP.HCM có 47 xã (tỷ lệ 83,9%) đạt đủ 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó, huyện Củ Chi có 20/20 xã. Dự kiến đến quý IV/2020, TP.HCM sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới các huyện và xã còn lại.

Trong đó, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các huyện duy trì thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường; tập huấn kiến thức môi trường cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tập huấn kiến thức về thanh kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính cho các cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ phụ trách công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước.

Đồng thời, tăng cường rà soát, giám sát, thanh kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và có giải pháp phù hợp để đảm bảo tỷ lệ 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường.

Theo Môi trường
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM nỗ lực hoàn thành tiêu chí môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO