Theo Tổng cục KTTV, đến nay, Tổng cục đã triển khai thực hiện dự báo xu thế thời tiết đến 10 ngày cho các khu vực, dự báo chi tiết thời tiết điểm đến 10 ngày cho 63 điểm đặc trưng các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước. Nâng thời hạn dự báo bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) thêm 1 - 2 ngày so với quy định. Thực hiện dự báo mưa lớn định lượng cho các tỉnh trong khu vực xảy ra mưa lớn, phối hợp với các đơn vị xây dựng bản đồ mưa độ phân giải 5x5km.
Đổi mới công tác dự báo theo hướng hiện đại, tiếp cận theo Tổ chức Khí tượng thế giới là dự báo tác động của KTTV đến các ngành nghề như nông nghiệp, ngư nghiệp, giao thông vận tải, y tế, du lịch... để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội.
Mặc dù đã có nỗ lực vượt bậc, nhưng hoạt động của Tổng Cục KTTV còn những hạn chế nhất định. Do mới đi vào hoạt động, nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KTTV đang trong quá trình xây dựng, chưa đầy đủ so với yêu cầu quản lý Nhà nước về KTTV. Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết, các tỉnh chưa xây dựng cơ sở dữ liệu KTTV; chưa lập kế hoạch bố trí quỹ đất cho đầu tư phát triển mạng lưới trạm KTTV trên địa bàn tỉnh; một số tỉnh chưa thực hiện lồng ghép nhiệm vụ giám sát biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tình trạng vi phạm hành lang kỹ thuật công trình KTTV còn diễn biến phức tạp.
Công tác dự báo điểm còn gặp nhiều khó khăn do các điểm quan trắc KTTV còn thưa, chưa đáp ứng yêu cầu; quan trắc thủ công vẫn là chủ yếu; chế độ dòng chảy tại các trạm thủy văn bị ảnh hưởng của hồ chứa thay đổi nên việc quan trắc gặp nhiều khó khăn.
Tổng cục KTTV hoạt động từ 9/3/2018 nhưng biên chế công chức được giao chưa đáp ứng yêu cầu theo chức năng nhiệm vụ mới, do đó, hoạt động của khối văn phòng còn chưa ổn định, thiếu so với yêu cầu thực tế.
Việc quản lý và đánh giá chất lượng dự báo KTTV còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật còn thiếu hoặc chưa được hoàn thiện theo quy trình thiết bị công nghệ mới. Do thiếu kinh phí tu sửa, bão dưỡng công trình nên nhiều công trình trạm KTTV bị xuống cấp, hư hỏng. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.
Mạng lưới trạm quan trắc KTTV quốc gia tại một số vùng còn rất thưa, chưa đáp ứng được yêu cầu; quan trắc thủ công vẫn là chủ yếu; chế độ dòng chảy tại các trạm thủy văn bị ảnh hưởng của hồ chứa thay đổi nên việc quan trắc gặp nhiều khó khăn.
Việc phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về KTTV đến từng đối tượng liên quan để thực hiện còn hạn chế. Tốc độ đô thị hóa nhanh nên tình hình vi phạm hành lang kỹ thuật trạm KTTV trên phạm vi cả nước vẫn diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí tu sửa, bão dưỡng công trình nên nhiều công trình trạm KTTV bị xuống cấp, hư hỏng.
Để công tác dự báo ngày càng sát thực tế, đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, Tổng cục cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật KTTV và các văn bản quy phạm pháp luật khác để thực thi hiệu quả Luật KTTV, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động KTTV phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy lùi tình trạng vi phạm hành lang kỹ thuật trạm KTTV.
Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra thực thi pháp luật về KTTV tại các địa phương. Tiếp tục đầu tư bằng nguồn NSNN hệ thống dự báo KTTV hiện đại, đồng bộ về trang thiết bị máy móc, kỹ thuật, công nghệ và các mô hình dự báo tiên tiến để các bản tin cảnh báo, dự báo KTTV có độ tin cậy ngang mức tiên tiến của khu vực châu Á. Tăng cường các nghiên cứu, phát triển công nghệ dự báo cực ngắn và phục vụ địa phương.
Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị cụ thể hóa bản tin dự báo thời tiết nguy hiểm đến từng địa phương; cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh, nhất là các bản tin dự báo bão, ATNĐ, lũ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng.