Tổng kết công tác dự báo phục vụ phòng chống thiên tai khu vực Nam Bộ 2019-2020

Lê Hùng| 03/07/2020 19:05

(TN&MT) - Chiều 3/7 tại Phú Quốc (Kiên Giang), Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) Khu vực Nam Bộ đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dự báo phục vụ chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai khu vực Nam Bộ năm 2019-2020.

Ông Lê Hồng Phong - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu kết luận tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có ông Lê Hồng Phong - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV - Bộ TN&MT, đại diện lãnh đạo các Cơ quan, Ban ngành Trung ương, các Viện, Trường, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT, Chi cục Phòng chống thiên tai.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Ngọc Quyền - Giám đốc Đài KTTV Khu vực Nam Bộ cho biết: Nam Bộ gồm có hai vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, nếu như khu vực miền Đông là vùng kinh tế trọng điểm về công nghiệp và cây công nghiệp thì khu vực ĐBSCL lại là vùng kinh tế trọng điểm về an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy vậy, cả hai khu vực này đang phải đối mặt với thực trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, trong đó ĐBSCL được coi là khu vực chịu ảnh hưởng chính, thiên tai ngày càng gia tăng cả về số lượng, cường độ và phạm vi, tác động nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất. 

Cũng theo ông Lê Ngọc Quyền, trong 5 năm gần đây, tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến hết sức phức tạp và có nhiều bất thường trái quy luật, thiên tai có nguồn gốc KTTV xảy ra liên tục và với tần suất ngày càng gia tăng. Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn sâu vào nội đồng ngày càng khốc liệt, mưa lớn thường xuyên vượt mức lịch sử, có nơi vượt trên 100% đo được như tại Phú Quốc, TP.HCM. 

Ông Lê Ngọc Quyền - Giám đốc Đài KTTV Khu vực Nam Bộ phát biểu tại Hội nghị

Cùng với đó, triều cường đã liên tục phá vỡ mức lịch sử trên sông Tiền, sông Hậu, đặc biệt là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai 3 năm liền đều vượt mức lịch sử, các đợt mưa lớn trên diện rộng, giông mạnh kèm theo tố lốc, sét.... xảy ra ở nhiều tỉnh, thành gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trong khu vực. Từ đó cho thấy biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã, đang và sẽ tác động ngày càng mạnh đến thời tiết thủy văn tại khu vực Nam Bộ theo hướng cực đoan. 

Ông Lê Ngọc Quyền cho rằng: "Trước diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, thủy văn mà chúng ta đang phải đối diện, việc từng bước nâng cao chất lượng, độ tin cậy của các bản tin dự báo KTTV là yêu cầu chính đáng của cộng đồng và cũng trách nhiệm của những người làm công tác KTTV trong thời gian tới". 

Theo báo cáo của Đài KTTV Khu vực Nam Bộ, qua diễn biến mưa lũ trên lưu vực sông Mê Công mang tính bất lợi cho mùa khô năm 2019-2020 tại khu vực Nam Bộ, được sự chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Tổng cục KTTV, Đài KTTV Khu vực Nam Bộ và các đơn vị trực thuộc Đài đã đưa ra cảnh báo sớm tình hình hạn mặn năm 2019-2020, từ đó giúp các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương, người dân chủ động đưa ra các giải pháp phòng chống hạn, mặn, giảm thiểu thiệt hại.

Nhận định về tình hình KTTV trong những tháng cuối năm 2020, lãnh đạo Đài KTTV Khu vực Nam Bộ cho biết, trong các tháng 7, 8 và 9/2020 tổng lượng mưa tại khu vực Nam Bộ đạt xấp xỉ trung bình nhiều năm, còn tại khu vực ĐBSCL tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Về tình hình thủy văn đầu nguồn sông Cửu Long năm 2020 ít có khả năng xuất hiện lũ sớm, đỉnh lũ có khả năng ở mức báo động 1, báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm từ 0,2 đến 0,4m xuất hiện vào nửa cuối tháng 9/2020.

Ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt chia sẻ tại Hội nghị

Tại Hội nghị, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT cho biết: “Trong thời gian qua, từ các số liệu dự báo của Đài KTTV Khu vực Nam Bộ giúp chúng tôi xây dựng được bản đồ xâm nhập mặn của vùng ĐBSCL. Đặc biệt là vào tháng 7/2019, Đài KTTV Khu vực Nam Bộ đã dự báo về tình hình hạn, mặn vào mùa khô năm 2019-2020, từ dự báo rất quan trọng này giúp ngành Nông nghiệp bố trí lịch thời vụ, giảm diện tích xuống giống vụ lúa Đông Xuân tại khu vực ĐBSCL...”.

Theo nhiều đại biểu tham dự Hội nghị, trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, thủy văn, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, trong thời gian tới, ngành KTTV tiếp tục đưa ra những bản tin dự báo, cảnh báo nhanh, chính xác kịp thời phục vụ cho công tác phòng ngừa thiên tai của các cấp, các ngành, người dân.

Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Lê Hồng Phong - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV ghi nhận và biểu dương những đóng góp quan trọng của Đài KTTV Khu vực Nam Bộ trong thời gian vừa qua, đặc biệt là những dự báo, cảnh báo của Đài đã góp phần giảm thiểu được những thiệt hại cho các địa phương khu vực ĐBSCL vào mùa khô năm 2019-2020. 

Tuy vậy, theo ông Lê Hồng Phong, trước tình hình thiên tai diễn biến khốc liệt và phước tạp, Tổng cục KTTV chỉ đạo các đơn vị dự báo KTTV, đặc biệt là Đài KTTV Khu vực Nam Bộ trong năm 2020 cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất, toàn thể cán bộ, viên chức Đài KTTV Khu vực Nam Bộ, đặc biệt là các dự báo viên, quan trắc viên tăng cường hơn nữa tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, Đài KTTV Khu vực Nam Bộ thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của Luật Khí tượng Thủy văn, Luật Phòng chống thiên tai và các quy định mới nhất của Bộ TN&MT và Tổng cục KTTV về KTTV. Thứ ba, Đài KTTV Khu vực Nam Bộ tăng cường phối hợp với các địa phương bám sát các yêu cầu của các địa phương để đưa ra bản tin dự báo sớm nhất, độ tin cậy cao nhất nhằm phục vụ cho công tác chỉ đạo của các địa phương. 

"Các thông tin dự báo, cảnh báo KTTV chuyển đến cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai phải kịp thời đưa ra quyết định trong công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại cũng như phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền để các cơ quan, người dân hiểu và thực hiện tốt các quy định của Luật Khí tượng Thủy văn và sử dụng có hiệu quả tốt nhất các bản tin dự báo" - ông Lê Hồng Phong nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng kết công tác dự báo phục vụ phòng chống thiên tai khu vực Nam Bộ 2019-2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO