Tham dự buổi Lễ tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu năm 2022 có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội; ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; ông Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN; ông Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng ban Thường trực Dân vận Trung ương; ông Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Đỗ Việt Hà - Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; ông Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN&MT; ông Triệu Văn Cường - Thứ trưởng Bộ Nội vụ; ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc mạng công nghiệp lần thứ 4 với quan điểm phát triển khoa học công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu, nhiệm vụ trao cho đội ngũ trí thức nước nhà là hết sức to lớn.
Đây là lần thứ 4 Liên hiệp hội tổ chức hoạt động tôn vinh trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu. Liên hiệp hội Việt Nam đã tập hợp được trên 3,7 triệu hội viên, trong đó có 2,2 triệu trí thức KH&CN chiếm 32,5% đội ngũ trí thức của cả nước. Hoạt động này ghi nhận đóng góp của trí thức, đồng thời đoàn kết phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức trong và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy tiềm lực khoa học xã hội quốc gia, phát triển kinh tế xã hội.
Những cá nhân được lựa chọn tôn vinh là trí thức hoạt động trong các viện, trung tâm, cơ sở nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp hoặc các cơ quan của các ngành, lĩnh vực, địa phương hoặc trong hệ thống liên hiệp hội từ 10 năm trở lên. Những trí thức có uy tín khoa học, có nhiều đóng góp hiệu quả, tầm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành được xã hội công nhận. Các trí thức tiêu biểu được lựa chọn đều có nhiều thành tích, công lao đóng góp xuất sắc trong hoạt động khoa học công nghệ và công tác vận động trí thức.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận đóng góp của 106 trí thức tiêu biểu được tôn vinh. Hoạt động là hình thức thi đua yêu nước có ý nghĩa nhân văn lớn, thể hiện sự quan tâm, coi trọng, đãi ngộ của Đảng và Nhà nước đối với trí thức. Đây là sự ghi nhận đối với các cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp, qua đó động viên khuyến khích sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng trí thức khoa học công nghệ cả nước - một trong những trụ cột của tầm nhìn cách mạng Việt Nam đến năm 2045.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiệm vụ giao cho đội ngũ trí thức là rất to lớn và nặng nề, trong đó phát hiện tôn vinh được xác định là nhiệm vụ quan trọng đối với Liên hiệp hội Việt Nam. Danh hiệu trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu không chỉ mang đến niềm tự hào đối với trí thức được tôn vinh và gia đình, mà còn trở thành niềm vinh dự, trách nhiệm với Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên. Vì vậy Liên hiệp Hội cần tiếp tục quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác tập hợp, đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức nước nhà.
Theo Chủ tịch nước, trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trí thức KH&CN chính là hạt nhân. Đội ngũ trí thức cả nước đã góp phần quan trọng tạo nên năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam. Năm 2021, Việt Nam duy trì top 45 quốc gia đổi mới sáng tạo toàn cầu trong số các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp.
Bên cạnh những thành tựu, Chủ tịch nước cũng muốn thẳng thắn thừa nhận năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp, công nghiệp chủ yếu là gia công lắp ráp, giá trị lao động không cao, năng suất lao động thấp, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỉ lệ nội địa hoá thấp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp... Ở đó Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay mở ra cơ hội để nước ta rút ngắn khoảng cách, tăng tốc phát triển, vì thế yêu cầu trí thức khoa học công nghệ nước nhà phải miệt mài hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa cho cuộc sống từ nghiên cứu, phát minh, sáng kiến của mình.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, ngành quan tâm hơn nữa đến các nhà khoa học. "Nghị quyết thiếu đi trí thức là lửa thiếu đi ánh sáng", Chủ tịch nước nói và mong rằng thành công của các nhà khoa học được vinh danh sẽ tạo cảm hứng, thúc đẩy sự lớn mạnh đội ngũ trí thức và đóng góp ngày càng nhiều hơn sự phát triển nước nhà.
Trong số 106 trí thức tiêu biểu được vinh danh đợt này có 50 trí thức thuộc các liên hiệp hội địa phương, 40 trí thức thuộc các hội ngành toàn quốc; 68 người có học hàm, học vị từ phó giáo sư, tiến sĩ và tương đương trở lên, 2 anh hùng lao động. Trí thức cao tuổi nhất được tôn vinh là GS.TS.BS Hoàng Bảo Châu (93 tuổi), nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam. Nam trí thức trẻ tuổi nhất là thạc sĩ Trần Văn Vũ (43 tuổi), Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Kiểm tra Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh và Nữ trí thức trẻ tuổi nhất là GS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng (41 tuổi), Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực.