Tổng thống Mỹ khởi động Sáng kiến Công nghệ sinh học: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Tống Minh| 26/09/2022 14:25

(TN&MT) - Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký Sắc lệnh khởi động Sáng kiến Công nghệ sinh học và Sản xuất Sinh học Quốc gia (NBBI), nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ sinh học và phát triển kinh tế sinh học của Mỹ. Sáng kiến này sẽ mở đường cho những tiến bộ trong sản xuất sinh học, đồng thời tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi sản xuất sinh học. Đây vừa là thời cơ, cũng là thách thức cho các doanh nghiệp Việt khi tham gia vào lĩnh vực này trên đất Mỹ.

Mỹ sẽ mở rộng cơ hội thị trường cho các sản phẩm có nguồn gốc sinh học

Theo Tuyên bố của Tổng thống Biden, kinh tế sinh học vẫn là một thế mạnh của Mỹ, một cơ hội lớn cho các ngành công nghiệp, các nhà phát minh và các doanh nghiệp nghiên cứu hoạt động mạnh mẽ. Bằng cách khai thác có trách nhiệm toàn bộ tiềm năng của công nghệ sinh học và sản xuất sinh học, chúng ta có thể nhận ra khả năng của sinh học trong việc tạo ra hầu hết những sản phẩm mà chúng ta sử dụng hàng ngày, từ thuốc men đến nhiên liệu và nhựa, và tiếp tục đưa những cải cách của nước Mỹ đến thành công về kinh tế xã hội.

“Với công nghệ sinh học, chúng ta có thể tạo ra các hóa chất và hợp chất đặc biệt từ các vi sinh vật, quá trình này được gọi là “sản xuất sinh học”. Những tiến bộ này đã giúp sản xuất sinh học được “chấp nhận” là một ngành công nghiệp, một giải pháp thay thế cho sản xuất dựa trên hóa dầu để tạo ra nhựa, nguyên liệu, vật liệu và thuốc. Phân tích ngành cho thấy kỹ thuật sinh học có thể chiếm hơn một phần ba tổng sản lượng toàn cầu của các ngành sản xuất trước khi kết thúc thập kỷ với giá trị gần ba mươi nghìn tỷ đô la”, Tuyên bố nêu rõ.

Theo đó, Sáng kiến Công nghệ sinh học và Sản xuất Sinh học Quốc gia của Mỹ sẽ tập trung vào việc tăng năng lực sản xuất sinh học trong nước; đồng thời mở rộng cơ hội thị trường cho các sản phẩm Bio-based (có nguồn gốc sinh học). Sáng kiến sẽ tăng cường thu mua bắt buộc các sản phẩm Bio-based của các cơ quan Liên bang, bao gồm thông qua đào tạo và hỗ trợ cho các cán bộ ký hợp đồng, đồng thời đảm bảo rằng Văn phòng Quản lý và Ngân sách và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thường xuyên công bố các đánh giá về tiến độ. Giải pháp này sẽ cung cấp các định hướng cụ thể cho ngành công nghiệp về các khoảng trống trong thị trường sản phẩm sinh học, từ đó làm cơ sở tạo ra các sản phẩm mới và thị trường mới.

Nắm bắt thời cơ, An Phát Holdings tiếp tục cất cánh

Việc Tổng thống Mỹ khởi động Sáng kiến Công nghệ sinh học và Sản xuất Sinh học Quốc gia (NBBI) cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ Mỹ về phát triển ngành kinh tế sinh học, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và an ninh y tế là những thách thức lớn.

Nhận định về chính sách này, ông Nguyễn Lê Thăng Long – Chủ tịch Hiệp hội Nhà sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường Việt Nam (EPMA) cho rằng, đây vừa thách thức, vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực công nghệ sinh học.

“Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp nước ngoài, thách thức lớn bởi mức độ cạnh tranh với các doanh nghiệp Mỹ sẽ tăng lên; nhưng cũng là thời cơ khi thị trường được mở rộng cho những doanh nghiệp thực sự có năng lực về công nghệ, tài chính và sản phẩm xanh đạt tiêu chuẩn khắt khe của Mỹ” – ông Long nhấn mạnh.

Vững tin nắm bắt thời cơ trên đất Mỹ, ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch Tập đoàn An Phát Holdings, một trong những doanh nghiệp hiếm hoi của Việt Nam có gần chục năm xuất khẩu sang Hoa Kỳ với các sản phẩm ngành nhựa như: bao bì, nguyên liệu, sản phẩm nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn, sàn nhựa công nghệ cao...chia sẻ: “Là một nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới, Hoa Kỳ cũng là một thị trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Do đó, để thành công trong gần một thập kỷ qua, An Phát Holdings phải nỗ lực rất nhiều. Điều quan trọng không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, các quy định về hải quan, pháp lý… mà sản phẩm đó phải có lợi thế nhất định để vượt qua đối thủ cạnh tranh. Trong bối cảnh công nghệ sinh học sẽ nở rộ trên đất Mỹ trong tương lai gần, chúng tôi tự tin tiếp tục phát triển tại thị trường hàng đầu thế giới này”.

aneco(1).jpg

Sản phẩm của An Phát Holdings đã gần 10 năm có mặt tại thị trường Mỹ

Được biết, một trong những mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn An Phát Holdings là bao bì. Năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng trên 4.000 tỷ đồng, chiếm 98% tổng doanh thu. Và từ 2019 đến nay được xem là giai đoạn bứt phá của Tập đoàn khi sản lượng bao bì xuất khẩu đều đạt trên 10.000 tấn/năm, trong đó Hoa Kỳ vẫn là một trong các thị trường lớn chiếm hơn 10% doanh thu mảng sản xuất bao bì của Tập đoàn.

Bên cạnh đó, khi chứng kiến xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng mạnh mẽ và sự ủng hộ của Chính phủ các nước nhằm thúc đẩy sản xuất xanh, An Phát Holdings đã tăng cường đầu tư cho lĩnh vực nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn, đồng thời coi đây là “át chủ bài” trong việc tạo dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tại đất nước khó tính bậc nhất này.

Để hiện thực hóa điều đó, An Phát Holdings đã bảo hộ thành công thương hiệu AnEco tại Hoa Kỳ trong vòng 10 năm và tiếp tục gia hạn trong thời gian sau đó, đồng thời lần lượt ra mắt các sản phẩm mới dành riêng cho thị trường này như túi rác phân hủy sinh học, khăn trải bàn… Hiện tại, việc kinh doanh dòng sản phẩm AnEco đang nhận được nhiều kết quả khả quan. Tập đoàn cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thâm nhập và đầu tư chuyên sâu vào thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt khi nhà máy sản xuất chất dẻo phân hủy sinh học PBAT đi vào hoạt động năm 2024./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng thống Mỹ khởi động Sáng kiến Công nghệ sinh học: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO