TP.HCM hiện đại hóa mạng lưới quan trắc môi trường

Nguyễn Quỳnh| 10/12/2019 13:39

(TN&MT) - Theo kế hoạch, đến năm 2021, TP.HCM sẽ hoàn thiện đầu tư 58 trạm quan trắc môi trường tự động. Còn trước mắt, thành phố sẽ tăng tần suất quan trắc môi trường không khí hàng ngày (3 lần/ngày) thay vì 10 ngày như hiện nay.

Quan trắc hàng ngày

Sở TN&MT vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất tăng tần suất quan trắc môi trường không khí hàng ngày (3 lần/ngày) thay vì 10 ngày như hiện nay. Theo Sở TN&MT, trong thời gian gần đây, ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố diễn ra khá phức tạp, chuyển biến nhanh và chịu tác động từ một số yếu tố bất lợi của thời tiết làm tích tụ ô nhiễm gây hiện tượng mù quang hóa ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân.

Kết quả quan trắc cho thấy, có sự thay đổi lớn giữa các ngày, các thời điểm trong ngày, đặc biệt chịu ảnh hưởng từ các vấn đề khách quan như: giao thông, diễn biến xây dựng khu vực cũng như các tác động của các yếu tố bât lợi từ thời tiết nên rất đánh giá, cảnh báo đến người dân hiện trạng ô nhiễm môi trường không khí.

Sở TN&MT và Sở GTVT nhấn nút phối hợp thực hiện công bố chỉ số môi trường trên các bảng điện tử giao thông

Hiện tại, mạng lưới quan trắc môi trường không khí của TP.HCM đang triển khai quan trắc định kỳ bằng phương pháp thủ công gián đoạn tại 30 vị trí quan trắc (19 vị trí quan trắc ảnh hưởng do hoạt động giao thông, 3 vị trí quan trắc môi trường nền, 4 vị trí quan trắc ảnh hưởng do khu dân cư, 4 vị trí quan trắc do ảnh hưởng của hoạt động công nghiệp) với tần suất 10 ngày/tháng vào 2 thời điểm/ngày (7 giờ 30 - 8 giờ 30 và 15 giờ - 16 giờ) đối với các chỉ tiêu đặc trưng về ô nhiễm môi trường không khí như: Tổng bụi lơ lửng (TSP), bụi  PM10, bụi PM2.5, NO2, CO, SO2 và mức ồn trung bình.

Với tần suất quan trắc như hiện nay, chưa thể công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí hàng ngày để đáp ứng nhu cầu thông tin cũng như cảnh báo cho người dân và chính quyền thành phố và cần thiết phải lập các trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục. Tuy vậy, việc đầu tư các trạm quan trắc không khí tự động, liên tục phải có thời gian đầu tư theo Luật Đầu tư nên dự kiến đến năm 2022, mới có thể đưa vào vận hành chính thức.

Do đó, nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin về hiện trạng chất lượng môi trường không khí hàng ngày một cách chính xác, đúng quy định trong thời gian chờ đầu tư, lắp đặt mạng lưới quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục, Sở TN&MT kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, chấp thuận tăng cường tần suất quan trắc hiện hữu từ 10 ngày/tháng vào 2 thời điểm lên 3 thời điểm/ngày và quan trắc hàng ngày.

Theo đó, Sở TN&MT TP.HCM đề xuất 3 mốc thời gian quan trắc hàng ngày là: 7 giờ 30 phút - 8 giờ 30 phút (lúc đi làm); 15 giờ - 16 giờ (lúc giao thông bình quân trong ngày); 20 giờ - 21 giờ (lúc bắt đầu cho xe tải vào trung tâm thành phố và người dân tham gia các hoạt động vui chơi ban đêm). Đặc biệt, Sở TN&MT TP HCM kiến nghị tăng cường quan trắc và công bốthông số bụi PM 10 và PM 2.5 (trung bình 24 giờ) tại tất cả vị trí quan trắc nhằm đánh giá chi tiết về hàm lượng các bụi mịn trong không khí của thành phố.

Các thông số công bố cụ thể như: NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng: Nồng độ các chất ô nhiễm tại 3 thời điểm quan trắc; mức ồn: Nồng độ ô nhiễm tại thời điểm 7 giờ 30 phút - 8 giờ 30 phút (thời điểm mật độ giao thông cao nhất trong ngày); Bụi PM10, PM2.5: nồng độ trung bình 24 giờ liên tục.

Cuối năm 2021, có 58 trạm quan trắc tự động

Trả lời chất vấn các đại biểu tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM sáng 9/12, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: Vấn đề ô nhiễm môi trường phải được nhận diện và đánh giá một cách khoa học thông qua quan trắc các chỉ số môi trường.

Tại thời điểm ô nhiễm không khí cuối tháng 9 đầu tháng 10 vừa qua, sau khi có kết quả quan trắc, Sở TN&MT đã chủ động tổ chức họp báo công bố, giải thích nguyên nhân ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở mức độ ô nhiễm không khí, Sở TN&MT đã phối hợp với Sở GTVT kiểm soát khí các phương tiện giao thông - một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí; đồng thời, phối hợp với Sở Y tế đưa ra những biện pháp để bảo vệ sức khỏe người dân.

Sở TN&MT TP.HCM cho biết, người dân có thể tiếp cận thông tin quan trắc hàng ngày trên web và ứng dụng điện thoại thông minh hoặc trên các bảng điện tử trên nhiều vị trí giao thông của thành phố. Kế hoạch quan trắc này sẽ được triển khai từ năm 2020 - 2022 khi hệ thống quan trắc tự động được đầu tư đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, TP.HCM đang quá trình triển khai đầu tư các trạm quan trắc tự động. Theo đó, TP.HCM đã xây dựng “Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng. Theo lộ trình đầu tư, đến cuối năm 2021, TP.HCM sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng 58 trạm quan trắc môi trường tự động, gồm cả không khí, nước mặt, nước dưới đất.

Đồng thời, TP.HCM sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý mạng lưới quan trắc môi trường nói chung và môi trường không khí nói riêng; xây dựng phần mềm chuyên dụng để cung cấp thông tin về chất lượng môi trường đến người dân hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, điện thoại thông minh và tiến đến dự báo về ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM hiện đại hóa mạng lưới quan trắc môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO