Phát biểu khai mạc, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn cho biết, tại cuộc họp COP-11 của CBD (tháng 10/2012), UNDP đã khởi xướng Sáng kiến Tài chính ĐDSH (BIOFIN) nhằm giải quyết những thách thức về tài chính ĐDSH một cách hoàn thiện. Hiện nay, có 35 quốc gia tham gia, trong đó Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Sáng kiến này vào năm 2016 và được thực hiện từ năm 2017. Chủ dự án là Tổng cục Môi trường và UNDP Việt Nam là đơn vị trực tiếp thực hiện Dự án.
Sau thời gian triển khai, BIOFIN đã rà soát về thể chế và chính sách và đưa ra kiến nghị, tăng cường hơn nữa cơ chế chính sách cho ĐDSH, bổ sung mã mục lục, chú trọng lồng ghép bảo tồn ĐDSH vào chiến lược ngành và sự tham gia của khối tư nhân NGO; tăng cường bộ máy ở cấp địa phương cho lĩnh vực này; chú trọng phân bổ ngân sách cho ĐDSH và cân nhắc các cơ chế tài chính tiềm năng khác như phụ phí du lịch, phí và thuế, quỹ tín thác.
Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch tài chính cho đa dạng sinh học, thời gian tới cần tập trung sắp xếp lại các dòng tài chính hiện có, tránh các loại chi tiêu không cần thiết và sử dụng hiệu quả hơn các khoản chi tiêu hiện có.
Bà Nhàn khẳng định, hiện nay nguồn tài chính cho ĐDSH chưa được bảo đảm để thực hiện các mục tiêu quốc gia về ĐDSH đã được phê duyệt. Việc huy động các nguồn tài chính mới là hết sức cần thiết, song trong thời gian tới, nguồn ngân sách vẫn là nguồn lực chủ yếu cho công tác bảo tồn ĐDSH. Dự án đã bước đầu đề xuất một số giải pháp tài chính để tăng nguồn lực và hiệu quả sử dụng nguồn cho bảo tồn ĐDSH. Dự án pha 2 sẽ được tiếp tục nhằm thực hiện một số cơ chế tài chính được đề xuất trong Kế hoạch huy động tài chính cho ĐDSH.
Theo đánh giá tài chính của UNDP, chỉ riêng việc duy trì hệ thống khu bảo tồn của Việt Nam năm 2018 cần có 7.963 tỷ đồng, con số này sẽ tăng dần lên 12.749 tỷ đồng vào năm 2030 hoặc có thể lên tới 16.694 tỷ đồng. Vì vậy, tới đây vẫn cần một phân tích nối tiếp chuyên sâu cũng như sự đánh giá phản biện của các chuyên gia độc lập về các loại chi phí được định lượng...
Đại diện UNDP cũng đã đưa ra 2 cơ chế thực hiện dự án gồm có: xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật cho quan trắc và báo cáo ĐDSH tại các khu bảo tồn (do cục Bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH thực hiện) và xây dựng và thực hiện thu phí dịch vụ tại KBT biển Hòn Cau (KBT này hiện chưa có cơ chế tài chính nào).
Ông Đào Xuân Lai cũng nhân định: Việc đánh giá đã đưa ra được con số chi tiết cho những chi tiêu về ĐDSH. Câu hỏi đặt ra là làm sao để sử dụng hiệu quả nhất về ĐDSH? Làm sao sử dụng một cách cụ thể để giải trình được? Chúng ta cần làm gì để huy động kinh phí cho ĐDSH một cách tốt nhất?
Bên cạnh việc tổng kết Sáng kiến về tài chính đa dạng sinh học, Cục bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cũng giới thiệu Báo cáo quốc gia lần thứ 6 việc thực hiện Công ước đa dạng sinh học gồm: yêu cầu xây dựng NR6 của Công ước ĐDSH (CBD); quá trình xây dựng NR6 và báo cáo quốc gia NR6.
Theo đó, NR6 mô tả nhiều hoạt động và sáng kiến đã thực hiện ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và tại địa phương bởi cơ quan chức năng nhà nước cấp trung ương và địa phương, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng và bộ phận tư nhân. Báo cáo cho thấy tiến độ thực hiện báo cáo tốt độ che phủ rừng trên cạn, rừng ngập mặn và phát triển các khu bảo tồn. Tuy nhiên, Báo cáo cũng khẳng định thực tế một số mục tiêu đặt ra vẫn chưa thể đạt được và rõ ràng cần nỗ lực và hành động hơn nữa với thử thách bảo tồn ĐDSH tại Việt Nam. NR6 thông tin về các mục tiêu quốc gia; các biện pháp triển khai, đánh giá hiệu quả, các trở ngại và nhu cầu KH-KT để đạt được mục tiêu quốc gia (MTQG); mô tả sự đóng góp của quốc gia đối với từng mục tiêu Aichi (ABT); mô tả đóng góp của quốc gia cho các mục tiêu của chiến lược Bảo tồn Thực vật toàn cầu; thông tin bổ sung về đóng góp của người dân bản địa và cộng đồng địa phương để đạt được ABT; cập nhật hồ sơ quốc gia về ĐDSH.
Ông Lai nhận định, chúng tôi ấn tượng với báo cáo này, bởi đây là lần đầu áp dụng công nghệ không gian vào đa dạng sinh học.
Kết thúc hội thảo, Phó Cục trưởng Hoàng Thị Thanh Nhàn đánh giá cao kết quả dự án BIOFIN pha 1. Bà Nhàn cho rằng kết quả này sẽ giúp cơ quan Chính phủ và cá nhân có một bức tranh tổng quan về khung chính sách, nhu cầu, thiếu hụt, nguồn lực. Các kết quả cũng cho thấy nguồn lực cho ĐDSH thời gian qua còn phục thuộc nhiều vào Ngân sách Nhà nước và vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực hiện các chỉ tiêu, cần có các cơ chế tài chính mới để tăng thêm nguồn lực, điều chỉnh chính sách tài chính cho đa dạng sinh học trong thời gian tới. Một số khuyến nghị cũng giúp cơ quan Chính phủ xem xét nghiên cứu sâu hơn để áp dụng, bao gồm cả việc điều chỉnh các luật hiện có, xây dựng luật phù hợp với luật ngân sách mới, tránh các hoạt động gây áp lực cho đa dạng sinh học trong thời gian tới.
Bà Nhàn kiến nghị UNDP đưa ra sổ tay hoặc tóm tắt về chính sách, đặc biệt phục vụ cho cơ quan tài chính và các ngành liên quan. Và trong Pha II, Bộ TNMT sẵn sàng hợp tác với UNDP để huy động sự tham gia của Bộ tài chính vì họ là người quyết định chính sách.
Về NR6, bà Nhàn nhận định, quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia thực hiện bài bản theo hướng dẫn của CBD, tuy nhiên, một số nội dung cần làm sâu sắc hơn trong báo cáo: vai trò, sự tham gia của cộng đồng, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giảm nghèo; nội dung hợp tác quốc tế trong quản lý loài di cư, sinh vật ngoại lai, làm rõ hơn các thành tựu đã đạt được, thực tiễn tốt, ví dụ minh chứng nhưng cần rà soát, bổ sung 1 số thông tin, chỉ tiêu trong Báo cáo.