TP. Hạ Long huy động tổng lực khắc phục hậu quả bão số 3
(TN&MT) - Bão số 3 (YAGI) đổ bộ vào tỉnh Quảng Ninh để lại hậu quả nặng nề, trong đó, Hạ Long là 1 trong số địa phương của tỉnh thiệt hại rất nặng. Ngay sau bão, cả thành phố đã huy động tổng lực khắc phục hậu quả.
Nhằm sớm khắc phục hậu quả thiên tai, Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão (BCĐPCLB), tìm kiếm cứu hộ cứu nạn thành phố và cả hệ thống chính trị - từ thành phố đến cơ sở chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị vật tư để triển khai các phương án ứng phó bão số 3.
Toàn thành phố đã huy động trên 1.500 người là lực lượng tại chỗ trên địa bàn 33 xã, phường; gần 600 người lực lượng hiệp đồng của các đơn vị lực lượng vũ trang, ngành than; huy động hiệp đồng trên 250 phương tiện, máy móc, thiết bị; kiện toàn hoạt động các Đội xung kích phòng chống thiên tai, thành lập các đội tình nguyện khắc phục hậu quả sau mưa bão.
Tính đến thời điểm 8h30 ngày 8/9/2024, sau khi bão đi qua, thống kê sơ bộ thiệt hại, hệ thống cây hoa màu, cây ăn quả, cây xanh bị gãy đổ, nhà cửa, công trình của người dân, cơ quan, đơn vị bị tốc mái. Thành phố đang tiếp tục tổng hợp hậu quả thiệt hại của các đơn vị gửi về, hiện công tác thống kê chưa cập nhật hết do sự cố mất điện trên toàn Thành phố và mất lên lạc từ các nhà mạng Viettel, Mobifone từ trưa ngày 7/9.
Ngay sau khi ngớt giông lốc vào tối 7/9/2024, Thành phố đã huy động tổng lực, tập trung máy móc, thiết bị và thành lập 08 tổ công tác hỗ trợ các địa phương trọng yếu xử lý, khắc phục tại hiện trường, đảm bảo vệ sinh môi trường, giao thông, chống ngập úng.
Tập trung thu dọn, xử lý, khắc phục cây cối gãy đổ, công trình bị hư hại, bảo đảm giao thông thông suốt, ưu tiên các trục đường giao thông chính và tuyến đường vào các bệnh viện (tuyến Quốc lộ 18A, Tỉnh lộ 279, đường Bao biển Hạ Long - Cẩm Phả...), các trụ sở làm việc của các cơ quan Đảng, Nhà nước, nhất là các trụ sở: Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thành uỷ, Uỷ ban nhân dân thành phố để đảm bảo điều kiện lãnh đạo, chỉ đạo việc ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão.
Các lực lượng dân quân, Công an, Quân đội cùng nhân dân tập trung dọn dẹp cây cối, cột điện gãy đổ, mái tôn, công trình bị hư hại, đổ chắn ngang đường để bảo đảm giao thông an toàn và thông suốt.
Cùng với đó, khẩn trương, rà soát thống kê tổng thể thiệt hại, xây dựng phương án khắc phục hậu quả, tập trung chỉnh trang đô thị, tận dụng tối đa hệ thống cây xanh, tài sản, công trình còn giá trị sử dụng sau mưa bão, tránh lãng phí, đảm bảo cao nhất việc ổn định đời sống, sinh hoạt cho người dân và học tập của học sinh ngay sau khi kết thúc mưa bão.
Đồng thời, phối hợp với ngành điện trên địa bàn triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hành lang đường điện, khắc phục nhanh nhất tình trạng mất điện cục bộ. Phối hợp với các ngành chức năng nhanh chóng đảm bảo thông tin liên lạc, ổn định thị trường, nhất là nguồn cung hàng hoá, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, không để tình trạng thiếu hụt, đẩy giá.
Đến thời điểm này, 33 xã, phường thành lập trên 200 tổ tình nguyện ở các thôn, khu phố phối hợp với các lực lượng chức năng thành phố triển khai hỗ trợ, khắc phục sau bão, tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời các gia đình có người chết, người bị thương, thiệt hại nặng về tài sản và gia đình neo đơn, khó khăn... Hiện công tác khắc phục vẫn đang được khẩn trương thực hiện.
Trước thời điểm bão đổ bộ (17h ngày 6/9), thành phố đã chỉ huy di dời 100% tàu, thuyền hoạt động trên biển và 100% lao động của các hộ gia đình trên các bè nuôi trồng thủy sản di chuyển lên các hang và khu vực an toàn trên vịnh.
Cùng với đó, đặt 351 biển cảnh báo vị trí, khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng; rà soát kiểm tra, gia cố các đê điều, hồ đập trên địa bàn; vận động, di dời 487 hộ dân với 1.435 nhân khẩu đến các nhà văn hóa khu, thôn, gia đình người thân, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người.