TP.HCM: Đặt hàng bổ sung xử lý rác thải sinh hoạt

Nguyễn Quỳnh| 27/07/2021 10:42

(TN&MT) - UBND TP.HCM vừa chấp thuận việc đặt hàng bổ sung khối lượng rác sinh hoạt xử lý tại nhà máy của Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (Khu liên hợp xử lý rác thải Tây Bắc - Củ Chi).

Đặt hàng bổ sung khoảng 1.000 tấn/ngày

Cụ thể, TP.HCM đặt hàng thêm cho Công ty Cổ phần Vietstar tiếp nhận, xử lý với khối lượng khoảng 500 - 600 tấn/ngày. Như vậy, tổng khối lượng rác xử lý của Công ty Cổ phần Vietstar sẽ được đặt hàng tương đương với khối lượng rác mà TP.HCM đã giao thêm để xử lý hiện nay là khoảng 1.800 tấn/ngày. Đồng thời, TP.HCM đặt hàng thêm cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa tiếp nhận, xử lý với khối lượng khoảng 400 tấn/ngày. Như vậy, tổng khối lượng rác xử lý của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa sẽ được đặt hàng tương đương với khối lượng rác mà TP.HCM đang giao thêm để xử lý hiện nay là khoảng 1.400 tấn/ngày.

Theo UBND TP.HCM, đây là khối lượng rác sinh hoạt đặt hàng bổ sung để Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa xử lý thêm cho TP.HCM dựa trên tình hình gia tăng rác thải trên địa bàn thành phố, không phải là khối lượng rác sinh hoạt tối thiểu bắt buộc TP.HCM cam kết giao đến các công ty như khối lượng đã ký trong hợp đồng hiện nay.

Dây chuyền xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty Cổ phần Vietstar.

UBND TP.HCM đề nghị Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa hoàn thành tất cả các hồ sơ pháp lý liên quan đến đầu tư, xây dựng và bảo vệ môi trường khi thực hiện tiếp nhận khối lượng đặt hàng này trong vòng 6 tháng. Đồng thời, thực hiện nghiêm và đầy đủ tất cả các biện pháp bảo vệ môi trường được phê duyệt trong các hồ sơ bảo vệ môi trường.

Hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM khoảng  9.500 tấn/ngày. Trong đó, chôn lấp tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (Bình Chánh) trung bình 6.000 tấn/ngày; chôn lấp tại Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (Củ Chi) trung bình 620 tấn/ngày; tái chế tại Công ty Cổ phần  Vietstar trung bình 1.300 tân/ngày; tái chế tại Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa trung bình 1.000 tấn/ ngày.

Khắc phục tồn tại tại 2 đơn vị đặt hàng

Về tình trạng ô nhiễm môi trường do lượng rác thải tồn lưu tại nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Tâm Sinh nghĩa (đã có kết luận trước đó), UBND TP.HCM  đề nghị  2 đơn vị này tiến hành che phủ kín toàn bộ lượng chất thải tồn lưu tại các bãi lưu chứa trong khuôn viên nhà máy hiện nay. Cùng với đó, triển khai thu gom toàn bộ nước rỉ rác phát sinh tại các bãi lưu chứa về hệ thống xử lý tập trung trong khuôn viên nhà máy. Đồng thời, phải tăng cường chuyển trả chất thải tồn lưu tại các bãi lưu chứa trong khuôn viên nhà máy về bãi chôn lấp số 3.

Lượng rác thải tồn lưu trong khuôn viên Nhà máy xử lý rác của Công ty Cổ phần Vietstar.

“Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa cam kết phải xử lý khối lượng rác tồn trong khuôn viên nhà máy trong thời gian 2 năm. Đồng thời, không được để phát sinh thêm lượng rác tồn lưu trong khuôn viên nhà máy của công ty” - văn bản của UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM tiếp nhận khối lượng chất thải chuyển trả từ nhà máy của Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (chất thải trơ sau phân loại và chất thải tồn lưu tại nhà máy của 2 công ty) với khối lượng từ 1.200 - 1.500 tấn/ngày cho đến khi 2 công ty này giải phóng toàn bộ chất thải tồn lưu tại nhà máy. Đây là khối lượng chất thải đã qua công đoạn phân loại, xử lý tại nhà máy của Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, không phải rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày của TP.HCM được chuyển giao trực tiếp đến các nhà máy xử lý.

UBND TP.HCM giao Sở TN&MT dự thảo Phụ lục hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý đối với khối lượng rác giao thêm cho Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa gửi Sở Tư pháp và Sở Tài chính góp ý trước khi hoàn chỉnh trình UBND TP.HCM thông qua để Sở TN&MT ký kết với nhà đầu tư.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đốt rác phát điện

Văn phòng UBND TP.HCM vừa có văn bản truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình tại cuộc họp nghe báo cáo về tình hình thực hiện các chỉ tiêu đốt rác phát điện.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giải quyết dứt điểm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án của Công ty Cổ phần Vietstar theo đúng quy định hiện hành, hoàn tất trước ngày 30/7/2021. Trường hợp chậm trễ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước UBND TP.HCM.

UBND TP.HCM giao Sở TN&MT khẩn trương tổ chức làm việc, trao đổi với các chủ đầu tư có nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt để thống nhất về phương thức mở rộng quy mô, công suất đốt rác phát điện và các công nghệ xử lý hiện đại khác của các nhà máy hiện hữu, đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại TP.HCM được xử lý bằng công nghệ hiện đại. Đồng thời,  Sở TN&MT chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan khẩn trương đề xuất phương thức cung cấp dịch vụ sự nghiệp công đối với các nhà máy xử lý rác hiện hữu trên địa bàn thành phố khi mở rộng quy mô, công suất xử lý bằng công nghệ mới hiện đại theo đúng quy định hiện hành và phù hợp với điều kiện thực tế tại thành phố.

Ngoài ra, Sở TN&MT tổ chức làm việc với các nhà đầu tư quan tâm, có năng lực và kinh nghiệm phù hợp để chủ động tổ chức thực hiện công tác lập đề xuất kêu gọi đầu tư 2 dự án xử lý rác bằng công nghệ đốt rác phát điện và dự án cải tạo xử lý các bãi chôn lấp theo hình thức đối tác công tư PPP; đề xuất UBND TP.HCM xem xét, quyết định trước 15/8/2021.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT có trách nhiệm quản lý, điều phối khối lượng rác về các nhà máy và tiến hành kiểm tra, giám sát, nghiệm thu thanh toán cho công tác xử lý rác sinh hoạt của các công ty đang hoạt động xử lý trên địa bàn thành phố theo quy định hiện hành. Đồng thời, tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động, kết quả thực hiện các cam kết của Công ty Cổ phần Vietstar và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa; giám sát chặt chẽ tình hình xử lý rác tồn lưu của 2 công ty, đảm bảo không gia tăng khối lượng rác tồn lưu và phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, có biện pháp chế tài phù hợp với quy định của pháp luật trong trường hợp 2 công ty không thực hiện đúng với cam kết khi tiếp nhận, xử lý khối lượng rác sinh hoạt được TP.HCM đặt hàng nêu trên.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc tham mưu về nguồn vốn chuẩn bị đầu tư dự án và hoàn thiện quy trình chung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án theo hình thứ đối tác công tư PPP,  loại hợp đồng Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao  (Hợp đồng BLT) theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Đặt hàng bổ sung xử lý rác thải sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO