(TN&MT) - Báo cáo môi trường TP.HCM năm 2015 vừa được Sở TN&MT công bố cho thấy, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố có nhiều chỉ tiêu ô nhiễm vượt mức cho phép, đặc biệt khí CO (cacbon mônoxit), bụi, tiếng ồn…
Theo Sở TN&MT TP.HCM, hiện nay trên địa bàn có 09 vị trí quan trắc chất lượng không khí tự động, gồm: 03 vị trí quan trắc chất lượng không khí nền (UBND Quận 2, Công viên Phần mềm Quang Trung, Thảo Cầm Viên); 01 vị trí quan trắc chất lượng không khí khu vực dân cư (Tân Sơn Hòa – Viện Kỹ thuật Nhiệt đới); 01 vị trí quan trắc chất lượng không khí khu vực do ảnh hưởng công nghiệp ( Quận Thủ Đức – Phòng Tài nguyên và Môi trường Quận Thủ Đức); 04 vị trí quan trắc chất lượng không khí ven đường (Sở KH&CN – 244 Điện Biên Phủ, Trường THPT Hồng Bàng – Quận 5, Bệnh viện Thống Nhất – Q. Tân Bình, Phòng Giáo dục Huyện Bình Chánh – Q. Bình Tân).
Bản đồ vị trí các trạm quan trắc chất lượng không khí |
Ngoài ra, TP.HCM cũng có 06 vị trí quan trắc chất lượng không khí bán tự động dùng để quan trắc chất lượng không khí ảnh hưởng của các hoạt động giao thông Vòng xoay Hàng Xanh, Ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ, Vòng xoay Phú Lâm, Vòng xoay An Sương, Ngã 6 Gò Vấp, Ngã 4 Nguyễn Văn Linh – Huỳnh Tấn Phát). Tần suất đo đạc: Tiến hành thu mẫu 10 ngày trong tháng vào các thời điểm 7h30 – 8h30 và 15h – 16h.
Kết quả quan trắc năm 2015 của Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM cho thấy ô nhiễm chất lượng không khí trên địa bàn TP.HCM chủ yếu là do bụi lơ lửng và mức ồn do các hoạt động giao thông gây ra (với 61,29% số liệu bụi quan trắc tại 10 vị trí giao thông vượt QCVN 05:2013/BTNMT và 90,27% số liệu mức ồn quan trắc được tại 10 vị trí giao thông vượt QCVN 26:2010/BTNMT).
Nồng độ các chất ô nhiễm quan trắc được tại khu vực ngã tư An Sương, Gò Vấp, ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh và khu vực ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ có giá trị cao nhất trong 15 vị trí quan trắc chất lượng không khí.
Nhiều chỉ tiêu không khí tại TP.HCM bị ô nhiễm vượt mức cho phép, đặc biệt khí CO (cacbon mônoxit), bui, tiếng ồn… |
Cụ thể: Nồng độ trung bình giờ của CO dao động trong khoảng 4,16 mg/m3 – 14,55 mg/m3, với 99,81% số liệu quan trắc đạt QCVN (QCVN 05:2013/BTNMT, nồng độ CO trung bình 1 giờ: 30 mg/m3); hàm lượng trung bình giờ của bụi lơ lửng quan trắc được trong năm 2015 tại 15 vị trí dao động từ 172,30 – 560,88 μg/m3, 42,94% giá trị quan trắc không đạt QCVN 05:2013/BTNMT (nồng độ bụi lơ lửng trung bình 1 giờ: 300 μg/m3); nồng độ PM10 trung bình 24 giờ trong năm 2015 dao động trong khoảng 69,11 – 140,05 μg/m3, 88,80% số liệu đạt QCVN (QCVN 05:2013/BTNMT, nồng độ PM10 trung bình 24 giờ: 150 μg/m3); nồng độ trung bình giờ của NO2 quan trắc năm 2015 dao động từ 25,73 – 90,45 μg/m3, 99,78% số liệu quan trắc đạt QCVN (QCVN 05:2013/BTNMT, nồng độ NO2 trung bình 1 giờ: 200 μg/m3); nồng độ trung bình giờ SO2 năm 2015 là 20,93 μg/m3, 100% số liệu đạt QCVN (QCVN 05:2013/BTNMT, nồng độ SO2 trung bình 1 giờ: 350 μg/m3); mức ồn với 60,18% số liệu quan trắc không đạt quy chuẩn QCVN 26:2010/BTNMT, dao động từ 54,70 – 79,30 dBA.
Hoạt động của các nguyên tố phóng xạ (tự nhiên và nhân tạo) thu được trong quá trình quan trắc môi trường không khí (son khí và rơi lắng) năm 2015 không có biến động đáng kể và chưa gây nguy hại đến môi trường. Tuy nhiên, chương trình quan trắc này vẫn cần được thực hiện liên tục để theo dõi diễn biến về tình trạng phóng xạ trong môi trường không khí ở TP.HCM; đặc biệt, nồng độ bụi khí là điều đáng quan ngại nhưng giá trị cực đại (vào các tháng mùa khô) vẫn thấp hơn giới hạn cho phép QCVN 05:2013/BTNMT.
Sở TN&MT kiến nghị UBND TP.HCM đầu tư thêm hệ thống quan trắc không khí tự động |
Theo đánh giá của Sở TN&MT TP.HCM, kết quả quan trắc không khí những năm vừa qua chưa thật sự phản ánh chính xác các thông số môi trường vì hệ thống quan trắc đã quá lạc hậu, chưa đồng bộ. Được biết, các trạm quan trắc trên địa bàn thành phố là do Na Uy tài trợ, đã hết thời gian vận hành cho phép. Vì vậy, Sở TN&MT đã kiến nghị UBND TP.HCM sớm đầu tư kinh phí để thay thế thiết bị các trạm quan trắc cũ và lắp đặt thêm các trạm quan trắc mới.
Trong cuộc họp mới đây, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM đã chỉ đạo cần đánh giá lại hiện trạng hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn thành phó, từ đó có phương án đầu tư kinh phí kịp thời để phục vụ công tác quản lý nhà nước về môi trường của thành phố. “Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 – 2020 là một trong 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa X. Vì vậy, TP.HCM phải có hệ thống quan trắc môi trường hiện đại và đồng bộ” – bà Tâm nhấn mạnh.
Bài & ảnh: Nguyễn Thanh