Môi trường

Tổng kết các hỗ trợ kỹ thuật thuộc Chương trình đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á

Hoàng Ngân 22/03/2024 - 21:52

Chiều 22/3, Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) tổ chức hội thảo tổng kết các hỗ trợ kỹ thuật thuộc Chương trình đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á.

dsc06191.jpg
Bà Nguyễn Đặng Thu Cúc, Phó Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-dôn (Cục Biến đổi khí hậu) chia sẻ tại Hội thảo

Hội thảo được tổ chức để chia sẻ các kết quả thực hiện và những phát hiện chính của các hỗ trợ kỹ thuật bao gồm: Đánh giá tác động của Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) và đề xuất chính sách thuế các-bon cho Việt Nam; Chương trình làm mát xanh quốc gia: Nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu để xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia.

Phát biểu khai mạc trực tuyến, ông John Robert Cotton – Quản lý Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á cho biết: Các Hỗ trợ kỹ thuật này là những hoạt động trọng điểm trong khuôn khổ hợp tác chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính tại Việt Nam được đưa ra trong Biên bản ghi nhớ giữa Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) và Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên Hợp Quốc (UNOPS)/Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP).

Các khuyến nghị và đề xuất đối với Việt Nam trong nghiên cứu góp phần xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang công nghệ hiệu suất năng lượng cao và các-bon thấp. Đồng thời, tăng cường tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực làm mát và tối đa hóa các lợi ích của Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.

14e5b77a55c9f997a0d8(1).jpg
Quang cảnh buổi Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện nhóm tư vấn đã chia sẻ kết quả thực hiện các hỗ trợ kỹ thuật. Kết quả nghiên cứu chuyên sâu về làm mát xanh và nghiên cứu bước đầu về tài chính xanh đang đóng góp tích cực cho Chính phủ Việt Nam nhờ cơ sở dữ liệu toàn diện mới và toàn diện về lĩnh vực làm mát. Theo đó, có 5 cơ chế tài chính để huy động việc giảm phát thải khí nhà kính bao gồm: Miễn thuế và ưu đãi thuế; tài trợ, trợ cấp, bảo lãnh; khoản vay; giao dịch chứng chỉ tiết kiệm năng lượng; doanh thu từ bán tín chỉ trên thị trường các-bon quốc tế.

Báo cáo Đánh giá Tác động của Cơ chế điều chỉnh các-bon là nghiên cứu đầu tiên ở Châu Á về Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon của Liên minh Châu Âu (EU), đề xuất các chiến lược thiết thực cho chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam thích ứng với cơ chế, khai thác hiệu quả lợi ích kinh tế - xã hội, đồng thời duy trì khả năng cạnh tranh của đất nước. Báo cáo đề xuất chính sách thuế các-bon cung cấp đánh giá có hệ thống về bối cảnh trong nước và kinh nghiệm quốc tế cùng đề xuất các giải pháp khác nhau cho chính phủ Việt Nam nhằm khử các-bon cho nền kinh tế thông qua khuyến khích đầu tư vào hiệu quả năng lượng và công nghệ các-bon thấp ở sản xuất công nghiệp.

Bà Nguyễn Đặng Thu Cúc, Phó Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-dôn (Cục Biến đổi khí hậu) chia sẻ, các kết quả của hoạt động nghiên cứu sẽ cung cấp dữ liệu cần thiết để Cục Biến đổi khí hậu triển khai các hoạt động trong thời gian tới, hướng vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng kết các hỗ trợ kỹ thuật thuộc Chương trình đối tác Chuyển dịch Năng lượng Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO