TP. HCM: Khởi động Kế hoạch ứng phó BĐKH giai đoạn 2016 - 2020 tầm nhìn 2030

14/07/2016 00:00

(TN&MT) - Đến năm 2020, TP. HCM sẽ cố gắng triển khai các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính 10,5% (bằng nội lực) và 19,2% (có hỗ trợ bên ngoài).  Đây là một trong những mục tiêu được thể hiện trong Dự thảo Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của TP. HCM đang được đưa ra lấy ý kiến.

Tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được đầu tư cải tạo đã góp phần giảm ngập úng cho khu vực nội đô TP. HCM
Tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được đầu tư cải tạo đã góp phần giảm ngập úng cho khu vực nội đô TP. HCM

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP. HCM, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH TP. HCM cho biết: Là một đô thị đang có nhu cầu phát triển mạnh mẽ nhưng lại có vị trí địa lý ở vùng đất thấp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, một mặt, TP. HCM vừa phải đối diện với những tác động ngày càng rõ rệt của BĐKH; mặt khác, chính những hoạt động phát triển đô thị, tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và phát thải khí nhà kính của thành phố cũng góp phần làm gia tăng hiện tượng BĐKH.

Trong những tháng đầu năm 2016, mức độ xâm nhập mặn tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống cấp nước của TP. HCM. Ngược lại, diễn biến xu hướng nhiệt độ trung bình ở vùng lõi đô thị cũng tăng dần theo hướng đô thị hóa của TP. HCM, nơi tập trung những hoạt động tiêu thụ năng lượng và các nguồn phát thải khí nhà kính.

Trong bối cảnh đó, Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH TP. HCM đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động ứng phó từ năm 2009 đến nay. Trong đó, Ban Chỉ đạo đã phối hợp các đối tác trong và ngoài nước thực hiện “Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn TP. HCM đến năm 2015” từ tháng 5/2013 đến tháng 12/2015. Theo ông Thắng, giai đoạn thực hiện Kế hoạch hành động đến năm 2015 cũng là giai đoạn đầu tiên TP. HCM tiếp cận và chủ động ứng phó với các tác động của BĐKH bằng nguồn lực của thành phố, kết hợp với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó, nổi bật là mối quan hệ hợp tác với TP. Osaka (Nhật Bản) và TP. Rotterdam (Hà Lan) cùng nhiều đối tác khác. Vì vậy, TP. HCM đã xác định đó là giai đoạn học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức của cộng đồng về ứng phó với BĐKH, nghiên cứu bước đầu về ứng phó với BĐKH ở TP. HCM và tìm kiếm các mối quan hệ hợp tác quốc tế. Đồng thời, đó cũng là giai đoạn TP. HCM gặp nhiều khó khăn trong bước đầu tiếp cận với lĩnh vực BĐKH.

Nhằm tiếp nối và phát triển công tác ứng phó với BĐKH ở TP. HCM, Ban Chỉ đạo đã đúc kết những bài học từ thực tiễn triển khai Kế hoạch hành động đến năm 2015 và cập nhật tình hình mới để hướng đến xây dựng “Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn TP. HCM giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030” với hy vọng đây sẽ là một  kế hoạch hành động vừa phù hợp với điều kiện nội lực của TP. HCM và đồng thời, cũng mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư vào các chương trình, dự án ứng phó với BĐKH cho các đối tác trong và ngoài nước, từ đó, góp phần phát triển một nền kinh tế tăng trưởng xanh, một xã hội bền vững cho TP. HCM trong tương lai. 

Thực hiện nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo giao, Văn phòng Biến đổi khí hậu (trực thuộc Sở TN&MT) đã ký hợp đồng tư vấn với Phân viện Khí tượng Thủy văn và BĐKH (Bộ TN&MT) để xây dựng “Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn TP. HCM giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030” và tổ chức nhiều cuộc họp Tổ Chuyên viên giúp việc Ban Chỉ đạo để tổng hợp và xây dựng danh mục chương trình, dự án ứng phó với BĐKH trong giai đoạn 2016 - 2020. Trên cơ sở đó, nhóm thực hiện đã xây dựng được bản dự thảo Kế hoạch hành động; đồng thời, danh mục chương trình, dự án cũng đang được lấy ý kiến của Ban Chỉ đạo để rà soát và tổng hợp theo tình hình hiện nay và sẽ được cập nhật sau khi nhận được văn bản góp ý của các thành viên Ban Chỉ đạo. Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch hành động trên nhằm tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH  của TP. HCM khi triển khai các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính của quốc gia, qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của TP. HCM; nâng cao hiệu quả của hệ thống quản lý Nhà nước trong lĩnh vực BĐKH.

TP. HCM sẽ lồng ghép các yếu tố BĐKH vào các Chiến lược, Chương trình, Quy hoạch và Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội của TP. HCM với điều kiện cụ thể và phù hợp với giai đoạn 2016 – 2020.  Cụ thể, Thành phố sẽ  xây dựng và triển khai các chương trình, dự án ưu tiên nhằm thích nghi và giảm thiểu thiệt hại do tác động của BĐKH, giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong 10 lĩnh vực phát triển kinh tế và xã hội: Quy hoạch đô thị; Năng lượng; Giao thông vận tải; Công nghiệp; Quản lý nước; Quản lý chất thải; Xây dựng; Y tế; Nông nghiệp;  Du lịch.

Trong lĩnh vực quy hoạch đô thị, TP. HCM sẽ lồng ghép các yếu tố BĐKH vào các quy hoạch của thành phố, đặc biệt chú trọng vấn đề tăng diện tích mặt nước và mảng xanh đô thị. Phát triển hệ thống văn bản pháp lý nhằm khuyến khích và tạo điều kiện pháp lý thuận lợi cho các dự án liên quan đến quy hoạch đô thị ứng phó với BĐKH.

Thành phố cũng phấn đấu nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên trong hoạt động sản xuất công nghiệp. Hướng đến việc quản lý phát thải khí nhà kính từ các hoạt động sản xuất công nghiệp vốn chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng lượng phát thải khí nhà kính của TP. HCM, chủ yếu là thông qua tiêu thụ năng lượng. Đặc biệt chú trọng đến các ngành công nghiệp trọng điểm.

TP. HCM cũng đặt mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước cấp. Đa dạng hóa các nguồn dữ trữ nước cấp để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn ngày càng nghiêm trọng và khó dự báo chính xác. Hạn chế khai thác tài nguyên nước ngầm, giảm sụt lún đất, vốn đang làm trầm trọng thêm tác động của nước biển dâng do biến đổi khí hậu, đồng thời, nâng cao công tác thực hiện các giải pháp bổ cập tầng chứa nước dưới đất.

Bản Dự thảo Kế hoạch hành động cũng đưa ra các nhóm giải pháp để thực hiện gồm: Tài chính; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; Tăng cường quản lý Nhà nước về ứng phó với BĐKH; Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; Mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế…

Hiện tại, Văn phòng Biến đổi khí hậu đang tổng hợp các ý kiến góp ý, chỉnh sửa, báo cáo Ban Chỉ đạo Thành phố để trình UBND Thành phố ban hành Kế hoạch ứng phó BĐKH giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Nguyễn Thanh

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. HCM: Khởi động Kế hoạch ứng phó BĐKH giai đoạn 2016 - 2020 tầm nhìn 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO