Môi trường

TP.HCM: Hành động vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0”

Nguyễn Quỳnh 30/11/2023 - 08:08

(TN&MT) - Là đầu tàu kinh tế của cả nước, TP.HCM xác định phải là địa phương tiên phong trong chuyển đổi xanh, đi đầu trong thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại COP26.

Thống nhất chủ trương

Là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước, nhưng về cơ bản, nền kinh tế của TP.HCM chủ yếu phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa. Đặc biệt, TP.HCM cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất 57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: Hiện nay, Thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức trước tình trạng biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, vấn đề an ninh năng lượng, bảo tồn đa dạng sinh học… Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân, giảm động lực tăng trưởng của thành phố. "Vì vậy, TP.HCM sẽ có trách nhiệm, đi tiên phong trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững; đồng thời, nhận nhiệm vụ là địa phương đầu tiên, có trách nhiệm lớn nhất trong thực hiện cam kết quốc tế của Chính phủ về mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050” - ông Phan Văn Mãi cho biết thêm.

Cũng theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, nhận thức được trách nhiệm quan trọng đó, Thành phố đã khởi động và có những bước đi ban đầu về chuyển đổi xanh. Đồng thời, thành phố cam kết thúc đẩy sự phát triển xanh, vì đây không chỉ là nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao lợi ích của người dân, doanh nghiệp, khách du lịch trong thời gian hiện tại mà còn cho những thế hệ tương lai.

z4927198411492_1678ce7df3f84408d8da253cf6bcc621.jpg
TP.HCM sẽ kiểm kê phát khí thải nhà kính của các doanh nghiệp lớn để phục vụ thị trường giao dịch tín chỉ các-bon.

Mới đây, tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 4 với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới phát thải ròng bằng “0”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định: “TP.HCM phải phát triển nguồn lực xanh, xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành và lĩnh vực tiên phong phát triển xanh, bền vững”.

Xây dựng lộ trình giảm phát thải

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, TP.HCM hiện đang triển khai thực hiện các giải pháp khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy đổi mới và phát triển, tạo môi trường hoạt động thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng hành trình tăng trưởng xanh, hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng “0”.

Trong đó, thành phố sẽ tập trung phát triển nguồn lực bằng việc huy động tài chính xanh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh kết nối trong nước và quốc tế. Đồng thời, thành phố sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và hệ thống chính sách liên quan nhằm đảm bảo trọng tâm giúp quá trình chuyển đổi xanh diễn ra nhanh, hiệu quả hơn.

Đặc biệt, UBND TP.HCM đang chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan tập trung nghiên cứu xây dựng khung chính sách, bộ tiêu chí trong tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh để UBND Thành phố sớm ban hành thực hiện. Trong đó, TP.HCM sẽ có kế hoạch hành động tổng thể và cụ thể, phải thể hiện nhiệm vụ của từng ngành, từng lĩnh vực. Sắp tới, TP.HCM sẽ nghiên cứu xem xét yếu tố tăng trưởng xanh trong cơ cấu thành phố GRDP hàng năm của thành phố.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết: TP.HCM sẽ thực hiện đúng lộ trình của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Đặc biệt, thành phố cũng sẽ tận dụng hiệu quả Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế tài chính triển khai thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon đầu tư từ nguồn ngân sách của Thành phố.

TP.HCM sẽ có một lộ trình giảm phát thải rõ ràng; đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm và cấp hạn ngạch phát thải cho các công ty các ngành quan trọng nhằm giúp các doanh nghiệp có thể tính toán nỗ lực giảm phát thải; đồng thời, lồng ghép các mục tiêu giảm phát thải cụ thể vào tất cả các dự án đầu tư công trong giai đoạn tới; đặc biệt các dự án cơ sở hạ tầng; cùng với đó là ưu tiên sử dụng các công nghệ sạch, ít phát thải. Trong đó, TP.HCM sẽ đảm bảo xây dựng sàn trao đổi tín chỉ các-bon theo dạng ETS đạt được thí điểm vào năm 2025 và chính thức vận hành vào năm 2028 theo lộ trình của Chính phủ.

Hiện tại, TP.HCM đang tập trung kiểm kê 140 doanh nghiệp phải kiểm kê phát thải khí nhà kính trong 4 lĩnh vực: công thương, năng lượng, xây dựng và môi trường. Một số doanh nghiệp lớn nằm trong danh sách này, gồm: Công ty TNHH Điện tử Samsung, Tổng Công ty Việt Thắng, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, Trung tâm Thương mại Saigon Centre, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Phước Hiệp, Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Hành động vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO