Lễ khai mạc Festival Nghề truyền thống Huế năm 2017 sẽ diễn ra vào 20h ngày 28/4 |
Festival Nghề truyền thống Huế 2017 với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” sẽ diễn ra từ ngày 28/4 đến hết ngày 2/5. Đây là lần thứ 7 sự kiện này được diễn ra tại Cố đô.
Nhiều hoạt động đặc sắc
Festival Nghề năm nay có sự tham gia của trên 300 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước như: Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hà Giang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, TP. Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Vĩnh Long, Thừa Thiên Huế...
Ngoài ra, còn có sự tham gia của các quốc gia có các thành phố kết nghĩa với Huế như: Takayama, Saijo, Shizuoka (Nhật Bản), Busan (Hàn Quốc), Nghi Hưng (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc).
Sẽ có 13 nhóm nghề tham dự, gồm: Thêu, kim hoàn, mộc, mỹ nghệ, đồng, gốm, nón lá, hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình, dệt may, mây tre, pháp lam, cùng các sản phẩm khác có thương hiệu và truyền thống lâu đời.
Nghề 3 miền sẽ hội tụ bên dòng sông Hương thơ mộng |
Lễ khai mạc Festival Nghề truyền thống Huế 2017 sẽ diễn ra vào 20h ngày 28/4/2017 tại sân khấu Quảng trường Quốc Học. Đây là chương trình ca múa nhạc đặc biệt kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật với ngôn ngữ hiện đại, trên nền bản sắc văn hóa dân tộc, giới thiệu đất nước quê hương, giới thiệu Huế, các ngành nghề đặc trưng, tinh hoa thủ công mỹ nghệ truyền thống. Chương trình có sự tham dự của các nghệ sĩ, diễn viên, các nhà thiết kế Malaysia, Philippines, Indonesia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, các người mẫu đến khắp 3 miền và nghệ nhân các làng nghề.
Trong khuôn khổ Festival, vào 20h ngày 29/4, tại sân khấu Quảng trường Quốc học Huế sẽ diễn ra chương trình thời trang “Hội tụ bản sắc châu Á” với các bộ sưu tập độc đáo trên chất liệu dệt may truyền thống của 19 nhà thiết kế Việt Nam, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Myanmar và Tây Ban Nha.
Điểm nhấn của Festival là Lễ hội Áo dài với chủ đề Hội họa Huế và áo dài diễn ra vào 20h ngày 30/4/2017 tại Cầu Trường Tiền. Đây là cuộc gặp gỡ giữa tinh hoa hội họa Huế và các nhà thiết kế Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề sẽ hiện diện ở: Bảo tàng Văn hóa Huế, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, công viên Phan Bội Châu, công viên Tứ Tượng, công viên Lý Tự Trọng, Trung tâm văn hóa Làng nghề Phương Nam, Tịnh Tâm Kim Cổ (278 Đinh Tiên Hoàng), không gian Văn hóa Lục Bộ (79 Nguyễn Chí Diểu), không gian may áo dài nhanh. Tại các không gian này, du khách sẽ được trải nghiệm, tiếp xúc với những sản phẩm, nghệ nhân đã sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng và độc đáo.
Sự kiện là cơ hội để những nghệ nhân phô diễn tài năng của mình |
Nâng tầm thương hiệu
Ông Nguyễn Đăng Thạnh- Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Huế, Phó trưởng Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017 cho biết, qua 6 kỳ tổ chức, thành phố Huế đang dần định hình quy trình, công nghệ tổ chức Festival.
“Chúng tôi có kế hoạch chuẩn bị sớm, phân công cụ thể từng bộ phận và thành lập các tiểu ban, đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, quảng bá trên tất cả các hình thức: từ việc dán sticker trên các phương tiện giao thông công cộng, trên mạng xã hội facebook, trên tin nhắn di động SMS đến việc mở các hoạt động quảng bá tại các thành phố lớn trong nước, thậm chí là tranh thủ quảng bá ở nước ngoài khi các đoàn thành phố đi ngoại giao, công tác, chúng tôi mong muốn tạo ra được không khí ngay từ khi lễ hội chưa bắt đầu”- ông Thạnh cho hay.
