TP.HCM: Lên Kế hoạch thực hiện Chương trình Giảm ngập nước 2016 - 2020

07/12/2016 00:00

(TN&MT) - UBND TP.HCM vừa ra Quyết định số 6261/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về Chương trình Giảm ngập...

 

(TN&MT) - UBND TP.HCM vừa ra Quyết định số 6261/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về Chương trình Giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, triển khai Chương trình hành động số 17-CTrHĐ/TU ngày 31/10/2016 của Thành ủy TP.HCM về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về Chương trình Giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020, UBND TP.HCM xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể như sau:

Về mục tiêu, tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực Trung tâm Thành phố và một phần của 5 lưu vực ngoại vi (Bắc, Tây, Nam, một phần Đông Bắc, Đông Nam) rộng 550 km2 với khoảng 6,5 triệu dân; đồng thời cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường Thành phố.

Về chỉ tiêu, giải quyết 13/17 tuyến đường ngập nước do mưa, 23/23 tuyến đường ngập nước đã xử lý tạm bằng giải pháp cấp bách trước đây, 179/179 tuyến hẻm và 9 tuyến đường ngập nước do triều; xây dựng 7 nhà máy xử lý nước thải.

Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2018, thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa 8/17 tuyến đường gồm 3 tuyến thuộc lưu vực Trung tâm và 5 tuyến lưu vực ngoại vi. Hoàn thành các dự án đầu tư để xử lý 13/23 tuyến bị ngập nước đã xử lý tạm bằng các giải pháp cấp bách trước đây. Thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa 60/179 tuyến hẻm.

Hoàn thành dự án Giải quyết ngập nước do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), để kiểm soát triều cho lưu vực 550 km2. Đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành 3 nhà máy xử lý nước thải: Tham Lương - Bến Cát công suất 131.000 m3/ngày, Nhiêu Lộc - Thị Nghè 480.000 m3/ngày, Bình Hưng (giai đoạn 2) nâng công suất nhà máy từ 141.000 m3/ngày lên 469.000 m3/ngày.

Giai đoạn 2019 - 2020, hoàn thành các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước để xóa ngập do mưa 5/17 tuyến đường gồm 02 tuyến thuộc lưu vực Trung tâm và 3 tuyến ngoại vi. Hoàn thành các dự án đầu tư để xử lý 10/23 tuyến bị ngập nước đã xử lý tạm bằng các giải pháp cấp bách trước đây. Thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, xóa ngập do mưa 119/179 tuyến hẻm còn lại.

Hoàn thành các hạng mục kiểm soát triều dự án rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM, vốn vay Ngân hàng Thế giới để giải quyết tình trạng ngập nước do triều lưu vực 550 km2. Xây dựng 4 nhà máy xử lý nước thải: Tân Hóa Lò Gốm công suất 300.000 m3/ngày; Tây Sài Gòn công suất 150.000 m3/ngày; Bắc Sài Gòn 1 công suất 170.000 m3/ngày; nâng cấp, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa từ 30.000 m3/ngày lên 180.000 m3/ngày.

Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Kế hoạch là tăng cường liên kết, hợp tác khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực dự báo phục vụ công tác xóa, giảm ngập nước. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, hợp tác, nghiên cứu, ứng dụng khoa học tiên tiến phải theo định hướng: Đầu tư phát triển theo quan điểm phù hợp với chiến lược quốc gia về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai và Chương trình Giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và phòng chống thiên tai nói chung trên địa bàn TP.HCM và vùng lân cận.

Đầu tư thiết bị và công nghệ phải gắn liền với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cải tiến tổ chức, tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy nội lực trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, đáp ứng nhu cầu quản lý, nhanh chóng làm chủ công nghệ hiện đại, nhằm khai thác vận hành các thiết bị, công nghệ phù hợp với tính năng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ một cách cao nhất. Ưu tiên đầu tư các thiết bị, công nghệ mới, hiện đại để đảm bảo sử dụng bền vững, lâu dài và có khả năng đồng bộ với các thiết bị đang sử dụng.

Đầu tư, nâng cao năng lực quan trắc, công tác dự báo phải được đầu tư theo hướng hiện đại, đồng bộ, tập trung và thống nhất; vừa đáp ứng yêu cầu của công nghệ dự báo, vừa đảm bảo tính hệ thống và khả năng tích hợp với hệ thống chung. Phát triển kế thừa và kết hợp đồng bộ với hệ thống sẵn có, độ tin cậy cao, ổn định, chính xác, sẵn sàng và kịp thời. Kết quả số liệu cho các mô hình dự báo, cảnh báo được các cơ quan chức năng, thông tin truyền thông khai thác sử dụng có hiệu quả.

Cùng với đó, đạt được các mục tiêu phục vụ công tác điều hành của chính quyền; người dân có thông tin để ứng phó kịp thời trước diễn biến bất lợi của thời tiết. Cần xác định đây là giải pháp quan trọng, cấp thiết trong tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động trực tiếp đến TP.HCM và vùng lân cận; góp phần khắc phục sự thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về vật chất cho nhân dân Thành phố.

Mặt khác, huy động các nguồn vốn để thực hiện các dự án thoát nước đồng bộ theo lưu vực thoát nước như vốn ngân sách, vốn ODA, vốn xã hội thực hiện theo hình thức PPP. Tập trung thực hiện các dự án thoát nước sử dụng nguồn vốn ODA với mục tiêu nạo vét, cải tạo rạch chính khu vực nội thành, xây dựng bổ sung hệ thống cống cấp 2-3; hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị; hồ điều tiết. Kết hợp chặt chẽ với các Chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ X, đặc biệt là Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị và Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020…

Tường Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Lên Kế hoạch thực hiện Chương trình Giảm ngập nước 2016 - 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO