Theo luật của Philippines, nước xuất khẩu quặng nickel hàng đầu thế giới, được phép khai thác mỏ lộ thiên. Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Môi trường Philippines Regina Lopez đã cấm khai thác mỏ lộ thiên trong suốt 10 tháng làm việc vì cho rằng suy thoái môi trường làm tổn hại đến tiềm năng kinh tế của những nơi khai thác mỏ.
Hội đồng Điều phối Ngành Khai khoáng (MICC) đưa ra các khuyến nghị về chính sách khai thác mỏ, hồi tháng trước đã yêu cầu Bộ Môi trường và Tài nguyên Philippines bãi bỏ lệnh cấm. Roy Cimatu, tân Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên Philippines cũng ủng hộ việc xóa bỏ lệnh cấm.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Harry Roque, phát ngôn viên của Tổng thống Duterte cho biết: "Tổng thống hiện vẫn đưa ra lệnh cấm khai thác mỏ lộ thiên”.
Roque nói ông không chắc liệu đề xuất của MICC có thể thay đổi quyết định của Duterte hay không.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát biểu tại một cuộc họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Pasay, Manila, Philippines vào ngày 14/11/2017. Ảnh: Reuters / Dondi Tawatao |
Các cuộc gọi và tin nhắn gửi đến tân Bộ trưởng Cimatu để tìm kiếm câu trả lời vẫn chưa nhận được hồi đáp.
Tuy nhiên, chính sách khai thác mỏ lộ thiên thuộc thẩm quyền của Duterte, do đó, Tổng thống sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này.
Lệnh cấm chỉ ảnh hưởng đến các dự án mới. Việc dỡ bỏ lệnh cấm có thể mở cửa cho một số dự án lớn bao gồm dự án khai thác đồng và vàng tại vùng Tampakan trị giá 5,9 tỷ USD.
Hồi tháng 9, Tổng thống Philippines Duterte cho biết ông đã đồng ý với lệnh cấm khai thác mỏ lộ thiên vì nó gây ra thiệt hại về môi trường, nhưng sẽ dành thời gian cho các công ty khai thác mỏ tìm ra những phương pháp khác để khai thác khoáng sản.
Mai Đan
Tổng hợp từ Reuters