Hiện tại, TP. Huế đã xây dựng xong logo riêng cho Festival Nghề và đang nghiên cứu để đăng ký bản quyền thương hiệu Festival Nghề truyền thống ở tầm quốc gia.
“Kỳ vọng của thành phố là đưa các kỳ Festival Nghề truyền thống trở thành một sự kiện lớn, là nơi để hội tụ, gặp gỡ, giao lưu các nghệ nhân cả nước, và chính ở đây người dân và du khách sẽ nhìn thấy một bức tranh toàn cảnh làng nghề Việt Nam thu nhỏ...”- Phó Chủ tịch Nguyễn Đăng Thạnh bộc bạch.
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng sẽ tham gia Festival Nghề truyền thống Huế năm 2017 |
Theo bà Phạm Thị Quỳnh Dao - Trưởng Phòng văn hóa thông tin TP. Huế, Festival Nghề truyền thống Huế đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Huế, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố. Sự trưởng thành của Lễ hội này thể hiện không chỉ qua số lượng các làng nghề đăng ký ngày càng đông, mà còn ở tính chuyên nghiệp trong cách tổ chức, chủ trương xã hội hóa cũng được thể hiện rõ và ngày càng nhận được sự hưởng ứng của các nghệ nhân, làng nghề, doanh nghiệp và nhân dân cả nước.
Bà Dao cho biết, hiện có gần 40 cơ sở nghề, làng nghề truyền thống Huế và 20 cơ sở nghề, làng nghề tiêu biểu, đặc sắc trong cả nước đăng kí tham dự Festival. Đặc biệt, ngoài những làng nghề từng tham gia thì có 8 làng nghề và cơ sở nghề lần đầu tiên tham dự Festival, đó là dệt lanh thổ cẩm Mai Châu (Hòa Bình), làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), dệt lụa xã Nam Cao (Thái Bình), làng gốm Mỹ Thiện 200 năm tuổi, dệt làng Teng (Quảng Ngãi), làng nghề sản xuất gốm, thảm lục bình xã Bình Ninh (tỉnh Vĩnh Long); hoa đất sét Thời gian (Đà Lạt), mộc mỹ nghệ Chuyên Mỹ (Hà Nội)...
Trong khi đó, sự góp mặt của các thành phố quốc tế cũng vừa góp phần tạo nên sự phong phú mới lạ, vừa nâng tầm Festival Nghề truyền thống Huế.
Với những gì đã có và đang chuẩn bị, hy vọng rằng Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 7- 2017 sẽ diễn ra thành công tốt đẹp.
Trong khuôn khổ của Festival cũng diễn ra chương trình nghệ thuật mừng Tổ quốc thống nhất tối 30/4 do Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế biểu diễn; Lễ Tế tổ bách nghệ, lễ rước, vinh danh nghệ nhân, làng nghề và bế mạc diễn ra: từ 16h đến 22h. Nhiều hoạt động hưởng ứng, hoạt động cộng đồng như liên hoan sắc màu tuổi thơ, liên hoan diều, triển lãm ảnh, ca Huế thính phòng, không gian thư pháp, biểu diễn võ cổ truyền, cờ người, lễ hội khinh khí cầu, âm nhạc đường phố... được tổ chức. Nhiều hoạt động có ý nghĩa khác cũng diễn ra như: Triển lãm các bộ sưu tập cổ vật quý liên quan các nghề thủ công truyền thống; Bình chọn sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đặc sản lần thứ nhất; Chương trình giới thiệu phim và ca múa nhạc nghệ thuật giao lưu các diễn viên điện ảnh nổi tiếng của Hàn Quốc; Các công ty du lịch với các tour đến với các làng nghề, các điểm tham quan như tour du lịch trải nghiệm Đúc Đồng (Phường Đúc), nhà vườn Thủy Biều, Kim Long...
|
Bài và ảnh:Thế Anh