Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ Đề án di dời dân ra khu vực sạt lở; ưu tiên bố trí vốn khởi công mới cho các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư di dời sạt lở vào nơi an toàn, ổn định cuộc sống cho người dân.
Đặc biệt, đối với các dự án đầu tư chống sạt lở, UBND các quận, huyện đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư trước ngày 1/1/2018 để triển khai thi công. Nhất là các dự án có tình hình giải phóng mặt bằng kéo dài như các dự án: xây dựng kè chống sạt lở bờ sông khu vực cầu Giồng Ông Tố (quận 2); xây dựng kè chống sạt lở bờ tả thượng lưu cầu Xóm Củi (huyện Bình Chánh); xây dựng kè bảo vệ chống sạt lở khu vực cầu Long Kiểng; xây dựng kè bảo vệ chống xói lở bờ sông khu vực khu dân cư xã Phước Kiểng.
Riêng UBND quận Thủ Đức được giao tổ chức di dời ngay 27 căn nhà nằm trên sông, ven sông Sài Gòn đoạn từ cầu Bình Lợi về phía thượng lưu 600m (thuộc phường Hiệp Bình Chánh); UBND huyện Bình Chánh hoàn thành công tác tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực gần bến đò Tân Nhựt trong tháng 9/2017.
Một vụ sạt lở tại phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức) |
Ngoài ra, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét bố trí vốn kịp thời cho Sở Giao thông vận tải, UBND các quận-huyện, các chủ đầu tư khác triển khai thực hiện các dự án xây dựng kè tại các vị trí sạt lở, đặc biệt ưu tiên các dự án tại các vị trí đặc biệt nguy hiểm bao gồm: vốn để thi công xây dựng công trình và vốn chi trả cho công tác đền bù giải phóng mặt bằng; đề xuất chủ trương giao đơn vị làm chủ đầu tư xây dựng 2 dự án kè tại 2 đoạn có nguy cơ sạt lở tại bờ trái sông Sài Gòn khu vực nhà thờ Fatima, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức và bờ trái thượng lưu cầu Long Kiểng, ấp 1, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè; đề xuất cơ chế thực hiện tổ chức lựa chọn nhà thầu và khởi công công trình ngay khi có điều kiện về mặt bằng và vốn.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở Giao thông vận tải cần khẩn trương công bố các vị trí sạt lở nguy hiểm trên địa bàn; sớm hoàn thành các tuyến kè chống sạt lở và lập kế hoạch duy tu, sửa chữa các tuyến kè đã xuống cấp; xử lý ngay đoạn kè bị nước triều xâm nhập, tràn bờ tại khu vực Lasan Mai Thôn, phường 28 ( quận Bình Thạnh) gây ngập úng trên diện rộng.
Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, kênh rạch, đê bao phòng chống triều cường, xả lũ Hồ Dầu Tiếng ven sông Sài Gòn trên địa bàn quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi (thuộc dự án nâng cấp, gia cố cấp bách hệ thống thủy lợi bờ hữu ven sông Sài Gòn). Xử lý các dự án tiêu thoát nước đang trong quá trình thi công đã chặn dòng gây tắc nghẽn dòng chảy dẫn đến làm phát sinh các điểm ngập mới; lắp đặt bổ sung các cửa van, cửa xả đảm bảo tiêu thoát nước, chống ngập úng cho khu vực; kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ các máy bơm, trạm bơm, cống kiểm soát triều Bình Lợi, Bình Triệu, rạch Lăng, rạch Nhảy - ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, trạm bơm Thanh Đa...
TP.HCM đã chi hàng trăm tỷ đồng đầu tư hệ thống kè chống sạt lở khu vực bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) |
UBND Thành phố cũng yêu cầu Công an TP.HCM phối hợp với Sở TN&MT lập kế hoạch phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông để chấn chỉnh, xử lý kiên quyết, triệt để các trường hợp khai thác không phép, trái phép gây sạt lở bờ sông, kênh, rạch.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, hiện nay trên địa bàn thành phố còn trên 40 điểm có nguy cơ sạt lở cao, tập trung tại khu vực huyện Cần Giờ, Nhà Bè, quận 9, Bình Thạnh, quận 12, Thủ Đức, Hóc Môn. Gần nhất, ngày 31/5 đã xảy ra vụ sạt lở bờ phải sông Rạch Tôm, ấp 3, xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) khiến cả khu vực rộng gần 600m2 bị ảnh hưởng, trong đó có 7 căn nhà buộc phải di dời khẩn cấp. Đêm 15/6, tại bờ sông Rạch Tra , xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng với vết lở dài 30m, sâu 3m, rộng 9m (hết chiều ngang đường giao thông). Ngay sau đó, ngày 16/6, chỉ cách khu vực sạt lở cũ vài chục m, một đoạn đường lại tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng. Ngày 27/6, tại tổ 4, ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, khu vực thường xuyên bị sạt lở bờ tả rạch Giồng – sông Kinh Lộ lại tiếp tục bị sạt lở, làm ảnh hưởng 5 hộ dân.
Thời gian qua, để khắc phục và hạn chế những thiệt hại do tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch gây ra, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các quận, huyện di dời hàng trăm hộ dân ssinh sống tại các vị trí có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn. Đồng thời, thành phố đã chi hàng ngàn tỷ đồng, cũng như lên kế hoạch để đầu tư các công trình chống sạt lở.
Nguyễn Thanh