Môi trường

Tổng kết 10 năm thực hiện NQ 24-NQ/TW tại Sơn La: Bước tiến trong bảo vệ môi trường

Nguyễn Nga 17/08/2023 - 12:58

(TN&MT) - Thực thi Nghị quyết số 24-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT), những năm qua, tỉnh Sơn La đã xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực, góp phần khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên, môi trường vì mục tiêu tăng trưởng xanh.

Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp

Để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW, Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị phù hợp tình hình thực tiễn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành các văn bản thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp về chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT; giao nhiệm vụ cho các cấp ủy đảng tổ chức thực hiện. UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan tham mưu phối hợp với các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nước ngoài kêu gọi hỗ trợ kinh phí xây dựng, triển khai các dự án tăng cường năng lực nhằm phòng, chống, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tích cực ứng phó BĐKH.

Ưu tiên đưa các mục tiêu ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT lồng ghép trong quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh địa phương, coi đây là nội dung bắt buộc, đảm bảo 100% quy hoạch, kế hoạch đều hướng đến mục tiêu ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên, môi trường.

cong-tac-bao-ve-moi-truong-duoc-nguoi-dan-quan-tam-huong-ung-voi-nhieu-hoat-dong-thiet-thuc..jpg
Công tác bảo vệ môi trường được người dân quan tâm, hưởng ứng, với nhiều hoạt động thiết thực.

Cùng với đó, chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý tài nguyên, môi trường. Giai đoạn từ năm 2019 đến nay, Sở TN&MT đã tổ chức 15 cuộc tập huấn, hội nghị với hơn 2.000 người tham gia; phát hành trên 42.000 tờ rơi, đề cương tuyên truyền, sổ tay hướng dẫn; đăng trên 850 tin, bài, văn bản hướng dẫn, tuyên tuyền về tài nguyên, môi trường trên trang tin điện tử của Sở, các phương tiện thông tin đại chúng.

Phối hợp với Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh, các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, các huyện, thành phố tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, môi trường, khí tượng thủy văn, BĐKH. Đưa nội dung BVMT, phân loại rác tại nguồn, bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó BĐKH vào các chương trình đào tạo ngoại khóa các cấp học. Bước đầu hình thành ý thức bảo vệ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với BVMT.

Hoàn thành cơ bản các mục tiêu môi trường

Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt trên 200 hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp 4 giấy phép môi trường với các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất kinh doanh. Chất lượng thẩm định các thủ tục hành chính lĩnh vực môi trường ngày càng được nâng lên. Ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư, phê duyệt các thủ tục môi trường, đã thẩm định, yêu cầu các cơ sở xem xét, lựa chọn phương pháp, công nghệ xử lý đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường. Với các dự án đầu tư có yếu tố công nghệ, phải thẩm định công nghệ, đăng ký chuyển giao công nghệ, kiên quyết không cho phép sử dụng công nghệ trong danh mục cấm chuyển giao.

Hàng năm, thành lập và duy trì Đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định BVMT, tài nguyên nước với các cơ sở chế biến nông sản. Kết quả giám sát đã kiểm soát hoạt động thu gom, xử lý chất thải, phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm. Tập trung kiểm soát, theo dõi công tác BVMT, đánh giá mức độ ô nhiễm với các cơ sở, khu vực hoạt động sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm, có ý kiến phản ánh, kiến nghị của cử tri, các cơ quan thông tấn báo chí và nhân dân để kịp thời xử lý.

Nhờ đó, đến nay, 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành xử lý ô nhiễm, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt 92,5%; 99,9% chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế được thu gom, xử lý. Tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị loại II đạt 45,6%; đô thị loại 4 đạt 53,7%; 93,5% dân số đô thị được cung cấp nước sạch; 96,7% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh…

son-la-chu-dong-phong-ngua-giam-sat-chat-cac-co-so-co-nguy-co-gay-o-nhiem..jpg
Sơn La chủ động phòng ngừa, giám sát chặt các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm.

Quan tâm xã hội hóa hoạt động BVMT, thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Chú trọng cải tạo hồ, ao, kênh, mương, sông, suối bị ô nhiễm, trước hết ở khu vực đầu nguồn, khu đô thị, khu dân cư. Thực hiện nghiêm các biện pháp phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản. Tăng cường năng lực quan trắc, giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường.

Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Bà Lê Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Sơn La cho biết: Sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW, chủ trương, giải pháp của Đảng về chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT đã được cấp ủy chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Sơn La quán triệt, thể chế hóa, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đã đổi mới công tác quản lý môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, giám sát chặt các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm, có quy mô xả thải lớn. Bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý các cấp về tài nguyên, môi trường từng bước được kiện toàn. Hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm được nâng cao; cung cấp công khai, minh bạch thông tin, thực hiện hiệu quả công tác giám sát của cộng đồng và phản biện xã hội trong ứng phó BĐKH.

Thông qua triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động về quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, BVMT, ứng phó BĐKH. Đây chính là tiền đề quan trọng để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội.

Thời gian tới, tỉnh Sơn La xác định: Ứng phó BĐKH không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Tài nguyên là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên đặc biệt quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. BVMT vừa là mục tiêu vừa là nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tăng cường BVMT phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, lấy phòng ngừa là chính, kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, mục tiêu hàng đầu là bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Trên quan điểm đó, Sơn La sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, hướng dẫn thi hành các quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của các cấp, ngành và toàn xã hội. Chú trọng nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp Giấy phép môi trường các dự án đầu tư.

Tăng cường kiểm soát môi trường các khu, cụm công nghiệp, cơ sở khai thác khoáng sản, nông sản, chăn nuôi, khu đô thị, khu vực nông thôn. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu môi trường, đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, làm cơ sở để quản lý, sử dụng trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại, viễn thám, công nghệ thông tin và các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên môi trường…

Sơn La đề ra mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có 152/188 xã đạt chuẩn NTM; 100% khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục; 95% chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị, 90% khu vực nông thôn được thu gom; 100% trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi ni lông khó phân hủy… Các tác động xấu gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước được chủ động phòng ngừa, kiểm soát; nâng cao năng lực ứng phó BĐKH, đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng kết 10 năm thực hiện NQ 24-NQ/TW tại Sơn La: Bước tiến trong bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO