(TN&MT) - TP.HCM đã và đang chú trọng công tác bảo vệ môi trường với việc đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án, chương trình thiết thực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, từ đó góp phần đáng kể trong việc kiểm soát và hạn chế ô nhiễm, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Thực hiện giảm thiểu ô nhiễm
Năm 2017, TP.HCM đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại đạt tỷ lệ 100%; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế đạt tỷ lệ 100%; phấn đấu đến năm 2020, áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt (tái chế, làm phân compost và đốt) 40% và chôn lấp hợp vệ sinh 60% trên tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Thành phố.
Thành phố cũng đã thực hiện tốt các đợt giám sát, lấy mẫu quan trắc chất lượng môi trường định kỳ, giám sát chất lượng môi trường khu công nghiệp, khu chế xuất. Đến nay có 100% khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn đã xây dựng và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung, có hệ thống quan trắc tự động nước thải kết nối cơ sở dữ liệu với Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra, giám sát.
Thành phố còn thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong 6 tháng đầu năm 2017, Thành phố đã xử phạt 39 đơn vị vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản với số tiền 3,1 tỷ đồng; tổ chức di dời 16/21 cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, còn 05/12 cơ sở chưa thực hiện di dời.
Hiện Thành phố đang hoàn thiện dự thảo quy chế phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh khi phát hiện ô nhiễm tại các bãi chôn lấp và các khu liên hợp xử lý chất thải; quy định về quản lý, kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; xem xét ban hành quy hoạch vị trí các trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; tổ chức lựa chọn nhà thầu quy hoạch xử lý chất thải rắn đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát
Trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tập trung triển khai thực hiện các giải pháp nhằm ngăn ngừa các nguồn ô nhiễm mới phát sinh từ các hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ thông qua các công cụ thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường. Ban hành các quy định về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền, phù hợp thực tế, đáp ứng yêu cầu công tác phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về nguồn thải, chất thải phát sinh từ hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ trên địa bàn Thành phố. Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý cơ sở dữ liệu về nguồn thải. Xem xét lựa chọn và thông qua chủ trương đầu tư dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt có công nghệ tiên tiến, hiện đại. Triển khai hiệu quả quy định về quản lý chất thải rắn; quy hoạch vị trí các trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Thành phố.
Ngoài ra, thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng các dự án xử lý chất thải trên địa bàn Thành phố. Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ hướng dẫn nhà đầu tư mạng lưới thùng rác công cộng và nhà vệ sinh công cộng. Duy trì hiệu quả hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải sau trạm xử lý tập trung tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp; hoàn thành chương trình xây dựng bản đồ cơ sở dữ liệu quan trắc các thành phần môi trường.
Thành phố cũng sẽ tập trung thực hiện đầy đủ chương trình quan trắc môi trường tại các bãi chôn lấp, các khu liên hợp xử lý chất thải rắn; quan trắc thủy sinh, chất lượng nước mặt sông Sài Gòn, kênh rạch trên địa bàn. Nhất là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm của các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khu chế xuất, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Tường Tú