Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển. |
Dự hội nghị còn có Thiếu tướng Bùi Quốc Oai – Chính ủy Cảnh sát biển; các đồng chí Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Thủ trưởng các cơ quan Bộ Tư lệnh, các Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển và các cơ quan đơn vị trực thuộc theo chức năng nhiệm vụ quy định tại Nghị định 30/2010/NĐ-CP, Nghị định số 130/2015/NĐ-CP và Thông tư số 153/2016/TT-BQP.
Hội nghị nhằm tổng kết đánh giá toàn diện tình hình và kết quả 10 năm thực hiện Nghị định 30/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010 của Chính phủ về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; 5 năm thực hiện Nghị định số 130/2015/NĐ-CP ngày 18/12/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 30/2010/NĐ-CP; 4 năm thực hiện Thông tư số 153/2016/TT-BQP của Bộ Quốc phòng, 4 năm Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ chủ trì triển khai nhiệm vụ huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Đại tá Đào Anh Tú - Phó Tham mưu trưởng Cảnh sát biển báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện pháp luật về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. |
Hội nghị đánh giá, sau 10 năm thực hiện pháp luật về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã góp phần phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, dân tộc, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định trên các vùng biển.
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, từ năm 2017 đến nay, Lực lượng Cảnh sát biển đã được Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ chủ trì triển khai nhiệm vụ huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã quán triệt sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ triển khai phổ biến, tuyên truyền, vận động sâu rộng đến cán bộ, chiến sĩ, quần chúng nhân dân và ngư dân bằng các hình thức đa dạng, phong phú, hiệu quả đã tạo sự đồng thuận, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm trong tham gia nhiệm vụ huy động bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Các cơ quan, đơn vị đã kịp thời phối hợp, hiệp đồng, ký kết với các quân khu có biển, các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong công tác rà soát, đăng ký, quản lý tình hình nhân lực, tàu thuyền và phương tiện trong diện huy động; sẵn sàng tiếp nhận và làm tốt công tác bảo đảm cho nguồn huy động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển và tham gia diễn tập.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - Tư lệnh Cảnh sát biển phát biểu kết luận hội nghị. |
Hội nghị cũng phản ánh những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện như: Thuyền viên, ngư dân trên các tàu thuộc diện huy động thường xuyên biến động, thay đổi do lao động theo thời vụ; tàu cá ngư dân hoạt động dài ngày trên biển, ngư trường xa bờ, trang thiết bị trên tàu đã cũ, xuống cấp, khó khăn cho công tác bảo đảm; công tác huấn luyện của địa phương, bộ, ngành chất lượng chưa cao; nội dung chương trình huấn luyện chưa có giáo trình, tài liệu huấn luyện thống nhất; việc giải quyết chế độ, chính sách và ngân sách bảo đảm còn nhiều bất cập...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận đánh giá tình hình, hiệu quả thực tế và công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân; kết quả phối hợp hiệp đồng của Lực lượng Cảnh sát biển trong việc tiếp nhận huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo trong thời gian qua; đồng thời chỉ rõ những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, đề xuất chủ trương, giải pháp và những nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung trong các văn bản pháp luật về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phát biểu kết luận hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn – Tư lệnh Cảnh sát biển nhấn mạnh, thời gian tới, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, nhạy cảm, khó lường; chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm; nhiệm vụ chủ trì tiếp nhận huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển đảo phải luôn được đặt lên hàng đầu và sẵn sàng thực hiện trong mọi thời điểm. Để làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục duy trì nghiêm hệ thống trực SSCĐ ở các cấp, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hiệp đồng nắm chắc tình hình mọi mặt, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống; thường xuyên quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền sâu rộng cho các tầng lớp nhân dân; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương làm tốt công tác nắm, rà soát nguồn huy động; chủ động xây dựng hệ thống văn kiện, kế hoạch, tổ chức huấn luyện các khung cán bộ tăng cường, đối tượng thuộc diện huy động, sẵn sàng tổ chức diễn tập nguồn huy động khi có lệnh của cấp trên.