Tổng hợp chính xác số liệu nguồn vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm
(TN&MT) - Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên tại cuộc họp với Cục Khoáng sản Việt Nam chiều ngày 24/4 về thông tin Giấy phép khai thác vật liệu xây dựng thông thường các tỉnh khu vực miền Nam và khả năng cung ứng cho các Dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải (số liệu tính đến tháng 3/2023).
Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, ông Nguyễn Trường Giang cho biết: Tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đối với khả năng cung ứng vật liệu san lấp phục vụ các dự án giao thông trọng điểm, theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa và UBND tỉnh Đắk Lắk, nguồn vật liệu cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho các dự án cao tốc trên các tuyến Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Đèo Cả - Nha Trang và Nha Trang - Cam Lâm.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu có khả năng cung ứng đủ nguồn vật liệu san lấp cho các tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh. Đối với dự án Vành Đai 3 (đi qua Long An, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai), kết quả báo cáo của các tỉnh có dự án đi qua cho thấy, Bình Dương, Đồng Nai và Long An hoàn toàn đáp ứng nhu cầu vật liệu đoạn qua địa bàn tỉnh, chỉ còn đoạn qua TP. Hồ Chí Minh cần phải có sự phối hợp, điều tiết của UBND các tỉnh lân cận.
Đối với Dự án Bến Lức Long Thành (đi qua Long An, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai), dự án đã triển khai từ năm 2014, tuy nhiên do vướng các thủ tục về vốn, chưa rõ cơ quan chủ trì nên dự án đang tạm dừng thi công, chờ ý kiến của cơ quan có thẩm quyền để tiếp tục triển khai.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu về cát đắp, vật liệu san lấp của các dự án (giai đoạn 2022-2025) khoảng gần 50 triệu m3, trong đó, năm 2023 khoảng 17 triệu m3, năm 2024-2025 khoảng 30 triệu m3. Ngoài ra, Long An còn có nguồn đất san lấp đã cấp phép tương đối lớn (khoảng 30 triệu khối), nếu sử dụng được loại vật liệu này thì khả năng cung ứng có thể còn cao hơn.
Cục trưởng Nguyễn Trường Giang cho biết thêm, để đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện nay, Bộ TN&MT bắt đầu triển khai dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long” trên phạm vi khu vực biển nằm cách bờ (đất liền) chủ yếu từ 10-25km, độ sâu từ 10-30m.
Kết quả thực hiện dự án sẽ làm rõ chất lượng, tiềm năng cát biển và khả năng khai thác để đáp ứng nguồn vật liệu san lấp đang khan hiếm hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chỉ đạo Cục Khoáng sản Việt Nam tổng hợp chính xác số liệu về nguồn vật liệu san lấp các tỉnh phía Nam phục vụ các dự án giao thông trọng điểm, trong đó tập trung rà soát lại báo cáo của các địa phương liên quan đến giấy phép thăm dò khai thác đã cấp, đang cấp, chưa cấp, chưa gia hạn….