Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022: Hoàn thành 2 quy hoạch biển là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu

Kim Liên  | 19/01/2022 15:31

(TN&MT) - Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã chỉ đạo trong Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ năm 2021 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sáng 19/1/2022, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022 là phải hoàn thành Quy hoạch không gian biển Quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam được tổ chức trực tuyến và trực tiếp với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm UBKHCN của Quốc hội, nguyên Tổng cục Trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, các Phó Tổng cục trưởng, lãnh đạo các Cục, Trung tâm và các đơn vị thuộc Bộ.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Quế Lâm cho biết:  Năm 2021, tình hình Biển Đông vẫn có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, đồng thời với sự xuất hiện các biến chủng mới của dịch bệnh Covid-19 trên toàn cầu đã tác động không nhỏ tới Việt Nam nói chung cũng như hoạt động quản lý nhà nước của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Tổng cục) nói riêng. Trong bối cảnh đó, Tổng cục vẫn được Đảng, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường tin tưởng giao tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Tổng cục đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo Chương trình công tác năm 2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT, Tổng cục và các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh, trong đó có nhiều kết quả nổi bật như:  Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW; Kế hoạch số 646- KH/BCSĐTNMT thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP, Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 07/01/2020 phê duyệt Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030,… Tham mưu các cấp ban hành 01 Nghị định, 02 Thông tư, trình 02 Nghị định. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án, nhiệm vụ đã góp phần cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cho công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Đã bám sát các nội dung quy định tại Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản thi hành Luật, Tổng cục triển khai hướng dẫn và phối hợp với các địa phương trong công tác thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; quản lý tài nguyên hải đảo; cấp giấy phép nhận chìm ở biển, kiểm soát môi trường biển, đảo… Các nội dung hướng dẫn, phối hợp phần nào đã giải quyết những mâu thuẫn, xung đột hoặc nguy cơ mâu thuẫn, xung đột về lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh - quốc phòng ở địa phương.

Việc lập, quản lý tài nguyên hải đảo đang được triển khai với việc điều tra, đánh giá tổng thể, toàn diện về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường; thống kê, phân loại để lập hồ sơ hải đảo và định hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên hải đảo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Bảo đảm hài hòa giữa nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo tồn, phát triển và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.

Các đại biểu tại điểm cầu Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Về công tác lập Quy hoạch không gian biển quốc gia và Lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ của quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045: Đã xin ý kiến các Bộ ngành các hợp phần quy hoạch tích hợp vào Quy hoạch không gian biển quốc gia và đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc lập các hợp phần tích hợp vào Quy hoạch không gian biển quốc gia của các Bộ, ngành. Hiện Tổng cục đang phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu để triển khai thực hiện lập quy hoạch và ĐMC của 02 quy hoạch nêu trên, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, thời hạn quy định.  

Công tác giao khu vực biển bước đầu đã đi vào nền nếp, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức, địa phương có biển trong việc xử lý các hồ sơ giao khu vực biển để nhận chìm.

 Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, dẫn đến nhiều kế hoạch, chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế bị tạm hoãn, hủy, thay đổi hình thức tổ chức, gây ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả công tác đối ngoại nhưng công tác hợp tác quốc tế của Tổng cục trong năm 2021 vẫn có nhiều thành tích rất đáng ghi nhận như tổ chức thành công các Hội nghị trực tuyến quốc tế; làm việc với các tổ chức quốc tế vận động tài trợ, hỗ trợ các hoạt động của Tổng cục. Tranh thủ vốn, công nghệ và tri thức của nước ngoài hỗ trợ cho lĩnh vực biển và hải đảo, đồng thời nâng cao uy tín, vị thế của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Việt Nam trên trường quốc tế,

Tổng cục đã xác định công tác khoa học, công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm, giúp hỗ trợ và tăng cường nguồn lực, tri thức và công nghệ quản lý. Do vậy, Tổng cục đã đề ra nhiều biện pháp đổi mới công tác quản lý, tập trung hoàn thiện các quy chế, quy định, gắn trách nhiệm quản lý của các đơn vị, chủ nhiệm đề tài, nhiệm vụ, nâng cao năng lực thực hiện, xây dựng mạng lưới chuyên gia, các nhà khoa học, nâng cao chất lượng các hội đồng khoa học, bảo đảm được triển khai có hiệu quả, chất lượng phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo.

Phối hợp Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường của Bộ triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tham mưu với Lãnh đạo Tổng cục thực hiện Chương trình chuyển đổi số tài nguyên môi trường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 417/QĐ-BTNMT ngày 10/3/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân biểu dương và đánh giá cao những thành tích mà Tổng cục đã đạt được trong năm qua, một năm dịch bệnh hết sức khó khăn đối với toàn xã hội. Thứ trưởng cũng đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Tổng cục khi ngay từ đầu năm, Tổng cục đã có những chỉ đạo khoa học, quyết liệt và sâu sát tới từng nhiệm vụ để ban hành được 1 Nghị đinh, 02 Thông tư làm cơ sở pháp lý để quản lý hiệu quả tài nguyên, khơi thông nguồn lực từ biển, đảo.

Thứ trưởng cũng chỉ đạo, sang năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Tổng cục Biển và Hải đảo là phải hoàn thiện được 02 quy hoạch quan trọng : Quy Quy hoạch không gian biển Quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Thời gian qua, Tổng cục cũng đã hoàn thiện phần lớn hai nhiệm vụ này, được các chuyên gia, nhà khoa học, các cấp lãnh đạo đánh giá cao. Hiện chỉ còn một phần công việc cần có sự góp ý, tiếp thu, hoàn thiện vào giai đoạn cuối nên cần tập trung hơn nữa nguồn lực để hoàn thành.

Bên cạnh đó, Tổng cục cần đẩy nhanh tiến độ thẩm định các hồ sơ cấp phép theo thẩm quyền; nâng cao tính chuyên nghiệp trong tác phong, lề lối làm việc, tăng cường hợp tác, phối hợp để đạt hiệu quả cao trong  chuyên môn, nghiệp vụ; Thường xuyên thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện Luật Tài nguyên và môi trường biển đảo theo thẩm quyền để kịp thời  phát hiện những sai phạm, vướng mắc, đề xuất phương án xử lý, tháo gỡ giải quyết; Tăng cường củng cố bộ máy, đẩy nhanh tiến độ điều tra cơ bản, chủ động rà soát hệ thống văn bản pháp luật đề xuất các nhiệm vụ xây dựng văn bản pháp luật phục vụ hiệu quả công tác quản lý tổng hợp thống nhất biển, hải đảo Viêt Nam.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2022: Hoàn thành 2 quy hoạch biển là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO